Mỹ loay hoay tìm chiến lược đối phó Nga ở Biển Đen
VOV.VN - Sự mơ hồ trong mối quan hệ liên minh với các nước ở Biển Đen, đặc biệt những nước chưa phải là thành viên NATO, là một trong những lý do khiến Biển Đen tiếp tục là “khu vực cạnh tranh khốc liệt duy nhất” giữa Mỹ và phương Tây với Nga.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có chuyến thăm các nước khu vực Biển Đen trong tuần trước để thúc đẩy quan hệ đối tác cần thiết nhằm gia tăng phòng vệ trước Nga dọc khu vực biên giới lãnh thổ biến động nhất giữa Moscow và phương Tây. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ Mỹ sẽ làm thế nào để đưa các đồng minh của Mỹ vào một kế hoạch đối phó với Nga.
“Chiến lược của chúng ta là gì? Vì sao chúng ta cần phải quan tâm tới khu vực Biển Đen? Điều đó dường như đang bị lạc lối”, tướng nghỉ hưu Ben Hodges, cựu chỉ huy các lực lượng lục quân Mỹ ở châu Âu thời chính quyền Tổng thống Obama và Tổng thống Trump, hiện đang làm việc tại Trung tâm Phân tích chính sách châu Âu cho biết.
Ông Hodges nói thêm rằng, số lượng khí tài quân sự hạn chế mà Mỹ cung cấp cho một số quốc gia nhất định trong khu vực xuất phát từ “các quyết sách không bắt nguồn từ một chiến lược lâu dài, bền vững”.
Biển Đen - Chiến trường khốc liệt giữa phương Tây và Nga
Hơn 1 thập kỷ qua, khu vực Biển Đen đã trở thành chiến trường giữa các lực lượng ủng hộ phương Tây và các lực lượng ủng hộ Nga và Nga thường chiếm ưu thế.
Năm 2007, cuộc chiến giữa Gruzia và Nga đã kết thúc với việc Nga giúp 2 vùng lãnh thổ ly khai với chính phủ ở Tbilisi. Năm 2014, Nga sáp nhập bán đảo Crimea sau khi chính phủ thân Nga ở Ukriane bị lật đổ.
Gần đây hơn, Nga đã đầu tư đáng kể vào Hạm đội Biển Đen và trong những tháng qua, Moscow đã sử dụng những tài sản đó để đe dọa các lực lượng phương Tây trong cuộc tập trận chung và khi các tàu thuyền đi qua khu vực này.
Sau những sự việc kể trên, các đồng minh của Mỹ đã kêu gọi tăng cường thêm binh sỹ và khí tài từ Mỹ và NATO, để giúp họ củng cố tuyến đầu chống lại Nga.
Dù vậy, những nước này lại không đưa ra đề nghị cụ thể khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin thăm Gruzia, Ukraine, Romania và cuối cùng là trụ sở NATO ở Brussels, cho dù ông Austin lên tiếng kêu gọi Nga “chấm dứt các hoạt động gây bất ổn ở Biển Đen, chấm dứt các cuộc tấn công mạng dai dẳng cũng như các hoạt động ác ý khác” nhằm vào Mỹ và các đối tác của Mỹ.
“Họ thường có những lời khoa trương nhưng lại không nói về chi tiết cụ thể. Điều đó giống như có một lằn ranh mà chúng ta sẽ không vượt qua khi nói đến Biển Đen”, ông Jim Townsend, cựu quan chức Lầu Năm Góc phụ trách chính sách về NATO và châu Âu trong chính quyền Tổng thống Obama, hiện đang làm việc cho Trung tâm An ninh Mỹ mới, cho biết.
Hiện Mỹ triển khai khoảng 1.000 binh sỹ ở Romania, một thành viên của NATO, trên cơ sở luân phiên. Con số này được cho là sẽ không thay đổi đáng kể hoặc được triển khai thường trực.
Chính quyền Tổng thống Biden đã đẩy mạnh hỗ trợ an ninh cho 2 quốc gia mong muốn gia nhập NATO là Ukraine và Gruzia, bằng cách cung cấp xuồng tuần tra, phê duyệt bán và chuyển giao tên lửa Javelin, tăng cường các cuộc tập trận song phương và đa phương.
Ukraine, Gruzia, Romania và Bulgaria cũng nằm trong kế hoạch hàng hải được Mỹ bảo trợ thông qua đó những nước này sẽ được cung cấp các nguồn lực quốc phòng trong nhiều năm.
