Mỹ chuẩn bị chiến lược mới đối phó với thương mại "bất công" của Trung Quốc
VOV.VN - Trong bản báo cáo mới, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đã nêu ra chiến lược thương mại của chính quyền mới ở Mỹ, trong đó bao gồm cả các biện pháp đối phó với thách thức từ Trung Quốc.
Theo bản báo cáo mới hoạch định về chính sách thương mại của chính quyền Tổng thống Joe Biden, được Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ công bố ngày 1/3, Mỹ sẽ sử dụng “mọi công cụ có sẵn” để đối phó với các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc.
Bản báo cáo không nêu cụ thể các công cụ mà chính quyền Biden sẽ sử dụng, nhưng chính thức hóa các tuyên bố của ông Biden cùng các thành viên trong đội ngũ của ông trong vài tháng qua về việc họ sẽ đối phó với Trung Quốc cũng như các ưu tiên thương mại khác như thế nào.
“Đối phó với Trung Quốc sẽ đòi hỏi một chiến lược toàn diện và một cách tiếp cận có hệ thống hơn là cách tiếp cận rời rạc trước đây. Chính quyền Biden đang tiến hành đánh giá toàn diện về chính sách thương mại của Mỹ với Trung Quốc như một phần trong chiến lược tổng thể về Trung Quốc”, báo cáo cho biết.
Báo cáo nêu ra một số “động thái có hại” từ Trung Quốc, như các rào cản nhằm hạn chế tiếp cận thị trường cũng như việc trợ giá bất công....
“Các động thái này cũng bao gồm cả việc chuyển giao công nghệ bắt buộc, vi phạm và thu mua bất hợp pháp các tài sản trí tuệ của Mỹ, kiểm duyệt, các hạn chế khác đối với kinh tế số và internet, cùng với việc thiếu chế độ đãi ngộ với các công ty Mỹ trong nhiều lĩnh vực tương đương với đối ngộ mà các công ty Trung Quốc nhận được trong nhiều lĩnh vực ở Mỹ”, báo cáo nhấn mạnh.
Mỹ sẽ phối hợp với đồng minh
Theo bản báo cáo, chính quyền Biden sẽ hợp tác với các đồng minh và đối tác để đảm bảo Trung Quốc thực hiện các nghĩa vụ về thương mại của mình.
Báo cáo mới được công bố trong bối cảnh bà Katherine Tai, người được ông Biden đề cử làm Đại diện Thương mại Mỹ đang chờ Thượng viện chuẩn thuận.
Bà Katherine Kai ngày 1/3 cho biết, bà sẽ làm việc để giải quyết một loạt vấn đề liên quan đến các hành vi thương mại và kinh tế Trung Quốc, trong đó có vấn đề sở hữu trí tuệ, hạn chế tiếp cận thị trường và kiểm duyệt.
Bà sẽ khai thác “một loạt các lựa chọn” để giải quyết những vấn đề kể trên, trong đó có cả thông qua đàm phán song phương, nhưng “sẽ không ngần ngại hành động nếu các cuộc đối thoại không đem lại hiệu quả”.
Bà Katherine Tai đưa ra những bình luận này trong một văn bản viết tay trả lời câu hỏi của các thượng nghị sỹ sau phiên điều trần về chức danh bà được đề cử hồi tuần trước.
Thương chiến Mỹ-Trung
Nếu được chuẩn thuận trở thành Đại diện Thương Mại Mỹ, bà Katherine Tai sẽ kế thừa một danh sách dài những bất đồng về thương mại và thuế quan chưa được giải quyết từ thời chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Donald Trump.
Danh sách này bao gồm cả các đòn tăng thuế mà Mỹ và Trung Quốc áp đặt đối với hàng hóa của đôi bên khi ông Trump còn đương nhiệm, cũng như việc Trung Quốc thu mua hàng hóa Mỹ theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.
Trong phiên điều trần hồi tuần trước, bà Tai nói rằng thuế quan là một “công cụ hợp pháp” để đối phó với Trung Quốc. Bà không đe dọa sẽ áp đòn thuế quan mới, nhưng nhấn mạnh rằng Trung Quốc cần phải thực hiện các cam kết của mình trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.
Thỏa thuận thương mại mà Mỹ và Trung Quốc ký hồi năm ngoái được xem như thỏa thuận “đình chiến” cho cuộc chiến thuế quan vốn đe dọa tới nền kinh tế toàn cầu. Thỏa thuận này còn bao gồm điều khoản Trung Quốc gia tăng thu mua hàng hóa và dịch vụ Mỹ thêm 200 tỷ USD so với mức thu mua của năm 2017./.