Mỹ - Trung: An ninh mạng và quan hệ nước lớn kiểu mới
(VOV) - Thách thức hiện nay đối với lãnh đạo và chính phủ 2 nước là đảm bảo rằng các yếu tố cạnh tranh không vượt ra ngoài khuôn khổ.
Sáng 8/6 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng Sunnylands, gần thành phố Los Angeles, California phía Tây nước Mỹ. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền lãnh đạo cao nhất ở Trung Quốc và Tổng thống Obama đắc cử nhiệm kỳ hai. Tại cuộc hội đàm, lãnh đạo hai nước đều bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ song phương, cũng như xác định một mô hình quan hệ “kiểu mới” giữa hai nước trong tương lai. An ninh mạng là một trong những chủ đề trọng tâm của cuộc gặp giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình. Đây là một thách thức thực sự nghiêm trọng đối với Mỹ vì ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Trung Quốc, nhất là chính phủ và quân đội nước này đã đánh cắp sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ, gây ra thiệt hại khổng lồ, ước tính lên tới 300 tỷ USD. Việc cuộc gặp cấp cao được tiến hành, bất chấp khả năng những vướng mắc chưa thể khắc phục, cho thấy cả Mỹ và Trung Quốc đều có thành ý gây dựng thời kỳ quan hệ mới. Trong ảnh: Tổng thống Mỹ Barack Obama đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng Sunnylands (Ảnh: Tân Hoa xã). |
Trong ngày hội đàm thứ 2 giữa ông Obama và Tập Cận Bình, hai bên đã giới thiệu tình hình và chính sách kinh tế của mỗi nước, đồng thời đi sâu trao đổi ý kiến về quan hệ kinh tế hai nước.
Tổng thống Obama cho rằng, quan hệ kinh tế giữa hai nước liên quan đến sự ổn định và phồn vinh của hai nước, có ảnh hưởng tích cực và to lớn đối với kinh tế thế giới. Mỹ khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc sang Mỹ đầu tư, sẵn sàng thúc đẩy việc nới lỏng xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao vào Trung Quốc, mong muốn cùng Trung Quốc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, năng lượng. Theo bà Bonnie Glaser, Cố vấn cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ, quan hệ Mỹ-Trung là sự pha trộn giữa hợp tác và cạnh tranh. Thách thức hiện nay đối với lãnh đạo và chính phủ 2 nước là đảm bảo rằng các yếu tố cạnh tranh không vượt ra ngoài khuôn khổ, gây tổn hại tới quan hệ hợp tác giữa 2 bên, tức là làm thế nào để kiểm soát và giải quyết những căng thẳng có thể xảy ra trong quan hệ kinh tế, hay chí ít là có thể kiểm soát được những bất đồng không thể giải quyết.
Trong ảnh: Hội đàm cấp cao giữa Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Tân Hoa xã). |
Đài truyền hình Syria tối 4/6 đưa tin quân đội chính phủ đã giành lại quyền kiểm soát thị trấn chiến lược al-Qusayr, sau ba tuần giao tranh ác liệt giữa các lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad và phe nổi dậy để giành giật thị trấn này.
Trong khi đó, kênh al-Manar cho biết quân chính phủ tiếp tục chiến dịch tại khu vực al-Qusayr, giành lại thêm những thị trấn chiến lược trong khu vực và cắt đứt các tuyến tiếp tế hậu cần của quân nổi dậy. Ngoài ra, lực lượng của ông Assad cũng đã tái chiếm thị trấn chiến lược Dhairej ở phía Đông al-Qusayr, giúp thắt chặt vòng vây quanh phe nổi dậy và đảm bảo lối ra vào thị trấn al-Qusayr. Việc quân đội Syria liên tiếp giành chiến thắng trong cuộc chiến với phe nổi dậy có thể khiến chính quyền của Tổng thống al-Assad có lợi thế lớn trong cuộc đàm phán hòa bình sắp tới do Nga và Mỹ bảo trợ tại Geneva. Trong ảnh: Xe tăng của quân đội Syria tiến về thị trấn al-Qusayr (Ảnh: Press TV) |
Trước đó, có những thông tin dẫn một cuộc phỏng vấn của Tổng thống Syria al-Assad cho rằng, hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-300 của Nga đã được giao cho Syria. Trước những thông tin này, ngày 4/6, Tổng thống Putin khẳng định, Nga vẫn chưa chuyển giao tên lửa S-300 cho quân đội Syria. Ông Putin đồng thời nhấn mạnh, chính quyền Nga không muốn “phá vỡ thế cân bằng lực lượng” tại khu vực. Dù bác bỏ thông tin này, song chính quyền Nga vẫn khẳng định thỏa thuận cung cấp tên lửa ký với Syria trước đây phù hợp với luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, Nga vẫn thận trọng khi xem xét việc chuyển giao vũ khí vào thời điểm hiện nay. Trước đó, cùng ngày, Người phát ngôn Bộ chỉ huy trung tâm Mỹ, Trung tướng T.G.Taylor cho biết, nước này sẽ triển khai các bệ phóng tên lửa Patriot và các máy bay chiến đấu F-16 tại Jordan, một nước láng giềng của Syria nhằm thực hiện các cuộc diễn tập quân sự. Trong ảnh: Hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-300 của Nga (Ảnh: Ria Novosti). |
Ngày 6/6, vợ chồng Tổng thống Nga Putin đã tuyên bố tại điện Kremlin rằng hôn nhân của họ giờ đã kết thúc. Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình nhà nước Russia 24, Tổng thống Putin nói “đây là quyết định chung của hai chúng tôi”.
