Máu của người Mỹ còn đổ vì xả súng trên đất Mỹ đến bao giờ?

VOV.VN - Đã đến lúc người dân và nhà nước Mỹ cần quyết tâm chấm dứt quyền sở hữu súng đại trà trong dân, để bảo vệ quyền được sống của nhiều người dân vô tội.

Thực trạng đau lòng và dai dẳng

Năm 2017, nước Mỹ rúng động với vụ xả súng tàn bạo ở Las Vegas khiến 59 người thiệt mạng. Sang năm mới 2018, máu của người Mỹ vẫn không ngừng tuôn trên đất Mỹ vì chính các công dân Mỹ. Ngày Lễ Tình yêu (14/2) vừa rồi, một thanh niên Mỹ đã xả súng cướp đi sinh mạng của 17 người, đa phần là học sinh trung học ở bang Florida. Sau đó vẫn tiếp diễn những vụ xả súng lẻ tẻ khác trên lãnh thổ Mỹ.

Bức ảnh chụp ngày 27/2 tại một nhà thờ ở Newfoundland, Pennsylvania, Mỹ, cho thấy sự tôn sùng súng đạn trong một bộ phận dân cư nước này. Các chức sắc nhà thờ đang cầm súng trường AR-15 và đội vương miện (một số làm từ đạn) trong một nghi lễ cầu nguyện cho súng AR-15. Ảnh: Reuters.

Ấy thế nhưng dường như một bộ phận đáng kể người Mỹ không hề sợ thực tế này. Mới đây một nhóm dân Mỹ vẫn tổ chức một lễ cầu nguyện trang trọng cho... súng trường AR-15 ngay bên trong nhà thờ.

Nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ trước đó, ông Barack Obama đã rất cố gắng ngăn chặn nạn xả súng nhưng về cơ bản ông cũng đành bó tay, mọi chuyện đâu vẫn vào đó sau khi ông kết thúc nhiệm kỳ thứ 2 của mình. Đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump thì tỏ ra không mặn mà lắm với nỗ lực ngăn chặn này. Bản thân ông Trump khi tranh cử Tổng thống đã nhận được sự hậu thuẫn tích cực của Hiệp hội Súng trường Quốc gia Mỹ (NRA) - tổ chức vận động hành lang rất mạnh cho quyền sở hữu súng. Ông Trump thậm chí còn đề xuất để giáo viên mang súng nhằm “lấy độc trị độc”.

Ngay trong Quốc hội Mỹ - cơ quan được coi là gần dân nhất của nước này, cũng có nhiều nghị sĩ ủng hộ quyền sở hữu súng, bất kể những vụ xả súng đẫm máu vừa qua.

Thực ra quy định về kiểm soát súng của Mỹ không phải là hoàn toàn dễ dãi. Họ chỉ cho phép thường dân sử dụng súng trường và súng ngắn. Các loại vũ khí có sức công phá lớn như súng máy hạng nặng, súng cối, pháo, lựu đạn, súng chống tăng, tên lửa vác vai, mìn, bom... (chưa kể các loại vũ khí chiến lược như hạt nhân) thì đương nhiên giới chức Mỹ cấm tiệt.

Ngay cả loại súng mà chính quyền Mỹ cho phép dân dùng cũng không phải là súng quân dụng hoàn toàn. Súng trường loại hợp pháp trong dân là kiểu bán tự động (bắn từng phát một), với hộp tiếp đạn có số viên đạn hạn chế.

Trong vụ xả súng ở Las Vegas vào ngày 1/10/2017, hung thủ bắn được liên thanh là do y dùng thêm “báng nẩy”, chứ súng của y vẫn là loại bán tự động. Khi dùng báng nẩy như vậy, súng bắn như liên thanh nhưng tốc độ vẫn chậm hơn súng tự động và độ chính xác thì cực kém. Hiệu quả của báng nẩy chỉ cao khi mục tiêu là đám đông lớn đứng sát nhau.

Nhưng dù bắn phát một và hộp đạn chỉ có tối đa 10 viên thì rõ ràng các khẩu súng trường này vẫn là vũ khí sát thương nguy hiểm, đủ sức lấy mạng người trong nháy mắt. Khi hung thủ dùng báng nẩy để “trả thù cá nhân, trả thù đời” hoặc đầu óc hung thủ bị điên loạn thì hậu quả rất kinh khủng như đã xảy ra ở Las Vegas.

Nguyên nhân đằng sau

1. Văn hóa, tâm lý

Yếu tố này đã ngấm vào máu của một bộ phận người Mỹ. Việc một nhóm dân Mỹ vẫn điềm nhiên và si mê tổ chức cầu nguyện cho súng sau vụ xả súng ngày lễ Valetine chứng minh rất rõ điều này.

Trong lịch sử, người Mỹ đã phải khai phá và chinh phục nhiều dải đất hoang dã ở Bắc Mỹ. Súng đạn trở thành một phương tiện phòng thân quan trọng của họ trong bối cảnh ấy. Sau đó họ lại còn cần đến súng đạn để chống lại đội quân nhà nghề của Đế chế Anh, để giành độc lập cho 13 thuộc địa Bắc Mỹ.

Thế rồi, súng đạn trở thành thói quen của nhiều người dân Mỹ. Có súng đạn, họ cảm thấy an tâm hơn. Chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh ở Mỹ càng thúc đẩy cái tinh thần “tự do cá nhân” trong việc sở hữu súng đạn.

Văn hóa súng đạn có cả một nền tảng ở Mỹ. Không hiếm các Tổng thống Mỹ là thành viên của Hiệp hội Súng trường Quốc gia Mỹ (NRA).

2. Sở thích

Người Mỹ yêu thể thao. Và bắn súng là một môn thể thao ưa thích của người dân xứ Hoa Kỳ. Niềm đam mê súng thể thao và súng săn là trên diện rộng, mang tính quần chúng cao.

3. Cơ chế pháp lý

Tu chính án thứ 2 của Hiến pháp Hoa Kỳ, được thông qua vào ngày 15/12/1791, với nội dung bảo vệ quyền của người dân được mang vũ khí.

Nguyên văn tiếng Anh của Tu chính án thứ 2 này như sau: “A well regulated militia being necessary to the security of a free state, the right of the people to keep and bear arms shall not be infringed”. Câu đó tạm dịch sang tiếng Việt như sau: “Do một lực lượng dân quân quy củ là cần thiết cho an ninh của một nhà nước tự do nên quyền của người dân được giữ và mang vũ khí sẽ không được phép xâm phạm.”

Khi soạn ra và thông qua Tu chính án này, các nhà lập quốc Mỹ mong muốn dùng nó làm công cụ pháp lý để phòng thủ quốc gia (trước các thế lực nước ngoài) và bảo vệ dân chủ (trước tình trạng độc tài của một cá nhân, một quân đội hay chính quyền liên bang/trung ương).

4. Lợi ích các tập đoàn vũ khí của Mỹ

Yếu tố này ít được Mỹ đề cập đến nhưng có thực. Lợi nhuận của các công ty đó đến từ không chỉ các vũ khí hạng nặng và chiến lược mà cả vũ khí thông thường, được “dân sự hóa”, với số lượng khách hàng đông đảo (ở mức độ toàn dân).

5. Phim ảnh và áp lực xã hội

Phim ảnh Mỹ nổi tiếng thế giới, có nhiều dòng rất đa dạng. Nhưng không thể phủ nhận yếu tố bạo lực với những cảnh đấu súng máu me tàn khốc là khá phổ biến trong thế giới điện ảnh Mỹ. Các nhà làm phim Mỹ chạy theo lợi nhuận mà không biết hoặc không muốn biết yếu tố bạo lực đó đã hằn in lên não trẻ em, khiến các em khi lớn lên một chút có thể hình thành khuynh hướng dùng súng đạn để giải quyết các vấn đề của mình.

