Nước này hiện rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi một mặt cố gắng giành được sự tin tưởng của Kiev, mặt khác muốn đảm bảo rằng bất cứ thỏa thuận tương lai nào cũng sẽ không gây tổn hại đến Nga - một trong những đối tác thân thiết nhất.

Đặc phái viên Trung Quốc về vấn đề Á-Âu đã kết thúc chuyến công du kéo dài gần 2 tuần qua tại châu Âu với chặng dừng chân cuối cùng tại Moscow, kết thúc sứ mệnh được coi là phép thử quan trọng đối với nỗ lực của Bắc Kinh trong việc làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Đặc phái viên Trung Quốc về vấn đề Á-Âu Lý Huy (Ảnh Reuters)

Nỗ lực của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy các cuộc trao đổi, tiếp xúc hướng tới chấm dứt xung đột đã được châu Âu ủng hộ một phần. Trong khuôn khổ chuyến công du bắt đầu từ ngày 16/5, Đặc phái viên Trung Quốc về vấn đề Á-Âu Lý Huy đã gặp gỡ các quan chức tại Ukraine, Ba Lan, Pháp, Đức và tới trụ sở Liên minh châu Âu tại Brussels. Ông Lý Huy đã nhận được sự đón tiếp nhiệt tình trong chặng dừng chân cuối cùng ở thủ đô Moscow của Nga – nơi trước đây ông từng đảm nhiệm vai trò Đại sứ Trung Quốc tại Nga trong một thập kỷ.

Nhưng chuyến thăm của ông Lý Huy đã cho thấy sự chia rẽ giữa Trung Quốc và châu Âu về cách thức thúc đẩy tiến trình hòa bình.

Tuyên bố từ Bắc Kinh cho biết, ông Lý Huy đã kêu gọi xây dựng “sự đồng thuận” đối với các cuộc đàm phán hòa bình và củng cố kiến trúc an ninh của châu Âu. Theo quan điểm của Trung Quốc, châu Âu cần phải tăng cường đối thoại với Nga và ủng hộ một thỏa thuận mà các bên liên quan có thể chấp nhận được.

Châu Âu cần phải tăng cường đối thoại với Nga và ủng hộ một thỏa thuận mà các bên liên quan có thể chấp nhận được (Ảnh AP/Reuters)

Song các quan chức châu Âu lại đưa ra quan điểm khác biệt, cho rằng thỏa thuận hòa bình chỉ đạt được khi Nga rút hết quân ra khỏi Ukraine và Kiev đảm bảo được sự toàn vẹn lãnh thổ. Ông Steve Tsang - giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc (SOAS) ở Anh nhận định: “Vấn đề cơ bản là Trung Quốc không muốn một thỏa thuận yêu cầu Nga phải từ bỏ các vùng lãnh thổ mà nước này đã giành được trong cuộc xung đột. Điều khoản này không nằm trên bàn của Trung Quốc. Nhưng Ukraine lại không thể chấp nhận bất cứ điều gì không liên quan đến việc khôi phục lãnh thổ của họ và châu Âu dường như cũng ủng hộ lập trường đó”.

Dù Bắc Kinh nhiều lần khẳng định giữ quan điểm trung lập đối với cuộc chiến tại Ukraine, nhưng quan hệ thân thiết giữa nước này với Nga cũng như căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung thời gian qua đã khiến nhiều quan chức phương Tây hoài nghi ý định của Bắc Kinh phía sau nỗ lực làm trung gian hòa giải.  

Bắc Kinh khẳng định giữ quan điểm trung lập nhưng nhiều quan chức phương Tây hoài nghi ý định của Bắc Kinh phía sau nỗ lực làm trung gian hòa giải

Trung Quốc là nước lớn không lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine cũng như không áp đặt lệnh trừng phạt với Moscow bất chấp sức ép từ phương Tây kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2/2022. Quan điểm này của Bắc Kinh đã khiến châu Âu không hài lòng.

Hồi tháng 2/2023, Bắc Kinh đã đề xuất giải pháp chính trị gồm 12 điểm đối với cuộc xung đột Nga-Ukraine. Trong bản đề xuất, Trung Quốc nhấn mạnh các bên cần tuân thủ nghiêm luật pháp quốc tế, trong đó có các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, đồng thời cần thúc đẩy việc áp dụng bình đẳng và thống nhất luật pháp quốc tế, bác bỏ các tiêu chuẩn kép. Bắc Kinh kêu gọi các bên ngừng bắn gay lập tức, tránh gây leo thang căng thẳng và ngăn cuộc khủng hoảng vượt ngoài tầm kiểm soát. Đề xuất khẳng định "chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ" của tất cả các quốc gia phải được duy trì.

Quan điểm về vấn đề khủng hoảng Ukraine của Bắc Kinh đã khiến châu Âu không hài lòng (Ảnh AP/Sputnik)

Nhưng các nhà phê bình phương Tây cho rằng, giải pháp của Trung Quốc không kêu gọi Nga rút quân để chấm dứt chiến sự, thay vì đó ủng hộ một lệnh ngừng bắn – điều mà họ cho là sẽ tạo điều kiện cho Moscow củng cố quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ đã giành được.

Những lời chỉ trích về lập trường của Trung Quốc về cách thức chấm dứt xung đột và quan hệ thân thiết của nước này với Nga đã được ngầm hiểu trong bản tóm tắt về cuộc gặp giữa ông Lý Huy với các quan chức châu Âu mà phía châu Âu công bố.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ba Lan Wojciech Gerwel cho rằng: “Bất cứ nỗ lực nào nhằm cân bằng vị thế của Nga và Ukraine đều không thể chấp nhận được”. Còn ông Frédéric Mondoloni - người phụ trách các vấn đề Chính trị và An ninh của Bộ Ngoại giao Pháp nêu rõ, Paris chỉ tin tưởng “vào vai trò đảm bảo hòa bình công bằng và lâu dài” của Trung Quốc khi Ukraine đảm bảo được chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”, còn Moscow “phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về cuộc chiến”.

Trong khi đó, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao trung Quốc khẳng định: “Nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine đã “nhận được sự hiểu biết và sự ủng hộ rộng rãi trong cộng đồng quốc tế”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen gặp nhau trong một buổi làm việc tại Bắc Kinh, ngày 6 tháng 4 năm 2023 (Ảnh AP)

Bước tiến mới nhất của Trung Quốc trong lĩnh vực ngoại giao diễn ra sau khi nước này đạt được thành công khi thúc đẩy thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia, theo đó, hai bên đồng ý nối lại quan hệ ngoại giao và mở cửa lại đại sứ quán.Thỏa thuận mang tính bước ngoặt này được cho là có khả năng làm thay đổi tình hình ở Trung Đông.

Thành công khi thúc đẩy thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia là động lực để Trung Quốc làm trung gian giữa Nga và Ukraine (Ảnh Global Time)

Giới phân tích cho rằng, khả năng Trung Quốc lặp lại thành công này trong cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ khó khăn hơn. Bắc Kinh sẽ phải vượt qua rất nhiều rào cản để có thể thuyết phục Moscow và Kiev đạt được thỏa thuận vì giữa các bên có quá nhiều mâu thuẫn và khác biệt về tính toán, lợi ích.

Ukraine cho biết, bất kỳ giải pháp nào cho cuộc xung đột cũng phải tập trung vào việc yêu cầu Nga rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine, trong đó có cả 4 vùng lãnh thổ mà Moscow tuyên bố sáp nhập vào năm 2022 và bán đảo Crimea. Trái lại Nga yêu cầu Kiev công nhận chủ quyền đối với 4 khu vực trên, chấp nhận độc lập của các nước Cộng hòa Lugansk và Donetsk tự xưng. Moscow cũng muốn phi quân sự hóa Ukraine và đảm bảo Kiev sẽ không bao giờ gia nhập NATO. Tóm lại, cả hai bên đều không muốn nhượng bộ, đặc biệt là về mặt lãnh thổ.

Việc làm trung gian hòa giải trong cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ khó khăn hơn nhiều (Ảnh AP/Reuters)

Giáo sư Cheng Chen của Đại học Albany cho rằng: “Thành công gần đây của Trung Quốc trong việc làm trung gian hòa giải giữa Iran và Saudi Arabia cho thấy, họ có khả năng hóa giải mâu thuẫn giữa những nước có lịch sử thù địch lâu dài. Tuy nhiên, việc làm trung gian hòa giải trong cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ khó khăn hơn nhiều”.

Ông Cheng Chen nhận định: “Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Zelensky, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề cập tầm quan trọng của việc đảm bảo chủ quyền của các nước, vì thế khó có khả năng Trung Quốc sẽ đứng về phía Nga và yêu cầu Ukraine nhượng các vùng lãnh thổ đã mất. Nhưng Bắc Kinh sẽ cố gắng đảm bảo bất cứ thỏa thuận tương lai nào do họ làm trung gian không gây tổn hại cho Nga”.

Mặc dù Trung Quốc có thể đóng vai trò hạn chế khi hối thúc các bên thay đổi quan điểm, nhưng giới quan sát cho rằng, có những lĩnh vực mà châu Âu vẫn muốn hợp tác và trao đổi thông tin với nước này, chẳng hạn như an ninh lương thực, cứu trợ nhân đạo và chống lại các mối đe dọa hạt nhân.

Hy vọng Bắc Kinh sẽ sử dụng quan hệ với Điển Kremlin để thúc đẩy Tổng thống Putin hướng tới một thỏa thuận hòa bình (Ảnh Reuters)

Ngoài ra, vẫn có hy vọng Bắc Kinh sẽ sử dụng quan hệ với Điển Kremlin để thúc đẩy Tổng thống Putin hướng tới một thỏa thuận hòa bình. “Chuyến thăm của ông Lý Huy sẽ rất hữu ích với châu Âu vì họ có thể tận dụng cơ hội này để gửi thông điệp tới các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh, thậm chí là Moscow. Câu hỏi quan trọng là thông điệp nào mà châu Âu – Kiev, Warsaw, Berlin, Paris và Brussels – muốn gửi đến hai quốc gia này”./.

Đặc phái viên Trung Quốc đến Nga, tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột Ukraine
Thứ Tư, 06:20, 31/05/2023