Đông Bắc Á 2010:

Một năm sóng gió

Việc tìm kiếm giải pháp cho những điểm nóng tại Đông Bắc Á không thể kết thúc.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập niên qua sau cuộc đấu pháo giữa hai nước hồi tháng 11. CHDCND Triều Tiên công bố các thành tựu lớn trong chương trình hạt nhân của nước này. Những cuộc diễn tập phô trương sức mạnh quân sự, những tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc và Nhật Bản trên vùng biển Hoa Đông. 2010 là một năm sóng gió đối với khu vực Đông Bắc Á.

Đông Bắc Á, với vị trí địa - chiến lược, địa - kinh tế quan trọng, luôn là nơi tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn. Đây cũng là nơi tập trung những nước có tầm ảnh hưởng ngày càng lớn trong các mối quan hệ khu vực cũng như quốc tế.

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế là sự gia tăng sức mạnh quân sự, đặc biệt là hải quân. Điều này được thể hiện rõ nét trong năm 2010. Liên tiếp trong năm, hàng loạt các cuộc tập trận quy mô lớn của các nước Trung Quốc, Mỹ - Hàn Quốc, Mỹ - Nhật Bản diễn ra sôi động trên các vùng biển thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong đó phải kể đến cuộc tập trận chống tàu ngầm Mỹ - Hàn diễn ra tại Hoàng Hải sau vụ chìm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc, cuộc tập trận của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản và quân đội Mỹ với quy mô lớn nhất từ trước đến nay có sự tham gia của Hàn Quốc với tư cách là quan sát viên.

Rồi cuộc tập trận ban đêm chưa từng có ở vùng biển Hoàng Hải của Trung Quốc. Hoạt động của hàng trăm tàu chiến, trong đó có cả tàu sân bay, hàng trăm máy bay và một lực lượng binh lính khổng lồ khiến người ta lo ngại về nguy cơ một cuộc chiến quy mô lớn đang cận kề.

Vụ việc chìm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc hồi tháng 3 chưa giải quyết xong thì việc đấu pháo giữa 2 miền Triều Tiên hồi tháng 11 đã đẩy căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên lên mức báo động. Ngày 20/12, Hàn Quốc tiến hành tập trận bắn đạn thật trên đảo Yeonpyeong, nơi vừa bị CHDCND Triều Tiên nã pháo vào bất chấp những đe dọa trả đũa của CHDCND Triều Tiên.

Mặc dù chiến tranh khó có thể xảy ra bởi cái giá của chiến tranh là quá rõ, nhưng bầu không khí mất lòng tin đã bao trùm lên toàn khu vực khiến cho những nỗ lực của Nga và Trung Quốc đưa các bên quay trở lại bàn đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên vẫn chưa có kết quả.  

Cùng với những diễn biến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, tranh chấp chủ quyền trên vùng biển Hoa Đông giữa Nhật Bản và Trung Quốc cũng không kém phần nóng bỏng. Vụ va chạm giữa tàu cá của Trung Quốc với tàu tuần tra của Nhật Bản ngày 7/9 tại khu vực quần đảo Senkaku (phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) đã khiến quan hệ Trung - Nhật xuống thấp nhất trong nhiều năm qua.

Mặc dù Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã nhấn mạnh: “Trung Quốc coi Nhật Bản là đối tác, không phải đối thủ, càng không phải là địch thủ” nhưng thực tế quan hệ hai nước xấu đi. Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp trả đũa về kinh tế, ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản. Tiếp sau đó là các cuộc biểu tình quy mô lớn diễn ra tại cả 2 nước để phản đối lẫn nhau…

Lãnh đạo 2 nước sau đó đều đã nỗ lực kiểm soát tình hình và khẳng định không để vụ việc làm đổ vỡ mối quan hệ song phương. Nhưng theo nhìn nhận của giới phân tích, quan hệ chiến lược cùng có lợi mà 2 nước đang nỗ lực xây dựng đã ít nhiều bị ảnh hưởng và sự ngờ vực giữa 2 nước láng giềng này ngày càng gia tăng.

Trong bức tranh màu tối, khu vực Đông Bắc Á cũng có những nét chấm phá sáng màu. Đó là quan hệ ấm dần lên giữa "hai bờ" eo biển Đài Loan. Lần đầu tiên sau 9 năm gián đoạn, 2 bên tổ chức Diễn đàn hai bờ eo biển, đưa quan hệ hai bờ xích lại gần nhau hơn.

Các hoạt động tiếp xúc cấp cao, trao đổi đoàn diễn ra nhộn nhịp, hàng loạt hoạt động hợp tác thực chất trên các lĩnh vực được triển khai, nhất là về kinh tế thương mại, đầu tư, du lịch, giao lưu dân gian. Tháng 6/2010, hai bên đã ký Thỏa thuận khung hợp tác hai bờ. Kim ngạch thương mại hai bờ đạt hơn 90 tỷ USD, tăng gần 60%. Lần đầu tiên hai bờ tiến hành diễn tập cứu hộ chung trên biển.

Một tia sáng nữa cũng loé lên, đó là tín hiệu thiện chí mà CHDCND Triều Tiên đưa ra khi tuyên bố sẽ tiếp nhận trở lại các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế để các chuyên gia có thể giám sát chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là tuyên bố. Còn việc thực thi là cả một chặng đường dài phía trước và còn phải dựa trên tình hình, diễn biến sắp tới.

Chỉ vài ngày nữa là kết thúc năm 2010. Song việc tìm kiếm giải pháp cho những điểm nóng tại Đông Bắc Á không thể kết thúc. Bởi đằng sau các cuộc tập trận trên biển và các động thái tăng cường hải quân dường như rất bình thường của các nước hiện nay, là một cuộc đọ sức tiềm ẩn giữa những cường quốc. Một khi ngoại giao “pháo hạm” còn là sự lựa chọn thì chưa thể lạc quan nghĩ đến một toàn cảnh sáng sủa hơn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên