“Mùa xuân Arab“: Cái gốc của cuộc khủng hoảng người tị nạn
VOV.VN- Ngoại trưởng các nước Liên đoàn Arab ngày 13/9 đã thảo luận về căn nguyên cuộc khủng hoảng người nhập cư châu Âu đang ngày càng trầm trọng.
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh hàng nghìn người Syria vẫn tiếp tục tìm cách rời bỏ quê hương sau 4 năm bị chiến tranh tàn phá để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn tại châu Âu.
Những bất ổn hậu "mùa xuân Arab" đã tạo ra làn sóng người tị nạn từ Syria, Libya đổ vào châu Âu. (Ảnh: Reuters) |
Phát biểu tại cuộc gặp, Tổng thư ký Liên đoàn Arab Nabil al- Araby khẳng định, các quốc gia thành viên sẽ nỗ lực hết sức hỗ trợ người tị nạn Syria: “Hình ảnh về cái chết của cậu bé Aylan là một lời nhắc nhở về mức độ cuộc khủng hoảng nhân đạo mà người tị nạn Syria đang phải đối mặt, buộc chúng ta phải có cái nhìn thực tế hơn về những gì đang diễn ra hiện nay.
Các quốc gia Arab tiếp nhận người tị nạn đã không tiếc công sức để hỗ trợ những người này. Tất cả chúng ta đều biết rằng Jordan và Lebanon đã tiếp nhận hơn 3 triệu người tị nạn Syria, vượt quá khả năng của họ".
Trong khi đó, Ngoại trưởng Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất Anwar Gargash cho biết, hiện có 200.000 người Syria ở nước này và Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất đã chi tới 530 triệu USD cho các hoạt động nhân đạo kể từ khi xảy ra cuộc nội chiến ở Syria.
“Dù các chính sách nhập cư khá nghiêm ngặt, song chúng tôi vẫn không ngần ngại hỗ trợ người Syria. Các tiểu vương quốc Arab thống nhất đã tiếp nhận hơn 100.000 người di cư Syria trong thời gian vừa qua, nâng tổng số người Syria đang sinh sống tại Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất lên 200.000 người. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tiếp tục cấp kinh phí cho các hoạt động nhân đạo ở Syria”, ông Gargash nói.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh có nhiều lời chỉ trích việc các nước vùng Vịnh giàu có không tiếp nhận nhiều người di cư Syria. Và đây cũng có thể xem là một trong những nguyên nhân khiến hàng nghìn người di cư tiếp tục đổ vào châu Âu với hi vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Một điều dễ nhận thấy là người Syria đóng góp một phần lớn trong làn sóng người di cư ồ ạt đổ vào châu Âu trong năm nay: gần 350.000 người đã gửi đơn xin tị nạn kể từ năm 2011. Tuy nhiên, những người tìm cách tới châu Âu chỉ chiếm một phần nhỏ trong số này.
Hơn 4 triệu người Syria tị nạn trong năm nay chưa kể những người phải tị nạn trên chính quê hương của mình. Chỉ riêng Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Jordan, những quốc gia láng giềng của Syria cũng tiếp nhận tới hơn 3 triệu người, tức là nhiều hơn gấp 10 lần so với những người tị nạn tới châu Âu ước tính trong năm nay.
Những con số này sẽ chưa phải là cuối cùng nếu cuộc nội chiến tại Syria không chấm dứt, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng đang ngày càng trở nên không lối thoát với sự xuất hiện thêm của những mối nguy cơ mới, nhất là của tổ chức IS.
Còn tại Libya, tình trạng bất ổn và nội chiến vẫn tiếp diễn sau làn sóng "Mùa xuân Arab" lật đổ chính quyền Tổng thống Gaddafi năm 2011, khiến quốc gia Bắc Phi này bị chia năm xẻ bảy.
Cuộc nội chiến giữa hai liên minh chính trị và quân sự lớn bùng phát từ giữa năm ngoái đã làm trầm trọng hơn những vấn đề nội tại của nước này và tạo cơ hội cho IS gia tăng các hành vi khủng bố.
Cuộc khủng hoảng tại Libya và Syria lâu nay vẫn được xem là 2 nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng nhập cư chưa từng có hiện nay. Song một thực tế không thể phủ nhận là chính sự can dự ngày một sâu của các nước phương Tây và những quốc gia có ảnh hưởng trong thế giới Arab đã làm các cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn và trở nên không lối thoát.
Theo các nhà phân tích, nếu không nhanh chóng tìm được một giải pháp hữu hiệu giải quyết tận gốc cuộc khủng hoảng thì làn sóng người di cư còn tìm tục tăng lên, gây ra những xáo trộn lớn về cấu trúc khu vực và nhiều nước liên quan.
Một hậu quả trước mắt là quy mô cuộc khủng hoảng càng lớn sẽ chỉ càng “góp phần” mở rộng thị trường cho những kẻ đưa người bất hợp pháp./.