Mỹ chậm trễ viện trợ, Ukraine “cầu cứu” châu Âu khi chiến trường gặp khó
VOV.VN - Bị Mỹ chậm chễ viện trợ, Tổng thống Ukraine Zelensky đang công du châu Âu để kêu gọi viện trợ quân sự khẩn cấp, trong bối cảnh quân đội nước này đang gặp nhiều khó khăn trên chiến trường.
Tại Đức và Pháp, Tổng thống Ukraine bước đầu đã đạt được những cam kết như kỳ vọng. Đến nay, Quốc hội Mỹ vẫn chưa thể thông qua gói viện trợ quân sự bổ sung cho Ukraine do nhiều nghị sỹ cộng hòa ở Hạ viện phản đối.
Hôm 16/2, ứng cử viên Tổng thống tiềm năng của Đảng Cộng hòa – cựu Tổng thống Donald Trump khẳng định, các nước NATO nên thay Mỹ để chi khoản viện trợ cho Ukraine. Ông cho rằng, các khoản tiền dành cho Ukraine của Mỹ trong tương lai nên là những khoản cho vay vốn, chứ không phải là “món quà vô điều kiện”.
Trong bối cảnh ấy, Đức và Pháp hai ngày nay đã trấn an Ukraine bằng những hiệp ước an ninh dài hạn với những cam kết viện trợ quân sự “khủng” khi Tổng thống Ukraine đến thăm. Cả hai hiệp ước an ninh riêng rẽ của Ukraine vừa ký với Đức và Pháp đều kéo dài 10 năm. Trong đó, Pháp sẽ hỗ trợ vũ khí, huấn luyện binh lính và gửi viện trợ quân sự trị giá hơn 3,2 tỷ đôla Mỹ trong năm 2024.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết: “Trong khuôn khổ thỏa thuận này, Pháp cam kết sẽ gửi thêm 3 tỷ euro viện trợ quân sự cho Ukraine vào năm 2024, sau 1,7 tỷ euro viện trợ năm 2022 và 2,1 tỷ euro vào năm 2023. Bằng cách giúp Ukraine, chúng tôi đang đầu tư vào an ninh của Châu Âu, tăng cường nền tảng công nghiệp, công nghệ và quốc phòng của Châu Âu”.
Còn trong hiệp ước an ninh của Đức, nước này cam kết một gói hỗ trợ tức thì trị giá 1,22 tỷ USD để cung cấp cho Ukraine 36 khẩu pháo, 120.000 viên đạn pháo và một số hệ thống phòng không. Ngoài ra, Đức hứa sẽ duy trì trừng phạt Nga, kể cả khi xung đột Nga – Ukraine kết thúc.
Việc viện trợ cho Ukraine của các nước châu Âu đang được đẩy mạnh trong bối cảnh Ukraine đang gặp nhiều khó khăn trên chiến trường.
Sáng nay, Tân Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Aleksandr Syrsky thông báo, quân đội Ukraine đã được lệnh rút hoàn toàn ra khỏi khu vực Avdiivka ở vùng Donetsk, sau nhiều tháng cố thủ. Tướng Syrsky nhấn mạnh quyết định này nhằm bảo vệ “tính mạng và sức khỏe” của binh lính Ukraine, đồng thời chuyển sang phòng thủ chiến lược ở những tuyến “thuận lợi hơn”.
Việc phương Tây đổ vũ khí vào Ukraine luôn bị Nga và nhiều nước chỉ trích sẽ chỉ làm cuộc xung đột kéo dài không hồi kết. Bộ trưởng Quốc phòng Hungary hôm qua thừa nhận, đây chính là cuộc chiến của phương Tây chống lại Nga trên lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, phương Tây chưa sẵn sàng về mặt chiến lược cho điều này. Trong khi đó, tại hội nghị an ninh Munich, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guteres hôm 16/2 tiếp tục kêu gọi một nền hòa bình bền vững và công bằng cho cả Ukraine, cho Nga và thế giới.