Một hội nghị thượng đỉnh EU không trọn vẹn

Liên minh châu Âu (EU) đã chứng tỏ quyết tâm đối phó với khủng hoảng tài chính tại Hội nghị thượng đỉnh trong 2 ngày 16,17/12 vừa qua, nhưng dường như thị trường vẫn chưa thực sự yên tâm với kết quả hội nghị.

>> EU nhất trí sửa đổi Hiệp ước Lisbon
>> Bãi công ở Hy Lạp khiến giao thông tê liệt

Có lẽ, kết quả nổi bật nhất của hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu tại Brussels vừa qua là thoả thuận đạt được giữa các nhà lãnh đạo châu Âu về việc sửa đổi Hiệp ước Lisbon, cho phép thiết lập từ năm 2013 một cơ chế cứu trợ thường trực để đối phó với khủng hoảng tài chính trong tương lai. Cùng với kết quả cụ thể này là những tuyên bố nhấn mạnh sự đoàn kết, nhất trí cũng như quyết tâm của các nhà lãnh đạo châu Âu bảo vệ đồng euro.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman van Rompuy đã tuyên bố: “Các nhà lãnh đạo châu Âu khẳng định sẽ kết hợp các chiến lược kinh tế và thiện chí chính trị để làm tất cả những gì cần thiết nhằm đảm bảo sự ổn định của khu vực đồng tiền chung châu Âu”. 

Chủ tịch Hội đồng châu Âu ông Herman van Rompuy và Thủ tướng Đức Merkel tại hội nghị (Ảnh: AP)

Tuy nhiên, sự đồng thuận của các nhà lãnh đạo châu Âu tỏ ra chưa đủ để trấn an thị trường. Theo giải thích của một số chuyên gia, sở dĩ như vậy là do Cơ chế hỗ trợ thường trực không góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại mà chỉ là một cơ chế cho tương lai, ít nhất là kể từ giữa năm 2013. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo châu Âu lại không lưu tâm tới những đề xuất liên quan tới cuộc khủng hoảng hiện tại, chẳng hạn như đề nghị của Chủ tịch Ngân hàng châu Âu Jean Claude Trichet và một số quốc gia tăng vốn cho Quỹ ổn định tài chính châu Âu (FESF).

Bên cạnh đó, ý tưởng của Chủ tịch nhóm các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu Jean-Claude Juncker về việc phát hành trái phiếu châu Âu (E-bonds) cũng không được các nước lớn như Đức, Pháp đón nhận tích cực.

Ông Jean-Claude Junker thừa nhận: “Đối với tôi, cuộc tranh luận cũng như kết quả của nó về vấn đề này không làm tôi ngạc nhiên. Ngay từ trước hội nghị, những người ủng hộ những điểm chính trong đề xuất của tôi đã thể hiện ý kiến và những người phản đối kịch liệt cũng đã bày tỏ quan điểm. Nhưng tôi cho rằng đây là một sáng kiến đang hình thành và trong tương lai nó sẽ được mang ra thảo luận”.

Ngay đối với Cơ chế hỗ trợ thường trực dự kiến được thành lập trong tương lai, điều khoản kèm theo nó cũng khiến cho cơ chế này không dễ dàng được sử dụng khi cần thiết. Theo đề nghị của Đức, cơ chế này sẽ chỉ được sử dụng trong những điều kiện cực kỳ khắt khe.

Dường như nhận thấy tác động không đủ lớn - ít ra là trong ngắn hạn - của hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu, ngay trong ngày họp thứ hai của hội nghị, hãng thẩm định rủi ro Moody's đã hạ thấp mức độ uy tín dành cho Ireland (từ Aa2 còn Baa1) và cảnh báo sẽ tiếp tục hạ điểm nếu tình hình Ireland không được cải thiện. Hầu hết thị trường chứng khoán châu Âu cũng mất điểm khi kết thúc phiên giao dịch hôm 17/12./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên