Mỹ “dọn đường” xuất khẩu máy bay không người lái quân sự?

VOV.VN - Tổng thống Mỹ Trump sẽ sớm tạo điều kiện cho các nhà thầu quốc phòng xuất khẩu máy bay không người lái quân sự cho đồng minh.

Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết, ông Trump sẽ nới lỏng luật lệ cho phép bán các loại máy bay không người lái quân sự ra nước ngoài sau một thời gian dài luật lệ này bị đình lại.

Binh sĩ Mỹ thử nghiệm một loại máy bay không người lái. Ảnh: Reuters

Thay đổi để cạnh tranh với Trung Quốc

Cũng theo các quan chức Mỹ, sự thay đổi này là cần thiết trong bối cảnh các nhà sản xuất máy bay không người lái quân sự của Mỹ đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ đối thủ Trung Quốc vốn chỉ chịu những quy định hạn chế ít ngặt nghèo hơn.

Nhà Trắng cho biết, quyết định nới lỏng việc bán máy bay không người lái quân sự của ông Trump cũng nằm trong sáng kiến thúc đẩy “Mua hàng Mỹ” của ông nhằm tạo thêm công ăn việc làm cho người Mỹ cũng như giảm thâm hụt thương mại.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đã viết thư gửi cho Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster để hối thúc ông này nhanh chóng xúc tiến nhanh kế hoạch này nhằm tránh bị suy giảm doanh số bán máy bay không người lái quân sự của Mỹ đến một số quốc gia.

Theo các chuyên gia, một trong số những biện pháp sắp được thực thi chính là việc Mỹ sẽ hạ các “rào cản thương mại” đối với việc xuất khẩu các loại máy bay không người lái thợ săn-sát thủ cỡ nhỏ hơn so với mẫu tiêu chuẩn và rất phổ biến như Predator.

Dù chưa hoàn toàn mở cửa cho việc bán những loại máy bay không người lái sát thủ hàng đầu của Mỹ, bước đi này của ông Trump vẫn được đánh giá là “đột phá” bởi từ lâu, việc xuất khẩu máy bay không người lái ra nước ngoài vẫn là “chủ đề cấm kỵ” tại Washington. Từ trước đến nay, Mỹ chỉ bán rất hạn chế loại vũ khí này cho các đồng minh cực kỳ thân thiết.

Ban đầu, các trợ lý của ông Trump chỉ tập trung vào việc thúc đẩy doanh số bán các loại máy bay không người lái dùng cho mục đích theo dõi và trinh sát. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm trời xem xét kế hoạch này, họ đã đi đến quyết định mở rộng đối tượng máy bay không người lái được phép xuất khẩu.

Theo các chuyên gia, những đối tượng sớm được hưởng lợi từ quy định mới của Mỹ bao gồm một số thành viên mới của NATO, Saudi Arabia, các quốc gia vùng Vịnh cùng một số đồng minh thân cận như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ngoài ra, một số quốc gia khác cũng được đánh giá là sẽ sớm mua được các loại máy bay không người lái của Mỹ là Ấn Độ, Singapore, Australia và 35 quốc gia đã đặt bút ký vào Hiệp ước Hạn chế Xuất khẩu Công nghệ Tên lửa (MTRC).

Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ tuyên bố: “Chúng tôi đang bị đánh bại trên thị trường quốc tế. Tại sao các đối thủ của chúng tôi được phép bán vũ khí cho đồng minh của Mỹ chính loại vũ khí mà họ mua từ chúng tôi mà chúng tôi không được làm như vậy? Mọi chuyện sẽ sớm thay đổi”.

Một quan chức khác cho biết, Chính phủ Mỹ sẽ tìm cách “hạn chế tối đa những rào cản về mặt thủ tục hành chính có thể ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của Mỹ trên thị trường vũ khí toàn cầu”. Tuy nhiên, quan chức này nhấn mạnh, mọi thương vụ bán vũ khí vẫn sẽ phải tuân thủ luật pháp Mỹ cũng như bên tiếp nhận vũ khí phải tôn trọng các chuẩn mực quốc tế.

Rẻ hơn nhưng vẫn rất đáng sợ

Các nhà thầu quốc phòng được cho là sẽ được hưởng lợi từ quy định mới của Mỹ bao gồm Textron, Kratos Defense & Security Solutions, Boeing, Northrop Grumman, General Atomics và Lockheed Martin, cho biết họ đang cân nhắc việc mở rộng dây chuyền sản xuất các loại máy bay không người lái cỡ nhỏ.