Phu nhân Lyudmila Putin, đứng bên cạnh Tổng thống Putin hôm 6/6 sau khi xem 1 vở diễn ballet, cũng xác nhận điều này với truyền thông. Bà nói: “Tôi không thích việc xuất hiện nhiều trước công chúng, và việc phải thường xuyên đáp các chuyến bay là điều bất tiện đối với tôi”. Trong ảnh: Vợ chồng Tổng thống Putin tại 1 buổi lễ năm 2012 (Ảnh: Ria Novosti)
|
Tính đến ngày 8/6, trận lụt tồi tệ nhất tại châu Âu trong 70 năm qua đã khiến ít nhất 14 người chết, hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa và gây thiệt hại về kinh tế lên đến hàng tỷ euro khi quét qua Áo, Ðức, Czech và Slovakia. |
Ngày 4/6 đánh dấu tròn 100 ngày cầm quyền đầu tiên của nữ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye. Đánh giá lại, khoảng thời gian 100 ngày ngắn ngủi trong nhiệm kỳ Tổng thống 5 năm của bà Park đã bị phủ bóng đen bởi những căng thẳng quân sự giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, trong đó có lời đe dọa từ Bình Nhưỡng về một cuộc tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân. Bên cạnh đó, Tổng thống Park Geun Hye còn phải đối mặt với tình trạng bế tắc trong Quốc hội, một số quan chức cấp cao trong chính phủ từ chức và vụ bê bối tình dục ngoại giao gây chấn động… tất cả đều là dấu hiệu về một nhiệm kỳ không hề dễ dàng đối với nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên theo nhận định của các chuyên gia phân tích chính trị, bà Park Geun Hye đã ghi được những điểm đầu tiên. Trong chuyến thăm Washington vừa qua, Tổng thống Park Geun Hye đã từ chối việc đưa ra bất kỳ sự nhượng bộ nào đối với Bình Nhưỡng, bất chấp lo ngại rằng, Triều Tiên có thể đẩy tình hình trên bán đảo Triều Tiên đến bờ vực của chiến tranh. Khi Triều Tiên quyết định rút công nhân và đóng cửa Khu công nghiệp chung Keasong, Tổng thống Park Geun Hye cũng phản ứng bằng cách rút các nhà quản lý và công nhân của các công ty Hàn Quốc tại Khu công nghiệp này – một động thái được xem như không nhượng bộ trước Triều Tiên. Cũng theo thống kê của Viện Asan, sau khi trở về từ Washington - nơi bà Park Geun Hye có cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama và có bài phát biểu tại một phiên họp chung của Quốc hội Mỹ, tỷ lệ ủng hộ đối với bà là 69% Trong ảnh: Nữ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye (Ảnh: Reuters)
|
Với 244 phiếu thuận trong tổng số 342 ghế thành viên Quốc hội, Quốc hội Pakistan chiều 5/6 đã bỏ phiếu bầu ông Nawaz Sharif làm Thủ tướng Pakistan, hoàn tất quá trình chuyển giao quyền lực lịch sử tại quốc gia châu Á này.
Tuy nhiên theo nhận định, trên cương vị mới, ông Nawaz Sharif sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn của đất nước trong đó có vấn đề thiếu hụt nguồn điện trong nước và các cuộc tấn công của phiến quân. Bản thân Thủ tướng Nawaz Sharif khi phát biểu trước Quốc hội ngay sau khi được bầu làm Thủ tướng mới của Pakistan cũng thừa nhận các thách thức mà ông đang phải đối mặt, đồng thời cam kết nỗ lực cải thiện cuộc sống của người dân nước này. Ông Sarip nhấn mạnh củng cố nền kinh tế là vấn đề ưu tiên trong nhiệm kỳ của ông. Trong ảnh: Tân Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif (Ảnh: Getty Images).
|