Điều tương tự cũng được nhắc đến trong thông báo ở Brussels rằng NATO sẽ bảo vệ chính mình trước một cuộc tấn công 2 mặt trận từ Nga bằng cách đầu tư vào hệ thống phòng thủ tên lửa và máy bay thế hệ thứ 5.
NATO ngần ngại xung đột với Nga
“Sức mạnh của những thông báo được đưa ra ở Gruzia, ở Kiev, ở Bucharest và ở NATO nằm ở đâu?”, ông Ian Brzezinski, một thành viên cấp cao của Trung tâm Scowcroft của Hội đồng Đại Tây Dương, người từng việc về chính sách của NATO và châu Âu tại Bộ Quốc phòng Mỹ thời chính quyền Tổng thống George W. Bush đặt câu hỏi.
Ông Brzezinski viện dẫn “sự mơ hồ về mối quan hệ liên minh” với các nước Biển Đen, đặc biệt những nước chưa phải là thành viên NATO, là một trong những lý do khiến Biển Đen tiếp tục là “khu vực cạnh tranh khốc liệt duy nhất” với Nga.
Có thể thấy rõ mối lo ngại trong NATO về việc gây xung đột với Nga. Mặc dù liên minh này cam kết sẵn sàng đối phó với các cuộc tấn công nhiều phía từ Nga, nhưng ở một số góc độ vẫn còn sự e ngại - đặc biệt là việc Ukraine và Gruzia muốn gia nhập NATO.
Pháp và Đức tỏ ra hoài nghi về việc tham gia vào cuộc đối đầu với Nga dù 2 nước đều đưa quân vào cuộc chiến ở Afghanistan, tham gia vào các nỗ lực cải cách trong nước và gia tăng phần đóng góp cho NATO.
Trước chuyến thăm của ông Austin, chưa có Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nào đặt chân đến Romania hay Gruzia kể từ năm 2014 và Ukraine kể từ năm 2017.
Nhưng các yếu tố chi phối an ninh Biển Đen không phải là một hành động cân bằng đơn giản giữa Đông và Tây. Các nhà phân tích và quan chức quốc phòng cấp cao nhấn mạnh rằng, các liên minh khu vực và sự cân bằng quyền lực mong manh sẽ làm phức tạp thêm bất kỳ sự can thiệp nào của Mỹ hoặc NATO cũng như nỗ lực thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn giữa các quốc gia có chung đường bờ biển.
Ví dụ, dù Romania và Bulgaria – cả 2 đều là thành viên NATO – đã thể hiện mối quan tâm tới việc tổng hợp các nguồn lực phòng thủ hải quân và thu thập thông tin tình báo, nhưng những nỗ lực như vậy đã vấp phải sự chào đón lạnh nhạt từ Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia thành viên NATO thống trị Biển Đen và kiểm soát các eo biển nối Biển Đen với Địa Trung Hải.
Mối quan hệ nồng ấm giữa Ankara và Moscow - đặc biệt là việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga - đã gây thêm nhiều thách thức trong việc tiếp cận Biển Đen với một mặt trận thống nhất.
Mỹ khó thay đổi cán cân ở Biển Đen?
Giới chức Mỹ ngày càng quan tâm đến việc giải quyết những vấn đề này. Đáng chú ý, Ủy ban quan hệ đối ngoại Thượng viện dự kiến tổ chức một phiên thảo luận để xem xét tình hình an ninh của Mỹ ở Biển Đen. Phiên thảo luận này có chủ đề “Khôi phục chính sách của Mỹ đối với khu vực”.
Dù vậy, những người mong muốn chính quyền Tổng thống Biden đưa ra một kế hoạch toàn diện về Biển Đen có thể sẽ phải đợi Lầu Năm Góc công bố Bản đánh giá toàn cầu, mà ông Austin được giao nhiệm vụ thực hiện sau khi nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng. Tài liệu này mất nhiều thời gian hơn dự định ban đầu, mặc dù các quan chức cho biết bản đánh giá sẽ hoàn thành trong năm nay.
Các chuyên gia cảnh báo nếu không có sự thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận, có thể sẽ quá muộn để dịch chuyển cán cân khỏi Nga.
“Chúng ta thực sự bị tụt lại và dù có một số điều chúng ta có thể làm, nhưng sẽ rất khó để di chuyển mũi kim”, ông Townsend nói./.