Mỹ có thể đang tính đến giải pháp quân sự cho vấn đề Triều Tiên?
VOV.VN-Sau đe dọa “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục đưa tàu sân bay tới khu vực này để tập trận với Hàn Quốc vào ngày 20/10.
Các nhà phân tích lo ngại, Mỹ đang tính đến giải pháp quân sự cho vấn đề Triều Tiên, khi Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần nhắc đến điều này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh: Getty Images) |
Viết trên trang Twitter cá nhân cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói rằng “chỉ có một cách duy nhất” để chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Theo Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng Mick Mulvaney, Tổng thống Mỹ rõ ràng muốn đề cập tới giải pháp quân sự.
Ông Donald Trump cũng cho rằng những Tổng thống tiền nhiệm và chính quyền Mỹ trước đây đã mất 25 năm để đàm phán với Triều Tiên. Các thỏa thuận đã đạt được và những khoản tiền khổng lồ được chi ra song không hiệu quả. Ông Donald Trump cho rằng các thỏa thuận đã bị vi phạm khi mà chữ ký còn chưa khô mực, khiến những nhà đàm phán Mỹ trở thành những “kẻ ngốc” và ông đã nhắc đến “một cách duy nhất”.
Đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Mỹ nhắc đến giải pháp quân sự cho vấn đề Tiều Tiên. Phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng khi tiếp Thủ tướng Tây Ban Nha hồi cuối tháng 9, ông Donald Trump thậm chí nói rằng Mỹ đã “chuẩn bị sẵn sàng” cho giải pháp quân sự với Triều Tiên.
“Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho lựa chọn thứ 2”, ông Trump nói. “Đây không phải là lựa chọn ưu tiên của chúng tôi, nhưng nếu chúng tôi sử dụng nó thì đó sẽ là sử hủy diệt với Triều Tiên. Đó chính là giải pháp quân sự. Chúng tôi sẽ chọn giải pháp này nếu phải làm vậy”.
Trở lại khoảng thời gian đầu năm nay sau khi ông Donald Trump chính thức nhậm chức. Chính quyền mới tại Mỹ lúc đó thể hiện lập trường cứng rắn với thông điệp rõ ràng rằng “chính sách kiên trì chiến lược của Mỹ với Triều Tiên đã kết thúc”. Mỹ cũng nhấn mạnh rằng các nỗ lực của Mỹ trong 20 năm qua nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đã thất bại và kêu gọi một “cách tiếp cận mới” trong vấn đề này.
Tuy nhiên, Nhà Trắng sau đó đã “dịu giọng” và tuyên bố theo đuổi một giải pháp ngoại giao cho vấn đề Tiều Tiên. Trong đó, Mỹ sẽ làm việc nhiều hơn nữa, nhất là với Trung Quốc nhằm đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán.
Trong khi nỗ lực nối lại đàm phán vẫn dậm chân tại chỗ, thì việc Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 6 và liên tiếp phóng thử tên lửa, cùng với đó là các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn và các vũ khí chiến lược của Mỹ được triển khai, đã khiến căng thẳng leo thang đỉnh điểm trên Bán đảo Triều Tiên. Kéo theo đó là màn khẩu chiến đến nay vẫn chưa hạ nhiệt giữa Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Donald Trump tuyên bố, nếu bị đe dọa, Mỹ sẽ “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên. Đáp lại, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khẳng định chính những lời đe dọa của Tổng thống Mỹ khiến ông tin rằng chương trình hạt nhân của Triều Tiên là “đúng đắn”.
Giới phân tích nhận định rất có thể Triều Tiên sẽ tiến hành thêm hành động khiêu khích trong tháng này, nhiều khả năng vào ngày mai 10/10 khi Bình Nhưỡng kỷ niệm ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên.
Các nhà phân tích cũng cho rằng việc Triều Tiên phát triển tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân có thế tấn công vùng lãnh thổ của Mỹ chỉ còn là vấn đề thời gian./. Mỹ tái khẳng định không đối thoại với Triều Tiên