Mỹ theo đuổi chiến lược nào để răn đe chương trình tên lửa mới của Triều Tiên?
VOV.VN - Theo các chuyên gia, trên thực tế Mỹ và các đối tác trong khu vực có rất ít lựa chọn để đáp trả Triều Tiên ngoài các lệnh trừng phạt và chỉ trích sau các vụ phóng tên lửa mới đây của Bình Nhưỡng.
Triều Tiên đang gia tăng tần suất hành động mang tính khiêu khích bằng các cuộc thử nghiệm vũ khí quy mô nhỏ trong bối cảnh nước này đang nâng cấp kho vũ khí hạt nhân, đồng thời đặt chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trước những thách thức phải tìm ra giải pháp đối phó hiệu quả.
Tên lửa Triều Tiên có khả năng mang đầu đạn hạt nhân
Theo Quân đội Hàn Quốc, ngày 15/9 Triều Tiên phóng 2 tên lửa đạn đạo, chỉ 3 ngày sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa hành trình tầm xa mới, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Đây là các vụ thử tên lửa đáng chú ý nhất của Triều Tiên trong khoảng 6 tháng qua, diễn ra sau khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế cảnh báo Bình Nhưỡng đã khởi động lại một lò phản ứng quan trọng tại khu phức hợp vật liệu hạt nhân lớn nhất nước này, lần đầu tiên kể từ năm 2018.
Bà Melissa Hanham, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Hợp tác và An ninh Quốc tế thuộc Đại học Stanford cho rằng: “Kể từ khi Triều Tiên tuyên bố sở hữu đầu đạn hạt nhân, họ đã tự tìm cho mình những cách khác nhau để triển khai chúng. Đây là hành động điển hình của bất cứ nước nào sở hữu vũ khí hạt nhân. Cũng giống như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Pháp và Anh - họ có nhiều cách khác nhau để triển khai đầu đạn hạt nhân, Triều Tiên cũng đang cố gắng làm điều tương tự”.
Mặt khác, các chuyên gia cũng đánh giá kế hoạch của Triều Tiên dường như đã được điều chỉnh để tránh phản ứng dữ dội từ phía Nga và Trung Quốc.
“Triều Tiên muốn gây áp lực với Mỹ để được dỡ bỏ hoặc nới lỏng các lệnh trừng phạt, họ không muốn vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ phía Trung Quốc và Nga, bởi cả 2 nước này đều đang tìm cách ngăn cản việc tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng,” Giáo sư Leif-Eric Easley thuộc Đại học Ewha Womans tại Seoul, Hàn Quốc nhận định.
Động thái mới trong phát triển tàu ngầm?
Ngoài các vụ phóng tên lửa, các chuyên gia vũ khí quốc tế cũng đang theo dõi hoạt động mới tại một căn cứ hải quân của Triều Tiên, có khả năng liên quan đến chương trình phát triển tàu ngầm của nước này.
Theo nhà nghiên cứu Hanham, hoạt động đáng ngờ đã được phát hiện xung quanh nhà máy đóng tàu hải quân Sinpo, ở bờ biển phía Đông của Triều Tiên. Hiện một nhóm nhà nghiên cứu vẫn đang thu thập và phân tích hình ảnh vệ tinh chụp được về địa điểm này, nhưng chưa đưa ra kết luận những thay đổi tại đây có ý nghĩa như thế nào.
Những tiến bộ tiềm năng trong công nghệ hải quân của Triều Tiên được nhắc đến sau khi Bình Nhưỡng vào tháng 1/2021 giới công bố tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm mới và có kế hoạch thúc đẩy phát triển vũ khí hạt nhân “chiến thuật” tầm ngắn, tàu ngầm hạt nhân mới và tên lửa siêu thanh.
Theo phân tích của Sáng kiến đe dọa hạt nhân, tổ chức vận động không phổ biến vũ khí hạt nhân có trụ sở tại Mỹ, Triều Tiên có một trong những hạm đội tàu ngầm lớn nhất thế giới, với ước tính hơn 80 tàu.