Ngay khi có thông tin về quy định mới của Chính phủ Mỹ, cổ phiếu của các nhà thầu quốc phòng lớn đã gia tăng nhanh chóng, cụ thể, trong phiên giao dịch chiều 20/3 cổ phiếu của Kratos Defense & Security Solutions tăng 2,7%, Textron 0,44%, Boeing 1,7%, Northrop Grumman và Lockheed Martin mỗi tập đoàn tăng 1%.

Theo các chuyên gia, dù các mẫu máy bay không người lái quân sự cỡ nhỏ có giá thành rẻ hơn đáng kể so với các mẫu cỡ lớn như Predator hay Reaper, chúng vẫn được trang bị các loại vũ khí đủ mạnh để tiêu diệt các xe quân sự, công trình quân sự cỡ nhỏ và các tay súng của đối phương.

Các quan chức Mỹ khẳng định, biện pháp tiếp cận thị trường máy bay không người lái “thân thiện hơn” của Chính phủ Mỹ không chỉ giúp ông Trump hiện thực hóa cam kết thúc đẩy công nghiệp quốc phòng Mỹ trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016 mà còn giúp các đối tác nước ngoài có “lý do cụ thể” để tăng chi tiêu quốc phòng.

Trước thời ông Trump, Tổng thống Mỹ Barack Obama từng đưa xem xét lại các quy định nhằm tăng doanh số xuất khẩu máy bay không người lái quân sự. Tuy nhiên, các nhà thầu Mỹ vào thời điểm đó vẫn lên tiếng than phiền rằng, các quy định của Tổng thống Obama vẫn hết sức hạn chế.

Một quan chức Mỹ nhận định, quy định mới của ông Trump sẽ “thay đổi những toan tính” của Chính phủ Mỹ đối với việc xuất khẩu máy bay không người lái. Theo đó, Mỹ sẽ giảm xuất khẩu các loại máy bay không người lái cỡ lớn và tìm cách tăng việc bán các loại máy không người lái cỡ nhỏ để bù đắp.

Điều này xuất phát từ việc Mỹ sẽ phải tuân thủ thỏa thuận MTCR mà nước này cùng 34 quốc gia khác ký năm 1987, trong đó yêu cầu các nước thành viên hạn chế tối đa việc xuất khẩu các loại máy bay không người lái dạng Predator- được cho vào Nhóm 1 tức là những loại máy bay không người lái có thể mang theo tối đa 500kg trang thiết bị, vũ khí./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

UAV tấn công căn cứ Nga có nguồn gốc từ đâu?
UAV tấn công căn cứ Nga có nguồn gốc từ đâu?

VOV.VN - Vụ tấn công căn cứ quân sự Nga tại Syria bằng máy bay không người lái (UAV) khiến nhiều người đặt câu hỏi, chúng có nguồn gốc từ đâu?

UAV tấn công căn cứ Nga có nguồn gốc từ đâu?

UAV tấn công căn cứ Nga có nguồn gốc từ đâu?

VOV.VN - Vụ tấn công căn cứ quân sự Nga tại Syria bằng máy bay không người lái (UAV) khiến nhiều người đặt câu hỏi, chúng có nguồn gốc từ đâu?

Giải mã bí ẩn sức mạnh của UAV tấn công căn cứ quân sự Nga
Giải mã bí ẩn sức mạnh của UAV tấn công căn cứ quân sự Nga

VOV.VN - Những chiếc máy bay không người lái được dùng tấn công căn cứ quân sự của Nga tại Syria được trang bị hệ thống tấn công chính xác.

Giải mã bí ẩn sức mạnh của UAV tấn công căn cứ quân sự Nga

Giải mã bí ẩn sức mạnh của UAV tấn công căn cứ quân sự Nga

VOV.VN - Những chiếc máy bay không người lái được dùng tấn công căn cứ quân sự của Nga tại Syria được trang bị hệ thống tấn công chính xác.

Lần đầu tiên UAV Mỹ hạ cánh thành công trên tàu sân bay
Lần đầu tiên UAV Mỹ hạ cánh thành công trên tàu sân bay

(VOV) - Sự kiện lịch sử này sẽ giúp máy bay không người lái của Mỹ bớt phụ thuộc vào căn cứ ở nước ngoài.  

Lần đầu tiên UAV Mỹ hạ cánh thành công trên tàu sân bay

Lần đầu tiên UAV Mỹ hạ cánh thành công trên tàu sân bay

(VOV) - Sự kiện lịch sử này sẽ giúp máy bay không người lái của Mỹ bớt phụ thuộc vào căn cứ ở nước ngoài.