Ngoài ra, mặc dù nước Mỹ là giàu nhất thế giới hiện nay, xã hội Mỹ vẫn còn những điều bất công và áp lực khiến nhiều thanh niên rơi vào bế tắc. Và với việc súng ống quá dễ tiếp cận, nhiều bạn trẻ đã chọn súng để giải tỏa áp lực của mình.

Vẫn có thể nói không với súng đạn

Nên nhớ Tu chính án thứ 2 của Hiến pháp Mỹ được thông qua vào năm 1791, tức là cách năm 2018 này tới 227 năm. Qua hơn 2 thế kỷ, tình hình nước Mỹ và thế giới đã có nhiều thay đổi.

Về mặt phòng thủ quốc gia, Mỹ hiện nay đã có các đội quân chính quy chuyên nghiệp và các vũ khí siêu khủng (hàng nhất nhì thế giới). Họ cũng có lực lượng bán quân sự chuyên nghiệp.

Đã vậy, Mỹ lại được bảo vệ bởi 2 đại dương (nên họ không phải hứng chịu nhiều hậu quả từ 2 cuộc Thế chiến tàn khốc trong lịch sử hiện đại).

Các mối đe dọa về quân sự đối với nước Mỹ là từ các vũ khí hạng nặng và chiến lược của nước ngoài chứ không phải là dăm ba khẩu súng trường hay súng ngắn.

Hơn nữa, ngay cả lực lượng dân quân thì cũng phải có sự giám sát của cả nhà nước và quần chúng, nếu không các tổ chức đó tiềm ẩn trở thành các tổ chức gây bất ổn.

Thực tế nền chính trị Mỹ ổn định hơn các nước Nam Mỹ (cùng châu lục), thậm chí hơn cả nhiều nước châu Âu (bên kia Đại Tây Dương), và hơn hẳn tình hình chính trị bất ổn ở nhiều nước châu Phi và châu Á (nhất là Tây Á và Nam Á). Ở Mỹ không xảy ra phong trào chính trị cực đoan quy mô lớn (như ở Đức thập niên 1930) và chưa hề có các cuộc đảo chính quân sự liên miên và đẫm máu.

Có nhiều nguyên nhân cho sự ổn định đó (lý giải điều này cần cả một chuyên luận). Một trong số đó có thể là việc Mỹ có cơ chế kiểm soát tốt quân đội, đặt quân đội dưới sự giám sát dân sự (với quy định Bộ trưởng, Thứ trưởng của Bộ Quốc phòng đều phải là dân sự...).

Các thực tiễn này cho thấy về mặt pháp lý, Mỹ có khả năng tránh việc bán súng tràn lan cho dân mà vẫn bảo đảm được quốc phòng và nền dân chủ. Mỹ có thể cần xây dựng thêm cơ chế pháp lý nữa để bảo đảm dân chủ khi điều chỉnh Tu chính án thứ 2, như các cơ chế bảo đảm Quốc hội của họ phải thực sự gần dân, đại diện cho tiếng nói của quảng đại quần chúng, và các thành viên trong chính phủ của họ cũng phải thực sự đại diện cho đông đảo người dân, chứ không phải là các tập đoàn tư bản.

Vương quốc Anh từng cho phép người dân sở hữu súng trên diện rộng. Nhưng khi xảy ra các vụ xả súng gây chết người, chính phủ Anh đã cấm việc này, và từ đó cho đến nay tình hình ở Anh vẫn ổn. Nước Anh - đồng minh thân cận của Mỹ, và nhiều nước phương Tây khác còn làm được như vậy thì tại sao Mỹ lại không?

Vừa rồi các em học sinh Mỹ đã vô cùng phẫn nộ sau vụ xả súng 14/2. Các em đã rầm rộ xuống đường biểu tình, với sự tham gia của cả các giáo viên và các bậc phụ huynh, đòi hỏi phải siết chặt kiểm soát súng. Đây là điều hiếm thấy so với các phản ứng trước đây. Và đó cũng là tín hiệu đáng mừng cho nước Mỹ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nhìn lại vụ xả súng khủng khiếp nhất nước Mỹ trong lịch sử hiện đại
Nhìn lại vụ xả súng khủng khiếp nhất nước Mỹ trong lịch sử hiện đại

VOV.VN - Đêm 1/10, sát thủ Paddock bắn hàng trăm viên đạn từ tầng cao xuống vị trí của 22.000 người đang đứng, làm hơn 50 người chết, 200 người bị thương.