Những tiến bộ về năng lực của tàu ngầm được coi là ngày càng quan trọng, đem lại cho Triều Tiên nhiều lựa chọn phóng tên lửa hơn và cũng đóng vai trò như “hàng rào” ngăn chặn bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào các hệ thống hạt nhân trên đất liền của Triều Tiên.
Mỹ không có nhiều lựa chọn ngoài trừng phạt và chỉ trích
Theo các chuyên gia, với việc khó có chuyện Trung Quốc và Nga thông qua các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Mỹ và các đồng minh cần các kế hoạch phối hợp để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Ông Kim Jong-ha, trưởng khoa Chiến lược và Quốc phòng tại Đại học Hannam ở Daejeon, Hàn Quốc, cho rằng, trên thực tế Mỹ và các các đối tác trong khu vực có rất ít lựa chọn để đáp trả Triều Tiên ngoài các lệnh trừng phạt và chỉ trích.
“Tôi nghĩ rằng Triều Tiên sẽ tiếp tục phóng tên lửa trong tương lai để thu hút sự chú ý của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản”, ông nói, đồng thời cho rằng, Bình Nhưỡng sẽ khó có thể thay đổi lập trường nếu không có áp lực lớn từ Bắc Kinh - đối tác thương mại chính và đồng minh của nước này.
Cố vấn của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, ông Uk Yang, nhận định các lệnh trừng phạt là “đòn bẩy duy nhất” có sẵn để đưa Triều Tiên trở lại đàm phán, nhưng ông thừa nhận Bình Nhưỡng “không có ý định” giải trừ hạt nhân.
Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều áp đặt hoặc tăng cường các biện pháp trừng phạt riêng đối với Triều Tiên, không phụ thuộc vào Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, cả 3 nước vẫn chưa đưa ra tín hiệu liệu họ có thể thực hiện các biện pháp tiếp theo để đối phó với các vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên hay không.
Ông Soo Kim, một nhà phân tích chính sách tại RAND Corporation có trụ sở tại Santa Monica, cho rằng, đối phó Triều Tiên giờ dường như không còn là ưu tiên của chính quyền Biden do có nhiều thách thức chính sách đối nội và đối ngoại khác.
Trong khi đó, các nỗ lực tiếp cận của Hàn Quốc với Triều Tiên cũng không đạt được nhiều tiến triển kể từ sau các hội nghị thượng đỉnh trực tiếp giữa Tổng thống Moon Jae-in với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Ryo Hinata-Yamaguchi, một học giả tại Đại học Tokyo và là tác giả của cuốn sách Kế hoạch Quốc phòng và Sự sẵn sàng của Triều Tiên, cho rằng, sẽ rất khó để thuyết phục Bình Nhưỡng quay lại đàm phán sau sự sụp đổ của những nỗ lực tiếp cận trước đó.
“Rõ ràng ngay từ đầu Triều Tiên đã không giảm tốc chương trình vũ khí của mình chứ đừng nói đến việc giải giáp. Triều Tiên đã đặt những lời hứa hẹn của Mỹ và Hàn Quốc năm 2018 làm đường cơ sở mới, có nghĩa là bất cứ điều gì thấp hơn những hứa hẹn đó đều không thể chấp nhận được. Do đó, sẽ khó tìm ra bất kỳ con đường khả thi nào cho đối thoại bền vững, chứ chưa nói đến việc giải trừ quân bị của Triều Tiên”, học giả Hinata-Yamaguchi nói.
Giáo sư Leif-Eric Easley tại Đại học Ewha Womans cho rằng mặc dù hạn chế về hợp tác quốc tế, song Mỹ và các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn có thể phối hợp để gây sức ép với Triều Tiên.
Theo đó, chính quyền Biden có thể khôi phục các cuộc tập trận quân sự với các đồng minh ở châu Á, vốn đã thu nhỏ quy mô trong thời kỳ đại dịch. Cho dù vấp phải rào cản Trung Quốc và Nga tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Mỹ và các đồng minh và đối tác khác vẫn có thể tìm cách áp trừng phạt với những đối tượng có liên quan đến Triều Tiên, trong đó có cả các công ty Trung Quốc./.