Mẹo của EU để ép Nga thanh toán tiền vũ khí viện trợ cho Ukraine
VOV.VN - Sử dụng tiền lãi từ các tài sản Nga đóng băng bị giữ lại tại châu Âu, khối EU lên kế hoạch thu hàng tỷ USD để quyên góp vũ khí cho Ukraine trong cuộc đối đầu quân sự với Nga. Các phương cách khác mà EU tính tới thì đều khá mịt mùng.
Kế hoạch của EU chiếm tài sản Nga để giúp Ukraine
Dưới áp lực khủng khiếp phải tạo ra hàng tỷ USD hỗ trợ cho quân đội Ukraine và bổ sung lại kho vũ khí đạn dược đang thu hẹp dần của chính các nước thành viên, Liên minh châu Âu (EU) mới đây nói rằng họ đã vạch ra con đường pháp lý để sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga nhằm giúp vũ trang cho Ukraine. Trong lúc đó, EU cũng xem xét các cơ chế khác để củng cố ngành công nghiệp phòng thủ của mình.
Diễn biến mới này là một bước ngoặt quan trọng trong bối cảnh ngân sách Mỹ dành cho Ukraine bị kẹt tại Quốc hội Mỹ, còn quốc phòng Ukraine đang thiếu thốn nghiêm trọng đạn dược, đặc biệt là đạn pháo và tên lửa, khiến họ phải sử dụng rất dè sẻn.
EU đang tìm kiếm một số phương thức khác nhau để có được tiền mặt cho hoạt động mua sắm quốc phòng giúp đỡ Ukraine nhưng luôn gặp phải trở ngại.
Hiện nay, sau nhiều tháng tranh cãi chính trị, Ủy ban châu Âu (EC, nhánh hành pháp của EU) đã tìm ra một con đường để sử dụng lợi nhuận từ các tài sản Nga đóng băng đó theo hướng có lợi cho Ukraine, phần lớn là để giúp đỡ Ukraine về mặt quân sự.
Dự kiến kế hoạch này có khả năng cung cấp cho Ukraine tới 3 tỷ euro (tương đương 3,25 tỷ USD) một năm, hay lên tới 15 tỷ euro (16,3 tỷ USD) cho giai đoạn từ năm 2023 - 2027, tùy thuộc vào tình hình thị trường. Hôm 20/3/2024, Ủy ban châu Âu thông báo rằng gói thanh toán đầu tiên cho Kiev có thể được thực hiện vào sớm nhất là tháng 7 tới.
Sau khi Nga phát động chiến dịch tấn công Ukraine cách đây hơn 2 năm, các nước phương Tây đã có bước đi đặc biệt là đóng băng hơn 330 tỷ USD trong tài sản ngân hàng trung ương Nga được giữ ở nước ngoài. Phần lớn số tiền này (hơn 217 tỷ USD) là nằm tại Liên minh châu Âu. Do các lệnh trừng phạt ngăn chặn việc thanh toán cho Nga, Moscow cho tới nay không thể tiếp cận các tài sản đó, bán chúng và thụ hưởng tiền lãi sản sinh từ các tài sản đó.
Do vậy, tiền mặt tạo ra từ các tài sản này vẫn bị kẹt ở hải ngoại. Phần lớn bị giữ ở Bỉ bởi Euroclear - một công ty dịch vụ tài chính. Theo kế hoạch của EU, 97% lợi nhuận được tạo ra từ các tài sản đó (tính đến ngày 15/2) sẽ được gửi tới Ukraine. Các công ty như Euroclear sẽ giữ lại 3% để cung cấp cho các hoạt động kiện tụng của Nga hiện nay và trong tương lai nhằm cố lấy lại các tài sản và nguồn thu tương ứng của mình.
Ủy ban châu Âu tuyên bố, năm 2024 này, 90% khoản tiền từ tài sản Nga đóng băng sẽ dành để viện trợ vũ khí cho Ukraine, số còn lại để dành cho quỹ của khối phục vụ tái thiết Ukraine.
Josep Borrell - nhà ngoại giao hàng đầu của EU phát biểu trong tuần này: “Người Nga sẽ không vui lắm trước các động thái đó”. Ông Borrell bổ sung: Số tiền này “không đặc biệt, nhưng cũng không thể phớt lờ”.
Lấy tài sản Nga - điều hấp dẫn với EU nhưng không dễ
Mục tiêu “bắt Nga phải trả tiền” cho vũ khí Ukraine và hoạt động tái thiết Ukraine đã trở thành một khẩu hiệu phổ biến trong nội bộ EU. Tuy nhiên, chuyển hóa khẩu hiệu đó thành chính sách thực sự lại gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do các quan ngại về pháp lý quanh việc thanh lý các tài sản Nga bị đóng băng dưới các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Phiên bản trước của kế hoạch này đã bị trì hoãn 2 lần trong năm 2023 do các bất đồng giữa các nước thành viên và do các quan ngại của Ngân hàng Trung ương châu Âu. Ngân hàng này (tương tự Cục Dự trữ Liên bang của Mỹ) cảnh báo rằng sử dụng tài sản từ ngân hàng trung ương của một nước khác có thể gây hại cho danh tiếng của châu Âu với tư cách là một nơi an toàn để gửi tiền, đồng thời có hại cho mong muốn của khối về tăng mức độ quốc tế sử dụng đồng tiền chung của họ - đồng euro.
Như dự đoán của ông Borrell, người Nga tức giận về kế hoạch của EU. Hãng thông tấn Nga TASS dẫn lời Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, nói rằng “đây hoàn toàn là trò ăn cướp”.
Trong khi đó, Phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitri Peskov, kiềm chế hơn. TASS dẫn lời ông Peskov nói: “Người châu Âu hoàn toàn nhận thức rõ những tổn thất mà các quyết định như vậy có thể gây ra cho cả nền kinh tế và hình ảnh, danh tiếng của họ với tư cách là bên bảo đảm tin cậy cho sự bất khả xâm phạm đối với tài sản”.
Các quan chức trong chính quyền Tổng thống Mỹ Biden thường xuyên thăm châu Âu để thảo luận việc sử dụng tài sản Nga để viện trợ cho Ukraine. Vào tháng 2/2024, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói rằng chiếm hoàn toàn các tài sản đó là điều có thể và bà gợi ý rằng có cơ sở pháp lý biện minh cho hành động đó.
Tuy nhiên, quan chức một số nước, như Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho rằng chiếm trực tiếp tài sản ngân hàng trung ương Nga sẽ là hành động vi phạm luật pháp quốc tế.
EU còn cách nào khác để quyên tiền cho quân đội Ukraine?
Doanh thu từ các tài sản Nga bị đóng băng mới chỉ là phần khởi đầu. Liên minh châu Âu sẽ cần thêm hàng tỷ USD nữa để tiếp tục hỗ trợ Ukraine và củng cố năng lực quốc phòng của nước này, đặc biệt là trong bối cảnh khá rõ ràng là viện trợ của Mỹ cho Ukraine sẽ đột ngột về 0 nếu ông Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ 2024.
Kho vũ khí đạn dược của 27 nước thành viên EU đã suy giảm mạnh sau khi họ chuyển giao vũ khí khí tài và đạn dược cho Ukraine trong hơn 2 năm qua. Không kém phần quan trọng, ngành công nghiệp phòng thủ châu Âu cho biết, họ cần thêm các khoản đầu tư chắc chắn và có sẵn trước khi đẩy mạnh sản xuất vũ khí khí tài đáp ứng nhu cầu của khối cũng như của Ukraine.
Xây dựng ngành công nghiệp quân sự tích hợp là một mảng miếng mới đối với Liên minh châu Âu vì khối này từ khi hình thành chủ yếu thiên về liên minh kinh tế và thương mại.
Nhưng nhu cầu của các nước châu Âu đầu tư mạnh vào quốc phòng đã trở nên cấp thiết kể từ khi cựu Tổng thống Mỹ Trunp (ứng viên tổng thống hiện nay của đảng Cộng hòa) đưa ra các nhận xét về vấn đề này gần đây. Tháng 2/2024, ông Trump nói rằng ông sẽ chống lại việc NATO phải bảo vệ các quốc gia thành viên EU - những nước trả ít tiền hơn cho nhu cầu phòng thủ chung của khối quân sự này. Ông Trump cũng nói rằng mình sẽ “khuyến khích” Nga “làm bất cứ điều gì họ muốn” ở châu Âu.
Châu Âu tất nhiên rất chú ý đến các phát ngôn đó của ông Trump.
Charles Michel - Chủ tịch Hội đồng châu Âu (cơ quan xác định các ưu tiên về mặt chính sách cho EU) viết thư gửi ban lãnh đạo EU như sau: “Trong nhiều thập kỷ, châu Âu đã không đầu tư đủ cho an ninh và phòng thủ. Bây giờ chúng ta đang đối mặt với thách thức an ninh lớn nhất kể từ Thế chiến II. Thực sự đã đến lúc chúng ta phải thực hiện các bước đi triệt để và cụ thể để đảm bảo năng lực sẵn sàng phòng thủ và đặt nền kinh tế EU trên cơ sở thời chiến”.
Ông Michel nói thêm: “Điêu này có nghĩa là chi thêm tiền, mua chung nhiều hơn và do vậy hiệu quả hơn. Chúng ta cũng phải giúp đỡ ngành công nghiệp phòng thủ tiếp cận các quỹ cả tư lẫn công”.
Tại Hội nghị thượng đỉnh của EU vào ngày 21/3, các lãnh đạo EU thảo luận ý tưởng chuyển đổi trọng tâm từ biến đổi khí hậu và năng lượng xanh sang củng cố năng lực quân sự.
Một số nước EU có ý tưởng cùng phát hành trái phiếu để quyên góp tiền cho phòng thủ chung. Nhưng ý tưởng này không phổ biến trong nhóm các nước EU giàu hơn, nhất là Đức
EU có duy trì quỹ EPF (Cơ sở hòa bình châu Âu) - một gói tiền ngoài ngân sách. Pháp muốn quỹ này chỉ được dùng để thanh toán cho các vũ khí khí tài sản xuất tại châu Âu, nhưng điều này bị xem là một hạn chế lớn do ngành công nghiệp phòng thủ châu Âu đã thừa nhận rằng họ không thể sản xuất vũ khí đủ nhanh để đáp ứng các nhu cầu đang gia tăng mạnh.
Trong khi đó, các nước EU hoạt động bên ngoài các cơ cấu EU thì lại hành động nhanh hơn để giúp đỡ Ukraine - điều này cho thấy những cứng nhắc của khối. Chẳng hạn, Cộng hòa Séc đã dẫn đầu nhóm các nước EU mua 300.000 quả đạn pháo cho Ukraine, từ các nguồn ngoài EU.