Mỹ-Trung “đụng nhau chan chát” trong vấn đề Biển Đông
VOV.VN - Phía Mỹ cho rằng, Trung Quốc đã “coi thường lợi ích quốc gia của các nước khác và phớt lờ luật pháp quốc tế” trong vấn đề Biển Đông.
Mỹ lo ngại Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông
Theo Reuters, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La vào cuối tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định, việc Trung Quốc cải tạo phi pháp các bãi đá ở Biển Đông thành đảo nhân tạo và xây dựng trái phép các công trình quân sự trên đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định trong khu vực.
Hình ảnh vệ tinh Trung Quốc cải tạo phi pháp một bãi đá thành đảo nhân tạo ở Biển Đông và xây dựng trái phép các công trình trên đó. Ảnh: CSIS
“Quy mô và ảnh hưởng của hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở Biển Đông là rất đáng lo ngại”, ông Mattis nhấn mạnh: “Hoạt động quân sự hóa bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc cho thấy họ đang coi thường lợi ích quốc gia của các nước khác”.
“Chúng tôi phản đối việc quân sự hóa các đảo nhân tạo và áp đặt các tuyên bố chủ quyền trên biển một cách thái quá và không tuân thủ luật pháp quốc tế. Chúng tôi sẽ không bao giờ chấp thuận những hành động đơn phương và o ép nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông”, ông Mattis nói thêm.
Cũng theo ông Mattis, các tàu và máy bay chiến đấu của Mỹ sẽ “không vì thế mà không tiếp tục hoạt động tại Biển Đông”. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định, các chiến dịch “đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông” sẽ vẫn tiếp diễn bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động tại mọi khu vực mà luật pháp quốc tế cho phép. Điều này thể hiện quyết tâm của chúng tôi trong việc duy trì hiện diện tại Biển Đông và nhiều khu vực khác”, ông Mattis nhấn mạnh.
“Chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải của chúng tôi trong khu vực thể hiện rõ ràng rằng Mỹ sẵn sàng bảo vệ lợi ích của chúng tôi cũng như đảm bảo rằng mọi quyền tự do theo luật pháp quốc tế phải được tôn trọng”, ông Mattis nói thêm.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis cũng lên tiếng trấn an các đồng minh rằng, Chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump sẽ tiếp tục duy trì chính sách “xoay trục sang châu Á” của người tiền nhiệm Barack Obama, theo đó, Mỹ sẽ tập trung vào việc hợp tác với các đồng minh để cùng tìm ra một giải pháp ngoại giao cho vấn đề Biển Đông.
Tổng thống Mỹ Trump quyết không để Trung Quốc độc chiếm Biển Đông
Trung Quốc nhắc đi nhắc lại giọng điệu sai trái
Về phần mình, phía Trung Quốc đã công khai bày tỏ thái độ “thất vọng” trước tuyên bố của ông Mattis về vấn đề Biển Đông mà theo phía Trung Quốc là “rất vô trách nhiệm”.
Nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh lại nhắc lại tuyên bố mà nước này nhiều lần đưa ra rằng, việc Trung Quốc xây dựng các cơ sở trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông là nhằm “cải thiện điều kiện làm việc cho những người đang đồn trú tại đó” cũng như giúp Trung Quốc “thực thi đầy đủ bổn phận quốc tế”.
Bà Hoa Xuân Doanh còn lên tiếng khẳng định rằng, hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông là “không hề mang tính chất quân sự hóa” dù trên thực tế đã có rất nhiều hình ảnh vệ tinh ghi lại hình ảnh các cơ sở quân sự của Trung Quốc tại các đảo nhân tạo nói trên.
Thậm chí, bà Hoa Xuân Doanh còn không ngần ngại cho rằng, các nước trong khu vực đã “rất nỗ lực để hạ nhiệt căng thẳng” và cáo buộc các thế lực bên ngoài “cố tình đi ngược xu hướng này, đưa ra rất nhiều tuyên bố sai trái, phớt lờ sự thật và tìm cách “đổi trắng thay đen” phục vụ cho mục đích mờ ám của họ”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: “Trung Quốc kịch liệt phản đối hành động này và kêu gọi các bên có liên quan dừng đưa ra những tuyên bố vô trách nhiệm cũng như cần tôn trọng nỗ lực của các quốc gia trong khu vực nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông và đóng vai trò xây dựng trong vấn đề này”.
Một lần nữa, bà Hoa Xuân Doanh khẳng định Trung Quốc “có chủ quyền không thể tranh cãi ở quần đảo Trường Sa nơi Hải quân Mỹ tuần trước vừa điều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Deway áp sát một đảo nhân tạo [Bãi Vành khăn-ND] tại đây [trên thực tế Trung Quốc không hề có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa-ND].
Bà Hoa Xuân Doanh còn tuyên bố, Trung Quốc rất tôn trọng quyền tự do đi lại nhưng “cực lực phản đối việc một số quốc gia cố tình phô trương thanh thế ở Biển Đông dưới chiêu bài “đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông” nhằm thách thức và đe dọa chủ quyền và an ninh của Trung Quốc” [trong khi đó, chính Trung Quốc từng bị nhiều quốc gia- gần đây nhất là Australia- chỉ trích là “bắt nạt các nước láng giềng” và yêu cầu dừng ngay hành động này lại-ND].
Trước những chỉ trích của Mỹ về việc Trung Quốc là “tác nhân gây bất ổn trong khu vực”, bà Hoa Xuân Doanh cho rằng, tình hình ở Biển Đông đang được cải thiện và cho thấy những dấu hiệu tích cực nhờ “thiện chí hợp tác của Trung Quốc và các đối tác trong khu vực”.
Để viện dẫn cho điều này, bà bà Hoa Xuân Doanh dẫn chứng việc Trung Quốc và Philippines đã lần đầu họp tham vấn về việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông cũng như việc Trung Quốc và ASEAN đã đạt được một khuôn khổ chung về việc sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) ở Biển Đông để giải quyết tranh chấp trong khu vực./.
Tuyên bố G7 giáng đòn mạnh vào chính sách của Trung Quốc về Biển Đông?