Mỹ nghi ngại Trung Quốc không trung lập trong xung đột Nga - Ukraine

VOV.VN - Mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken tuyên bố, ông đã nêu với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị rằng Bắc Kinh đang “không trung lập” trong vấn đề Nga - Ukraine và đang giúp Moscow mở rộng tuyên truyền.

Chủ động ngoại giao với Trung Quốc để giành lợi thế trước Nga

Cuộc họp giữa ông Blinken và ông Vương Nghị diễn ra vào hôm 9/7 sau khi họ cùng dự Hội nghị Ngoại trưởng G20 năm 2022 ở Indonesia. Hai bên đã hội đàm trong 5 tiếng đồng hồ. Đây là một màn đấu trí thực sự, về nhiều vấn đề từ Ukraine, đến nhân quyền, Tân Cương, Hong Kong, Tây Tạng, Đài Loan, Biển Đông, và thuế quan.

Cuộc gặp trên diễn ra trong bối cảnh Mỹ vẫn căng thẳng với Nga. Mỹ và phương Tây vẫn tin rằng “chiến dịch quân sự đặc biệt” là một nỗ lực vô cớ để giành đất đai. Tại Hội nghị G20 vừa qua, Ngoại trưởng Blinken đã từ chối hội đàm với người đồng cấp Nga Lavrov. Lý do ông Blinken đưa ra như sau: “Vấn đề là thế này: Chúng tôi không thấy bất cứ dấu hiệu nào phía Nga vào lúc này sẵn sàng tham dự hoạt động ngoại giao có ý nghĩa”.

Ngoại trưởng Blinken nhận định về quan hệ Mỹ-Trung: “Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc có tác động mạnh đến không chỉ hai nước chúng tôi mà còn cả thế giới. Chúng tôi cam kết quản lý mối quan hệ này, cuộc cạnh tranh này, một cách có trách nhiệm”. Ông nói mình luôn duy trì các kênh ngoại giao mở với Bắc Kinh.

Trước cuộc gặp giữa ngoại trưởng hai nước, phía Mỹ tuyên bố hội đàm này là nhằm duy trì ổn định trong quan hệ Mỹ-Trung và ngăn ngừa mối quan hệ này đi trệch hướng và rơi vào xung đột.

Mỹ đã gọi Trung Quốc là đối thủ chiến lược chính của mình.

Mỹ và Trung Quốc có quan điểm ngày càng đối lập trong nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề Ukraine. Một số người e ngại các đối lập đó có thể dẫn đến tính toán sai lầm và xung đột giữa hai bên.

Quan ngại của Mỹ về thái độ của Trung Quốc

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, ông đã thảo luận thẳng với Ngoại trưởng Vương Nghị về việc Nga tấn công Ukraine, đồng thời bày tỏ quan ngại về việc Bắc Kinh “liên kết với Moscow”. Ngoại trưởng Blinken nói công khai rằng ông không tin Trung Quốc đang trung lập vì họ đã ủng hộ Nga ở Liên Hợp Quốc và “mở rộng các tuyên truyền của Nga”.

Theo Ngoại trưởng Blinken, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Putin vào ngày 13/6 đã thể hiện rõ rằng ông Tập ủng hộ quyết định xây dựng mối quan hệ đối tác với Nga.

Trước khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine vào ngày 24/2/2022, cả Nga và Trung Quốc đều tuyên bố về mối quan hệ đối tác “không có giới hạn” giữa 2 nước.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden bấy lâu nay hy vọng Trung Quốc với truyền thống phản đối sự can thiệp vào công việc nội bộ, cũng sẽ có sự phản đối tương tự đối với hành động của Nga ở Ukraine.

Giới chức Mỹ đã cảnh báo về các hậu quả, bao gồm trừng phạt, nếu Trung Quốc dành cho Nga sự ủng hộ về mặt vật chất trong xung đột ở Ukraine.

Trên thực tế, Mỹ cũng chưa thấy Trung Quốc cung cấp cho Nga thiết bị quân sự hoặc lẩn tránh các lệnh trừng phạt hà khắc của phương Tây nhằm vào Nga.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn tỏ ra không hài lòng trước thực tế Trung Quốc có quan điểm không rõ về vấn đề này. Theo Mỹ, như vậy có thể ảnh hưởng đến trật tự dựa trên luật lệ quốc tế. Ngoại trưởng Blinken tin rằng mọi nước, bao gồm cả Trung Quốc, đều bị ảnh hưởng nếu trật tự đó bị xói mòn.

Theo Ngoại trưởng Blinken, sự ủng hộ của Trung Quốc dành cho Nga trong xung đột Ukraine đang làm phức tạp quan hệ Mỹ-Trung trong bối cảnh hai bên đã căng thẳng sẵn trong nhiều vấn đề.

Mỹ đã theo dõi đầy cảnh giác khi Trung Quốc từ chối chỉ trích hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine. Không những vậy, Trung Quốc còn lên án các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga, đồng thời còn tố cáo Mỹ và NATO khiêu khích xung đột này.

Phản bác từ phía Trung Quốc

Về phần mình, Trung Quốc cũng có những chỉ trích ngược trở lại Mỹ. Ngay tại Hội nghị G20, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Ngoại trưởng Vương Nghị đã ngầm đề cập đến chính sách của Trung Quốc đối với sự ổn định toàn cầu khi nói rằng “đặt an ninh của riêng nước mình lên trên an ninh của các nước khác, tăng cường các khối quân sự sẽ chỉ chia rẽ cộng đồng quốc tế và làm cho bản thân thêm bất an”.

Bên cạnh đó, thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tố cáo Mỹ “công kích” hệ thống chính trị của Trung Quốc.

Ngoại trưởng Vương Nghị cũng bác bỏ một số quan điểm của Mỹ về Tân Cương, Hong Kong và Biển Đông…

Ông Vương cũng kêu gọi Mỹ dỡ bỏ các thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc càng sớm càng tốt, ngừng trừng phạt đơn phương các công ty của Trung Quốc cũng như ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

Ngoại trưởng Vương Nghị quy trách nhiệm cho Mỹ về tình trạng quan hệ song phương xấu đi. Theo góc nhìn của ông Vương, chính sách của Mỹ đã bị “trệch ray” do quan niệm của họ coi Trung Quốc là mối đe dọa.

Một thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Vương nói rằng “nhiều người tin là Mỹ đang bị ảnh hưởng bởi chứng sợ Trung Hoa”.

Mặc dù vậy, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này vẫn là đối tác thương mại chính của nhau. Tổng thống Mỹ Biden thậm chí còn tính đến việc dỡ bỏ thuế quan đối với một loạt hàng hóa Trung Quốc nhằm kiềm chế lạm phát gia tăng tại Mỹ ngay trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên