Mỹ định “phản công” Trung Quốc như thế nào trong lĩnh vực đất hiếm?
VOV.VN - Chính sách công nghiệp hiệu quả và khôn khéo của Trung Quốc thực sự đã đẩy các công ty phương Tây ra khỏi ngành khai thác và chế biến đất hiếm ở nước này. Phương Tây nói chung và Mỹ nói riêng đang đứng trước áp lực phải “phản công”.
Thách thức an ninh còn lớn hơn cả thiếu đạn dược và vũ khí
Xung đột vũ trang ở Ukraine đã dẫn tới tình trạng thiếu đạn cho quân đội Mỹ và kho dự trữ lâu năm các hệ thống vũ khí chính của họ. Tuy nhiên, mối lo này chỉ là nhỏ bé nếu so với thực trạng Mỹ phụ thuộc Trung Quốc về các nguyên tố đất hiếm.
Các chuyên gia vừa liên tục hối thúc Mỹ giải quyết lỗ hổng an ninh quốc gia trọng yếu này. Cách đây một năm, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden công bố nỗ lực mới để xử lý vấn đề này nhưng kết quả thực sự không được ấn tượng lắm.
Trung Quốc sở hữu khoảng 36% nguồn dự trữ đất hiếm được biết tới của thế giới. Tuy nhiên, thông qua một chiến lược chủ động và có phương pháp, Bắc Kinh hiện nay kiểm soát tới hơn 70% năng lực khai thác của toàn thế giới. Đáng kể hơn nữa, Trung Quốc làm chủ gần 90% năng lực chế biến đất hiếm của thế giới.
Chính sách công nghiệp của Bắc Kinh thực sự đã đẩy các công ty phương Tây khỏi ngành khai thác và chế biến đất hiếm ở Trung Quốc. Và đây không chỉ là vấn đề lợi nhuận. Hồi năm 1992, cựu Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Đặng Tiểu Bình tuyên bố: “Trung Đông có dầu mỏ, Trung Quốc có đất hiếm. Trầm tích đất hiếm của Trung Quốc chiếm 80% dự trữ toàn cầu đã được xác định. Các đồng chí có thể so sánh vị thế của các kho dự trữ này với dầu ở Trung Đông: Nó có ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng. Chúng ta phải chắc chắn xử lý vấn đề đất hiếm một cách đúng đắn và tận dụng lợi thế của đất nước ta về nguồn đất hiếm”.
Đó chính xác là điều Bắc Kinh đã làm trong những năm qua. Trong cuộc khủng hoảng về quần đảo Sensaku/Điếu Ngư, Trung Quốc đã giảm đáng kể nguồn cung các nguyên tố đất hiếm cho Nhật Bản. Không nghi ngờ gì nữa, Bắc Kinh sẽ tiếp tục áp dụng chiến thuật này. Học giả Liza Tobin gọi đó là “kinh tế sử dụng sức mạnh vật chất”. Trên truyền thông Trung Quốc, các nhà chiến lược Trung Quốc đã thừa nhận điều gần như tương tự.
Mỹ thừa nhận điểm yếu lớn của mình
Mỹ và các quốc gia khác được cho là đã tự làm suy yếu năng lực cạnh tranh của mình trong lĩnh vực đất hiếm. Các nước phương Tây như Mỹ đã sử dụng các quy định chặt chẽ về môi trường và yêu cầu cấp phép nặng nề khiến cho hoạt động khai thác và chế biến của họ trong lĩnh vực đất hiếm cực kỳ khó khăn. Thay vào đó, họ dựa vào việc khai thác đất hiếm ở các nước khác, nơi quy định lỏng lẻo hơn nhiều và môi trường dễ bị tàn phá.
Vấn đề này đã trở thành vấn đề toàn cầu với hậu quả nghiêm trọng không thể phớt lờ. Không nghi ngờ gì nữa, các nguyên tố đất hiếm liên quan sâu sắc đến an ninh quốc gia. Các loại vũ khí hiện đại không thể chế tạo, sửa chữa, bảo dưỡng và triển khai nếu thiếu các nguyên tố này. Cựu quan chức Lầu Năm Góc Roger Zakheim cảnh báo về sự thống trị của Trung Quốc đối với thị trường đất hiếm: “Chúng tôi thực sự đã nhượng lại thị trường này cho Trung Quốc và điều đó tác động lên mọi thứ từ máy bay tiêm kích F-35 cho đến các điện thoại chúng ta sử dụng hàng ngày trong cuộc sống”.
Mặc dù người ta thừa nhận rộng rãi vấn đề này, phản ứng của Mỹ là yếu ớt, không đủ đầy. Mỹ được kỳ vọng sẽ thực hiện các chính sách mạnh mẽ để khôi phục thế cân bằng trên thị trường và tính dẻo dai của chuỗi cung ứng. Nhưng trên thực tế, Mỹ lại lóng ngóng với các chính sách công nghiệp thiên về trình diễn bề ngoài hơn là giải pháp thực sự.
Thí dụ, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden năm 2022 đã trao 35 triệu USD cho công ty MP Materials để họ chế biến đất hiếm tại Mountain Pass, California - mỏ đất hiếm duy nhất tại Mỹ. nhưng công ty này vẫn bán nguyên liệu thô đất hiếm cho Trung Quốc để chế biến ở mức độ cao hơn. Đó là vì phần lớn năng lực tinh chế đất hiếm nằm ở Trung Quốc. Tương tự, Mỹ ủng hộ công ty Lynas của Australia trong khai thác và chế biến đất hiếm nhưng công ty này vẫn phải lấy nguồn vật liệu từ Trung Quốc.
Phát triển các cơ sở khai thác và chế biến là điều tất yếu tốn thời gian nhưng tốc độ chậm chạp hiện nay của Mỹ bị coi là không thể chấp nhận được. Người ta cho rằng Mỹ và các nước phương Tây có thể làm thêm nhiều thứ để đẩy nhanh việc phát triển các phương án thay thế cho các công ty do Trung Quốc kiểm soát.
Giới học giả Mỹ cho rằng cả ngành công nghiệp tư nhân của Mỹ lẫn bộ quốc phòng nước này cần tích trữ đủ lượng đất hiếm chưa chế biến, chế biến một nửa và chế biến đầy đủ cho 3 tháng. Lầu Năm Góc đã thực hiện các biện pháp giới hạn nhằm tới mục tiêu này, bao gồm việc bơm 1 tỷ USD lấy từ quỹ Đạo luật trao quyền quốc phòng (NDAA) nhưng như thế vẫn chưa đủ. Nỗ lực này cần được mở rộng sang các doanh nghiệp dân sự nằm trong chuỗi cung ứng các hệ thống quốc phòng trọng yếu.
Giới học giả Mỹ cho rằng quốc hội nước này nên nới lỏng các quy định về khai thác mỏ của liên bang để tạo thêm sản lượng khai thác mỏ nhưng không làm tổn hại các tiêu chuẩn chất lượng không khí và nước. Mục tiêu đặt ra là loại bỏ các rào cản không cần thiết trong các quy định của bang và liên bang mà vẫn duy trì các tiêu chuẩn môi trường./.