Mỹ cần lấy lòng Pháp để tránh tác hại tiêu cực từ cơn thịnh nộ của Pháp đối với AUKUS
VOV.VN - Liên minh AUKUS củng cố thế trận của Mỹ trong ứng phó với Trung Quốc. Nhưng sự giận dữ của Pháp có thể gây bất lợi không nhỏ cho Mỹ, đòi hỏi Mỹ phải khéo léo ngoại giao để xoa dịu Pháp.
Pháp vừa qua đã rất tức giận khi Australia hủy "hợp đồng thế kỷ" của họ về đóng tàu ngầm diesel để chuyển sang hợp tác quốc phòng với Mỹ và Anh trong khuôn khổ liên minh AUKUS (ra đời chính thức vào ngày 15/9/2021, giờ Mỹ). Giới ngoại giao Pháp dùng ngôn ngữ gay gắt để phản đối động thái "nẫng tay trên" của Mỹ, đồng thời lãnh đạo Pháp đã cho triệu hồi đại sứ nước này tại Mỹ về nước.
Cơn thịnh nộ của Pháp có thể hiểu được. Đó là một tổn thất lớn đối với kinh tế Pháp nói chung và ngành đóng tàu quân sự nói riêng của quốc gia này. Chưa kể, Pháp còn cảm thấy mất mặt vì bị 3 nước Mỹ, Anh, và Australia (nằm trong AUKUS) phớt lờ.
Trong khi đó, đối với Mỹ, AUKUS là một thắng lợi lớn. AUKUS được xem là liên minh đầu tiên ứng phó trực tiếp với Trung Quốc và chính sách đối ngoại hiên nay của quốc gia Đông Bắc Á này. AUKUS đáp ứng đồng thời nhu cầu an ninh của Mỹ, Anh, và Australia trong tình hình mới.
Mặc dù vậy, Mỹ vẫn phải chú ý đến phản ứng của Pháp và có những động thái xoa dịu kịp thời để tránh những diễn biến bất lợi cho họ từ phía Pháp trong bối cảnh hiện nay.
Thứ nhất, Pháp là một cường quốc có đông công dân sống ở khu vực Thái Bình Dương. Cụ thể, Pháp có tới 1,6 triệu cư dân đang sống ở các lãnh thổ hải ngoại như Tân Caledonia, Polynesia thuộc Pháp, và vùng Wallis và Futuna.
Thứ hai, quân đội Pháp tích cực chống lại các phần tử thánh chiến Hồi giáo cực đoan ở Sahel (châu Phi), do đó Mỹ đỡ phải đưa quân bộ vào đây. Ngoài ra hải quân Pháp cũng tham gia tập trận cùng Nhật Bản, Australia, và các đồng minh của Mỹ.
Thứ ba, tâm lý bài Mỹ và hoài nghi khối các nước Anglo-Saxon có thể gia tăng trong bộ ngoại giao Pháp và giới chính trị nước này. Trước đây, Đức Quốc xã cũng từng tìm cách chia rẽ mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Pháp và Mỹ. Với việc AUKUS không bao gồm Hàn Quốc (dù tên viết tắt chứa chữ K), thì liên minh này có thể bị chỉ trích là chỉ toàn gồm các nước Anglo-Saxon, khiến Mỹ khó củng cố quan hệ cả ở châu Âu lẫn Thái Bình Dương. Chưa kể còn có khả năng Trung Quốc sẽ tận dụng sự chia rẽ hiện nay giữa Mỹ và Pháp theo hướng có lợi cho họ.
Trước tình hình đó, Mỹ có vài lựa chọn sau. Một là, Mỹ có thể mời Pháp tham gia Bộ Tứ Quad, ít mang tính chính thức hơn so với AUKUS nhưng vẫn đóng vai trò quan trọng. Hai là, Tổng thống Mỹ có thể cùng Tổng thống Pháp thảo luận về khuôn khổ an ninh của châu Âu.../.