Mổ xẻ lý do đằng sau các cuộc biểu tình bạo động chết người ở Iran
VOV.VN - Tuần qua thế giới đặc biệt chú ý tình hình leo thang căng thẳng bên trong Iran, với nhiều cuộc biểu tình nảy lửa khiến hàng chục người chết.
Các cuộc biểu tình vừa diễn ra ở Cộng hòa Hồi giáo Iran là lớn nhất tại đây kể từ năm 2009 – thời điểm hàng triệu người xuống đường đòi tổ chức lại cuộc bầu cử tổng thống.
Biểu tình chống chính phủ ở Iran thời gian qua. Ảnh: EPA.
Các cuộc biểu tình khởi phát ở Mashhad, thành phố lớn thứ 2 của Iran, vào hôm 28/12, khi hàng trăm người phản đối tình trạng giá cả cao đối với các nhu yếu phẩm. Kể từ đó, biểu tình đã lan rộng ra khoảng 50 thành phố, bao gồm cả thủ đô Tehran, với sự tham gia của hàng chục ngàn người.
Tại một số địa điểm, biểu tình biến thành bạo động. Theo truyền thông nhà nước Iran, hàng chục người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với cảnh sát, hàng trăm người khác bị bắt giữ.
Yêu sách của phe biểu tình
Lực lượng biểu tình chỉ trích các yếu kém của chính phủ Tổng thống Hassan Rouhani trong việc vực dậy nền kinh tế của Iran, giải quyết tình trạng thất nghiệp và lạm phát cao, cũng như trong việc chống tham nhũng.
Người biểu tình cũng chất vấn về việc giới chức Iran chi nhiều tiền cho các cuộc xung đột ở Trung Đông giữa lúc người dân trong nước đang sống vất vả.
Nhưng những người biểu tình không dừng lại ở đó. Họ nhanh chóng chuyển sang vấn đề chính trị, chỉ trích trực diện các lãnh đạo chủ chốt của Cộng hòa Hồi giáo Iran, vào hôm 31/12 vừa qua. Một số người thậm chí đưa ra yêu sách khôi phục chế độ quân chủ đã bị lật đổ trong cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979.
Một cuộc điều tra do Ban tiếng Ba Tư của đài BBC thực hiện cho thấy, trong thập kỷ qua, người Iran đã nghèo đi 15%, và mức độ tiêu thụ bánh mì, sữa và thịt đỏ trong dân chúng nước này đã giảm đi từ 30-40%.
Iran tố “kẻ thù bên ngoài” đạo diễn các vụ biểu tình
Theo đương kim Bộ trưởng Nội vụ Iran Abdolreza Rahmani-Fazli, tỷ lệ thất nghiệp chính thức của Iran là 12,4% nhưng tại một số nơi của đất nước này, mức thất nghiệp lên tới hơn 60%. Thất nghiệp đặc biệt nghiêm trọng trong tầng lớp thanh niên (hơn một nửa dân số Iran dưới 30 tuổi).
Tổng thống Rouhani, tái đắc cử vào tháng 5/2017, hứa hẹn rằng thỏa thuận hạt nhân mà nước này đạt được sẽ làm hồi sinh nền kinh tế Iran. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua vẫn là chậm đối với nhiều người Iran – những người đã phải hứng chịu tình trạng thắt lưng buộc bụng do các lệnh trừng phạt của quốc tế trước đó. Nhiều người trong số họ nói rằng họ không còn chịu đựng được nữa tình trạng cắt giảm phúc lợi xã hội và giá cả tăng cao.
Khác biệt với năm 2009
Các cuộc biểu tình lần này (vào cuối năm 2017) thể hiện sự bất mãn của công chúng ở mức độ rộng khắp và nghiêm trọng nhất tại Iran kể từ thời điểm Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad tái đắc cử vào năm 2009.
Mức độ đa dạng trong khẩu hiệu của những người biểu tình cho thấy có thể có nhiều nhóm tham gia biểu tình và phong trào này chưa có các thủ lĩnh cấp quốc gia. Lực lượng biểu tình gồm nhiều người nghèo, người thất nghiệp là trụ cột trong gia đình. Các cuộc biểu tình diễn ra ở nhiều nơi nghèo của đất nước. Giới phân tích nhận định các cuộc biểu tình này thiên về tính chất bột phát từ dưới cơ sở lên.
Trong khi đó hồi năm 2009, các cuộc biểu tình hậu bầu cử được dẫn dắt bởi các thủ lĩnh nổi tiếng, với các yêu sách rõ ràng. Các cuộc biểu tình nhận được hậu thuẫn từ các cư dân đô thị, thuộc tầng lớp trung lưu ở thủ đô và một vài thành phố khác.
Phản ứng của giới chức Iran
Lực lượng an ninh ban đầu thể hiện sự kiềm chế. Họ chỉ sử dụng vòi rồng để giải tán đám đông ở Mashhad vào ngày 28/12 và bắt giữ một số lượng nhỏ người biểu tình. Nhưng khi biểu tình lan rộng, việc trấn áp được đẩy mạnh.
Vào hôm 31/12, Tổng thống Iran Rouhani – một chính trị gia theo đường lối ôn hòa, tuyên bố rằng người Iran được “tuyệt đối tự do trong việc chỉ trích chính phủ và tổ chức biểu tình”.
Các khu vực chính diễn ra biểu tình ở Iran. Đồ họa: BBC. |
Tuy nhiên, ông Rouhani cũng cảnh báo rằng các lực lượng an ninh sẽ “không dung thứ nếu những người biểu tình phá hoại tài sản công, vi phạm trật tự công cộng và gây bất ổn xã hội”.
Ông Rouhanii nói rằng giải quyết các vấn đề của Iran sẽ đòi hỏi thời gian và ông kêu gọi người dân giúp đỡ chính quyền.
Chính giới Iran tố cáo các thế lực nước ngoài là đã đứng đằng sau xúi bẩy người biểu tình. Hôm 2/1, giáo chủ Khamenei nói rằng “kẻ thù của Iran” đang sử dụng tiền bạc, vũ khí và các cơ quan tình báo để gây rối ở Iran.
Giới chức Iran cũng được cho là đã chặn các trang mạng xã hội và ứng dụng tin nhắn Telegram mà hàng triệu người Iran sử dụng, nhằm ngăn ngừa các lời kêu gọi tổ chức biểu tình và chia sẻ video và ảnh trên internet liên quan đến tình hình bất ổn hiện nay.
Phản ứng từ bên ngoài
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ sự ủng hộ đối với các cuộc biểu tình đường phố ở Iran và nhấn mạnh rằng đã đến lúc cần có một sự thay đổi ở đây.
Trong khi đó, Syria bày tỏ tinh thần đoàn kết với Iran, đồng thời lên tiếng chỉ trích Mỹ và Israel đã ủng hộ lực lượng biểu tình Iran.
Một thông cáo của Bộ Ngoại giao Syria thậm chí còn đổ lỗi cho Mỹ và Israel về việc gây bất ổn khu vực. Bộ này cho biết, cần phải tôn trọng chủ quyền của Iran và không ai được can thiệp vào công việc nội bộ của Tehran.
Bộ Ngoại giao Syria tuyên bố: “Syria tin tưởng rằng ban lãnh đạo, chính phủ và người dân Syria sẽ đủ khả năng đánh bại mưu đồ trên”.
Syria là đồng minh mạnh nhất của Iran trong thế giới Arab. Ngược lại Tehan là một trong các nước hậu thuẫn chính cho Tổng thống Syria Assad kể từ khi nội chiến Syria bùng phát vào năm 2011./.