Mở cửa sân bay và chợ, Indonesia đang “liều lĩnh” với dịch Covid-19?
VOV.VN - Chính phủ Indonesia đã quyết định mở cửa sân bay, trung tâm thương mại trong khi các nhà thờ vẫn bị đóng cửa.
Đã 2 tháng, kể từ khi Indonesia thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội quy mô lớn để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 nhưng các ca mắc Covid-19 vẫn gia tăng nhanh chóng.
Sân bay và chợ mở cửa, nhà thờ đóng cửa
Chính phủ Indonesia mới đây đã ra quyết định mở cửa sân bay, trung tâm thương mại và cho phép người dưới 45 tuổi đến cơ sở làm việc trong khi các nhà thờ vẫn bị đóng cửa. Điều này đã đặt ra dấu hỏi lớn về tính thống nhất và sự hiệu quả trong các biện pháp mà chính phủ Indonesia đưa ra để ứng phó với đại dịch toàn cầu.
Ngày 7/5, Bộ Giao thông Vận tải Indonesia quyết định nới lỏng lệnh cấm giao thông vận tải công cộng, theo đó, cho phép các phương tiện giao thông đường hàng không, tàu hỏa, tàu biển và xe buýt trở lại hoạt động với điều kiện phải thực hiện theo đúng giao thức y tế và nguyên tắc của giãn cách xã hội. Quyết định này được cho là “không đồng nhất” với lệnh về quê đón lễ lớn mà chính phủ đưa ra.
Mặc dù đã ra quy định số lượng hành khách trên máy bay nhiều nhất là 50% tổng sức chứa máy bay để duy trì khoảng cách vật lý và hành khách phải có giấy chứng nhận không mắc Covid-19, tuy nhiên, kể từ khi các chuyến bay thương mại mở cửa trở lại, có khoảng 100 đến 130 chuyến bay mỗi ngày tại Sân bay Soekarno Hatta, thủ đô Jakarta.
Bên cạnh sân bay, những ngày gần đây, các chợ truyền thống bắt đầu được mở cửa để phục vụ nhu cầu mua bán của người dân trước ngày lễ Eid Al-Fitr của người Hồi giáo. Theo ông Mahfud MD, Bộ trưởng Điều phối Chính trị và An ninh Indonesia, sân bay và chợ nằm trong danh mục 11 lĩnh vực được phép hoạt động theo quy định số 9 năm 2020 của Bộ Y tế về Giãn cách xã hội. 11 lĩnh vực bao gồm: y tế, thực phẩm, năng lượng, truyền thông và công nghệ thông tin, tài chính, hậu cần, khách sạn, xây dựng, công nghiệp, các dịch vụ cơ bản và nhu cầu hàng ngày. Những người dưới 45 tuổi được phép đến cơ sở làm việc trở lại.Số lượng hành khách trong một ngày dao động từ 4.000 đến 4.500 người. Trong số đó, đã có hơn 130 ca mắc Covid-19 được phát hiện tại sân bay này.
Trong khi đó, trước ngày lễ lớn của người Hồi giáo, các nhà thờ vẫn bị đóng cửa. Bộ trưởng Tôn giáo Indonesia kêu gọi người dân thực hiện các nghi lễ tôn giáo tại nhà và thăm hỏi người thân, bạn bè qua mạng xã hội, không về quê đón lễ theo lệnh của Tổng thống để ngăn chặn chuỗi lây lan của đại dịch.
Indonesia đang “liều lĩnh” với dịch Covid-19?
Trước những quy định mới của chính phủ Indonesia, giới chức và người dân nước này đã bày tỏ sự hoài nghi về tính thống nhất trong các biện pháp mà chính phủ đưa ra để ngăn chặn dịch Covid-19.
Mới đây, Hội đồng Hồi giáo Indonesia đã phản đối sự “phân biệt đối xử” của chính phủ khi cấm người dân đến các nhà thờ cầu nguyện, thay vào đó, cho phép mọi người tụ tập tại các trung tâm mua sắm, sân bay và các văn phòng trong đại dịch.
Theo ông Anwar Abbas nhiều tín đồ thực sự không “đành lòng” nhìn thấy nhà thờ Hồi giáo bị bỏ hoang. Trái tim của họ “đau đớn” hơn khi phát hiện chính phủ đang mở các trung tâm giao thông và mua sắm công cộng. Sự hy sinh của họ dường như vô nghĩa.Tổng thư ký Hội đồng Hồi giáo Indonesia, ông Anwar Abbas cho rằng, các quy định này đã phá vỡ những nỗ lực của chính phủ và cộng đồng trong việc ngăn chặn chuỗi lây lan của dịch Covid-19.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban VIII, Hạ viện Indonesia, ông Yandri Susanto yêu cầu Tổng thống Joko Widodo đưa ra các chính sách nhất quán ở các địa điểm công cộng như chợ, sân bay hay nơi cầu nguyện. Theo ông, nếu như chợ và sân bay, nơi dễ bị lây nhiễm có thể mở cửa thì nhà thờ nơi linh thiêng và sạch hơn rất nhiều cũng có thể mở cửa, miễn là người dân thực hiện đúng các giao thức y tế.
Các nhân viên y tế, những người trong tuyến đầu chống dịch tại Indonesia cũng đã lên tiếng bày tỏ sự thất vọng khi sự hi sinh của họ chỉ đổi lấy sự “liều lĩnh” của người dân khi tụ tập đông người và những chính sách không hiệu quả của chính phủ trong ngăn chặn dịch Covid-19.
Một chiến dịch trên mạng xã hội với hashtag “#Indonesia thế nào cũng được” (#Indonesia terserah) tập hợp tất cả các khiếu nại, sự thất vọng và thậm chí là bày tỏ sự thờ ơ của người dân đối với các biện pháp “thay đổi liên tục” và “chồng chéo”, thậm chí thiếu “tính nhất quán” của chính phủ.
Trên hashtag này, người dân Indonesia còn bày tỏ sự hoang mang khi Tổng thống nước này kêu gọi người dân “chung sống hòa bình” với dịch Covid-19 thay vì đấu tranh tích cực để loại bỏ kẻ thù vô hình này.
Ngày 21/5, Indonesia ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng kỉ lục, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên thành 20.162 ca, trong đó có 1.278 người tử vong và 4.575 người bình phục. Trong đó có 38 bác sĩ và 17 nhân viên y tế đã tử vong do đại dịch này./.