Mỹ lo ngại mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân trong không gian của Nga
VOV.VN - CNN dẫn các nguồn thạo tin cho biết, Nga đang nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân trong không gian có khả năng phá hủy các vệ tinh bằng cách tạo ra một làn sóng năng lượng khổng lồ khi phát nổ.
Vũ khí này có thể làm tê liệt một lượng lớn các vệ tinh thương mại hoặc vệ tinh quân sự - vốn được sử dụng cho mục đích viễn thông hoặc cung cấp Internet. Theo CNN, các nguồn tin trên cung cấp một cái nhìn chi tiết hơn về những gì Nga đang thực hiện và mối đe dọa mà loại vũ khí này có thể gây ra, nghiêm trọng hơn so với điều mà chính phủ Mỹ đã tiết lộ trước đó.
Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Turner của bang Ohio – Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đã gây nhiều tranh cãi khi ông tuyên bố cơ quan này có “thông tin liên quan đến mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia”. Ngày 16/2, Tổng thống Joe Biden công khai thừa nhận rằng, ông Turner đang đề cập khả năng chống vệ tinh hạt nhân mới của Nga. Nhưng các quan chức Mỹ đã kiên quyết từ chối thảo luận thêm về vấn đề này, với lý do muốn bảo mật thông tin tình báo.
Các quan chức của chính quyền Biden công khai nhấn mạnh rằng, Nga vẫn đang trong quá trình phát triển vũ khí không gian mới và chưa đưa vào quỹ đạo. Nhưng họ cho biết, nếu vũ khí này chính thức được sử dụng, nó sẽ rất nguy hiểm và có thể gây ra sự gián đoạn cho cuộc sống hàng ngày theo những cách rất khó dự đoán.
Loại vũ khí mới – thường được các chuyên gia vũ trụ quân sự gọi là EMP hạt nhân – sẽ tạo ra một xung năng lượng điện từ và một loạt các hạt tích điện cao sẽ lan tỏa trong không gian để phá hủy những vệ tinh khác bay quanh Trái đất.
Tuy vậy, Tổng thống Biden ngày 16/2 cho biết, "không có mối đe dọa hạt nhân nào đối với người dân Mỹ hoặc người dân ở bất cứ nơi nào trên thế giới trước những gì Nga đang làm vào thời điểm hiện tại”.
Bộ Quốc phòng và cộng đồng tình báo Mỹ đã theo dõi những nỗ lực của Nga nhằm phát triển các loại vũ khí chống vệ tinh, trong đó có cả EMP suốt nhiều năm qua. Các cơ quan này đã đưa ra nhiều báo cáo tình báo trong những tháng gần đây, nhấn mạnh vào nỗ lực của Nga nhằm phát triển vũ khí chống vệ tinh bằng năng lượng hạt nhân. Trong các báo cáo này, Mỹ thừa nhận Nga đã đạt được những tiến bộ mới trong việc phát triển EMP.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby cho biết: “Chúng tôi đã nắm được thông tin về việc Nga theo đuổi quá trình phát triển vũ khí EMP từ nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Nhưng trong những tuần gần đây, cộng đồng tình báo mới có thể đánh giá với mức độ tin cậy cao hơn về các nỗ lực của Moscow”.
Tổng thống Biden lưu ý, theo đánh giá của cộng đồng tình báo, Nga có khả năng phóng một hệ thống vũ khí vào không gian và về mặt lý thuyết, vũ khí này có thể gây ra những tổn hại nhất định nhưng trên thực tế điều đó vẫn chưa xảy ra.
Một quan chức Mỹ cho biết: “Đây không phải là khái niệm mới và khái niệm này đã có từ cuối thời điểm Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, lo ngại lớn nhất đối với các thiết bị EMP là nó sẽ gây nguy hại cho phần lớn quỹ đạo bằng cách tạo ra “một bãi mìn gồm các vệ tinh bị vô hiệu hóa”, gây nguy hiểm cho bất cứ vệ tinh mới nào mà chúng tôi cố gắng thử nghiệm hoặc thay thế những vệ tinh hiện có.
Cơ quan Tình báo Quốc gia, Bộ Quốc phòng và Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ hiện chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.
Vẫn chưa rõ liệu vũ khí mà Nga đang phát triển có thể tác động đến GPS hay vệ tinh chỉ huy và kiểm soát hạt nhân, vốn hoạt động ở quỹ đạo cao hơn so với các vệ tinh thương mại hoặc vệ tinh của chính phủ đang bay ở quỹ đạo thấp của Trái Đất hay không. Trước đó, nhiều vệ tinh lớn đã được thiết kế để tránh được tác động của một vụ nổ hạt nhân. Nhưng một cựu quan chức của Lầu Năm Góc nói rằng, chúng vẫn dễ bị ảnh hưởng, tùy thuộc vào tuổi đời, khoảng cách gần hay xa vũ khí EMP và độ lớn của vụ nổ.
“Vũ khí cuối cùng”
Các chuyên gia cho rằng, loại vũ khí này có khả năng “quét sạch” những vệ tinh nhỏ như vệ tinh Starlink của SpaceX, đã được Ukraine sử dụng trong cuộc xung đột với Nga. Nhưng theo một số quan chức Mỹ, đây gần như sẽ là “vũ khí cuối cùng” đối với Nga vì nó cũng sẽ gây thiệt hại cho các vệ tinh của Nga trong khu vực.
Hiện vẫn chưa rõ công nghệ này đã phát triển đến mức nào, nhưng một đánh giá tình báo về tiến bộ của Nga đã khiến nhiều nghị sỹ tại Quốc hội Mỹ lo ngại đến mức Hạ nghị sĩ Mike Turner đã phải triệu tập một cuộc họp của Hạ viện về vấn đề này. Một số nguồn thạo tin cho biết, việc tiết lộ thông tin tình báo ở thời điểm hiện tại là điều cực kỳ bất lợi vì đây là thông tin nhạy cảm.
Các quan chức của chính quyền Biden cho rằng, nếu Nga triển khai vũ khí EMP thì nước này sẽ vi phạm Hiệp ước Ngoài Không gian năm 1967, đã được hơn 130 quốc gia đã ký kết, trong đó có cả Nga. Một điều khoản của Hiệp ước này quy định các quốc gia không được phép “đặt vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt khác vào quỹ đạo, trên các thiên thể, trong không gian vũ trụ theo bất kỳ cách nào khác”.