Mỹ bắt đầu rút quân nhưng Afghanistan vẫn chưa thể yên bình
VOV.VN - Việc 2 ứng cử viên Tổng thống Afghanistan cùng tuyên thệ nhậm chức xảy ra đúng thời điểm “nhạy cảm” là Mỹ và Taliban vừa đạt được thỏa thuận hòa bình.
Hai lễ nhậm chức Tổng thống của 2 người diễn ra cùng 1 thời điểm, trên cùng 1 lãnh thổ 1 quốc gia – đó là những gì đã xảy ra tại đất nước Afghanistan ngày hôm qua (9/3). Đây có lẽ sẽ là 1 phần khởi đầu cho 1 cuộc khủng hoảng nội bộ tại quốc gia Tây Nam Á này, bất chấp việc Mỹ thông báo đã bắt đầu rút quân ra khỏi “vũng lầy chiến tranh” Afghanistan.
Thủy quân lục chiến Mỹ ở tỉnh Helmand của Afghanistan. Ảnh: AFP. |
Hôm qua (9/3), tại thủ đô Kabul, Tổng thống đương nhiệm Ashraf Ghani đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ hai. Bất chấp 2 quả tên lửa đã rơi gần Dinh Tổng thống, lễ nhậm chức vẫn tiếp tục diễn ra trước sự chứng kiến của người dân Afghanistan và các quan khách nước ngoài - trong đó có Đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề Afghanistan Zalmay Khalilzad và chỉ huy Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) tại nước này, Tướng Scott Miller.
Phát biểu tại buổi lễ nhậm chức, Tổng thống Ghani đã yêu cầu lực lượng đối lập trong Quốc hội cùng tham gia vào việc thành lập chính phủ, cùng tìm kiếm 1 giải pháp đối thoại hòa bình với phiến quân Taliban trong tương lai: “Trách nhiệm của chúng tôi là đảm bảo hòa bình, chấm dứt 40 năm chiến tranh. Hãy chắc chắn rằng một nền hòa bình cao quý sẽ đến với sự can đảm của mọi người và trong khuôn khổ của nền cộng hòa. Tôi yêu cầu từ các đối thủ chính trị của tôi đến đây và cùng nhau, kề vai sát cánh, phục vụ quốc gia này”.
Bất chấp những lời kêu gọi đó, cùng những nỗ lực hòa giải “đến phút cuối cùng” của Đặc phái viên Mỹ, đối thủ chính của ông Ghani trong cuộc bầu cử hồi vừa qua, ông Abdullah Abdullah - quan chức điều hành cấp cao chính quyền Afghanistan, đã không công nhận lễ nhậm chức này của đương kim Tổng thống. Cùng với đó, ông Abdullah cũng đã tiến hành một lễ nhậm chức khác vào cùng thời điểm.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Abdullah cho biết: “Người dân Afghanistan mới là người chiến thắng thực sự trong cuộc bầu cử. Nếu chúng ta không thỏa hiệp vào năm 2014 vì sự ổn định và thống nhất quốc gia, đất nước sẽ gặp khủng hoảng. Nhưng bây giờ tình thế hoàn toàn ngược lại, và nếu chúng ta chấp nhận kết quả bầu cử gian lận, điều đó có nghĩa là chấm dứt nền dân chủ ở Afghanistan.Ưu tiên của chính phủ của chúng tôi là thiết lập sự đồng thuận chính trị và chỉ định một phái đoàn, để đàm phán với Taliban. Để đạt được hòa bình, tôi cam kết hy sinh cả mạng sống nếu cần”.
Được biết, năm 2014, dưới sự dàn xếp của Mỹ, các bên chính trị Afghanistan đã đi tới 1 thỏa thuận chia sẻ quyền lực để thành lập Chính phủ Thống nhất quốc gia. Tuy nhiên, lần này, Mỹ đã thất bại. Hôm qua (9/3), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lên án lễ tuyên thệ nhậm chức của ứng cử viên Tổng thống về thứ 2 Abdullah, đồng thời hối thúc sự các đảng phái trong chính phủ quốc gia này phải “đoàn kết và thống nhất”, giải quyết nhanh chóng những khác biệt, để cùng nhau hướng tới các cuộc đàm phán trực tiếp với lực lượng nổi dậy Taliban trong tương lai.
Việc 2 ứng cử viên Tổng thống Afghanistan cùng tuyên thệ nhậm chức xảy ra đúng thời điểm “nhạy cảm” là Mỹ và Taliban vừa đạt được thỏa thuận hòa bình. Với thỏa thuận này, Mỹ sẽ rút quân và Taliban sẽ đàm phán trực tiếp với chính phủ Afghanistan.
Trong 1 diễn biến mới nhất, hôm qua (9/3), Người phát ngôn các lực lượng Mỹ ở Afghanistan, Đại tá Sonny Leggett thông báo, Mỹ đã bắt đầu rút binh sĩ khỏi Afghanistan theo như thỏa thuận hòa bình đã đạt được với Taliban hôm 29/2. Với thỏa thuận này, Mỹ đã cam kết cắt giảm quân số từ mức hơn 12.000 binh sĩ hiện nay xuống còn 8.600 người trong vòng 135 ngày kể từ khi ký kết thỏa thuận.
Trong khi, theo 5 nguồn tin khác nhau được đưa ra trong ngày hôm qua (9/3), Tổng thống Afghanistan Ghani dự kiến sẽ ban hành 1 sắc lệnh thả 1.000 tù nhân Taliban trong tuần này, nhằm mở đường cho các cuộc đàm phán trong tương lai giữa chính phủ của ông và Taliban.
Tuy nhiên, để Taliban đàm phán với chính phủ Afghanistan theo như thỏa thuận có lẽ sẽ là 1 chặng đường rất dài nữa, bởi câu hỏi đặt ra ở đây là Taliban sẽ đàm phán với chính phủ nào, và kết quả đàm phán giữa 2 bên liệu có được bên thứ 3 chấp thuận?./.