Nhìn lại vụ xả súng khủng khiếp nhất nước Mỹ trong lịch sử hiện đại

Nhìn lại vụ xả súng khủng khiếp nhất nước Mỹ trong lịch sử hiện đại

VOV.VN - Đêm 1/10, sát thủ Paddock bắn hàng trăm viên đạn từ tầng cao xuống vị trí của 22.000 người đang đứng, làm hơn 50 người chết, 200 người bị thương.

Tổng thống Trump chỉ trích phe Cộng hòa trong việc kiểm soát súng đạn
Tổng thống Trump chỉ trích phe Cộng hòa trong việc kiểm soát súng đạn

VOV.VN - Tổng thống Trump chỉ trích chính các nghị sĩ Cộng hòa đang “sợ” Hiệp hội súng đạn quốc gia mà không dám có hành động.

Tổng thống Trump chỉ trích phe Cộng hòa trong việc kiểm soát súng đạn

Tổng thống Trump chỉ trích phe Cộng hòa trong việc kiểm soát súng đạn

VOV.VN - Tổng thống Trump chỉ trích chính các nghị sĩ Cộng hòa đang “sợ” Hiệp hội súng đạn quốc gia mà không dám có hành động.

Người dân Mỹ phẫn nộ biểu tình sau vụ xả súng trường học ở Florida
Người dân Mỹ phẫn nộ biểu tình sau vụ xả súng trường học ở Florida

VOV.VN - Bất mãn về việc liên tục xảy ra xả súng khiến nhiều người vô tội chết, người dân Mỹ đã xuống đường biểu tình đòi kiểm soát súng chặt chẽ hơn nữa.

Người dân Mỹ phẫn nộ biểu tình sau vụ xả súng trường học ở Florida

Người dân Mỹ phẫn nộ biểu tình sau vụ xả súng trường học ở Florida

VOV.VN - Bất mãn về việc liên tục xảy ra xả súng khiến nhiều người vô tội chết, người dân Mỹ đã xuống đường biểu tình đòi kiểm soát súng chặt chẽ hơn nữa.

Bước đột phá trong nỗ lực kiểm soát súng đạn của Chính phủ Mỹ
Bước đột phá trong nỗ lực kiểm soát súng đạn của Chính phủ Mỹ

VOV.VN - Tổng thống Mỹ Donald Trump hy vọng, những quy định nghiêm ngặt về kiểm soát súng đạt sẽ nhanh chóng được thông qua.

Bước đột phá trong nỗ lực kiểm soát súng đạn của Chính phủ Mỹ

Bước đột phá trong nỗ lực kiểm soát súng đạn của Chính phủ Mỹ

VOV.VN - Tổng thống Mỹ Donald Trump hy vọng, những quy định nghiêm ngặt về kiểm soát súng đạt sẽ nhanh chóng được thông qua.

Kiểm soát súng đạn tại Mỹ: “Trống đánh xuôi – kèn thổi ngược”
Kiểm soát súng đạn tại Mỹ: “Trống đánh xuôi – kèn thổi ngược”

VOV.VN - Quyết tâm kiểm soát súng đạn tại Mỹ đang lên cao. Nhưng vẫn tồn tại rất nhiều trở ngại.

Kiểm soát súng đạn tại Mỹ: “Trống đánh xuôi – kèn thổi ngược”

Kiểm soát súng đạn tại Mỹ: “Trống đánh xuôi – kèn thổi ngược”

VOV.VN - Quyết tâm kiểm soát súng đạn tại Mỹ đang lên cao. Nhưng vẫn tồn tại rất nhiều trở ngại.