Mỹ kêu gọi thành lập liên minh để tiêu diệt phiến quân Hồi giáo IS
VOV.VN - Mỹ cho rằng, cần xây dựng một liên minh quốc tế rộng rãi nhằm làm suy yếu và cuối cùng là tiêu diệt các mối đe dọa từ IS.
Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra tại xứ Wales, Anh trong 2 ngày 4-5/9, Mỹ đã lên tiếng kêu gọi các đồng minh phương Tây đoàn kết trong một liên minh nhằm có thể "tiêu diệt" các chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria.
"Chúng ta không có thời gian để lãng phí trong việc xây dựng một liên minh quốc tế rộng rãi nhằm làm suy yếu và cuối cùng là tiêu diệt các mối đe dọa từ IS", Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel cho biết trong một tuyên bố chung.
Tuyên bố trên được đưa ra sau cuộc đàm phán của các Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao các nước Mỹ, Anh, Australia, Canada, Đan Mạch, Pháp, Đức, Italy, Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
NATO sẵn sàng hỗ trợ Iraq nếu nhận được yêu cầu
Trong những tuần gần đây, Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích ở miền Bắc Iraq nhằm giúp lực lượng người Kurd và chính quyền Iraq giành lại các vùng đất đã bị phiến quân IS chiếm giữ.
Tuy nhiên, Mỹ không muốn đơn phương tiến hành các chiến dịch chống lại phiến quân Hồi giáo IS. Chính vì vậy, tại Hội nghị thượng đỉnh NATO tổ chức ở Newport, miền nam xứ Wales, Washington đang tìm cách nhằm đạt được sự hỗ trợ quốc tế rộng lớn hơn trong các hoạt động chống lại IS.
Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã phát biểu với các phóng viên rằng, Liên minh quân sự này sẵn sàng giúp đỡ nếu nhận được yêu cầu từ phía Baghdad, đồng thời có thể phối hợp với nỗ lực của các nước khác trong cuộc chiến chống lại IS.
Ông Rasmussen cũng nói rằng ông “nhiệt liệt hoan nghênh" những nỗ lực của Mỹ và các đồng minh. “Tôi nghĩ rằng cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ phải làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn tổ chức khủng bố nguy hiểm này", ông Rasmussen nói.
Theo ông Rasmussen, các nước NATO cũng đã đồng ý để trao đổi thêm thông tin về các phần tử thành chiến nước ngoài từ Iraq và Syria trở về châu Âu và Mỹ vì lo ngại họ sẽ thực hiện các cuộc tấn công tại các quốc gia này.
Áp lực đối với các nước phương Tây cần thiết phải có những hành động chống lại IS đã gia tăng kể từ khi phiến quân chặt đầu một nhà báo Mỹ và chiến binh tiến hành vụ hành quyết này được cho là một người Anh.
Tuy nhiên, phản ứng trước lời kêu gọi thành lập một liên minh để đối phó với IS của Mỹ, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cho biết, nước ông "chưa đưa ra cam kết tham gia vào bất kỳ cuộc không kích nào".
"Tuy nhiên, chúng tôi chắc chắn sẽ xem xét khả năng tham gia nếu đó là cách tốt nhất và hiệu quả nhất để hỗ trợ cho một Chính phủ Iraq có sự tập hợp rộng rãi và đáng tin cậy", ông Philip Hammond nói.
Bước đi đầu tiên của Anh có thể được tiến hành là xem xét trang bị cho các tay súng người Kurd đang chiến đấu chống lại phiến quân IS.
Trong khi đó, Pháp cũng đang để ngỏ khả năng tham gia vào liên minh mà Mỹ kêu gọi. Tổng thống Pháp Francois Hollande nói với các nhà lãnh đạo đồng minh rằng cần "sẵn sàng để giải quyết tất cả các khía cạnh của cuộc chiến chống IS, trong đó có vấn đề các phần tử thánh chiến nước ngoài".
Sẽ không tiến hành các chiến dịch quân sự trên bộ
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), còn được biết đến với tên gọi là ISIS hoặc ISIL đã khiến cộng đồng quốc tế quan tâm khi nó tràn qua miền bắc Iraq từ Syria và tuyên bố thành lập một nhà nước "Caliphate" Hồi giáo trên vùng lãnh thổ mà tổ chức này chiếm giữ trải dài giữa hai nước.
Nhắc đến vụ hành quyết các nhà báo Mỹ James Foley và Steven Sotloff, Thủ tướng Anh David Cameron cho biết, các nhà lãnh đạo NATO "thống nhất lên án những hành vi dã man và hèn hạ".
"Những kẻ khủng bố cần phải biết rằng, mối đe dọa của chúng càng củng cố vững chắc quyết tâm của chúng ta nhằm đánh bại chúng" ông Cameron phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh NATO.
Ông Cameron cũng nhấn mạnh lại với các đồng minh của mình rằng cần tôn trọng cam kết của các nước tại Hội nghị G8 năm ngoái là không trả tiền chuộc, đồng thời cảnh báo rằng hành động này sẽ chỉ giúp cho những kẻ bắt cóc.
Trong bối cảnh có thông tin cho rằng, con tin người Pháp và Italy đã được trả tự do sau khi trả tiền chuộc, ông Cameron cho biết, những khoản tiền chuộc đó là "vô cùng đáng tiếc" và "chúng ta tự đánh bại mình".
Ngoại trưởng Mỹ Kerry cam đoan cuộc họp hôm 5/9 rằng sẽ "không khởi động các chiến dịch quân sự trên bộ " trong chiến lược của Mỹ đối phó với IS. Ông Kerry nói rằng đó là một "ranh giới đỏ cho tất cả mọi người có mặt ở đây".
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ cũng nói rằng "có rất nhiều cách, trong đó chúng ta có thể đào tạo, tư vấn, hỗ trợ và trang bị cho các lực lượng đang chống lại phiến quân IS". Ông Kerry cũng kêu gọi những người tham gia cuộc đàm phán tại xứ Wales xem xét những gì họ sẽ sẵn sàng đóng góp để Mỹ có thể đưa ra kế hoạch tại cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào cuối tháng Chín này.
Ngoài ra, việc thành lập một Chính phủ mới tại Iraq cũng sẽ đóng vai trò rất quan trọng. Cả Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đều cho biết, Mỹ hy vọng điều này có thể xảy ra "trong những ngày tới".
Các đồng minh NATO có thể trợ giúp bằng cách cung cấp hỗ trợ quân sự, ngăn chặn các phần tử thánh chiến nước ngoài đến Iraq, ngăn chặn các hoạt động tài trợ cho IS và giải quyết các cuộc khủng hoảng nhân đạo./.