Mỹ viện trợ cho Ukraine chỉ làm chậm bước tiến, không cản được Nga?
VOV.VN - Một quan chức cấp cao của Ukraine thừa nhận với Financial Times rằng nguồn cung vũ khí bổ sung sau khi gói viện trợ quân sự 61 tỷ USD được Hạ viện Mỹ thông qua sẽ "giúp làm chậm bước tiến của Nga nhưng không ngăn chặn được lực lượng Mosow".
Những lô vũ khí mới sẽ sớm được chuyển đến chiến tuyến ở Ukraine sau khi Hạ viện Mỹ hôm 20/4 bỏ phiếu thông qua gói viện trợ quân sự trị giá 61 tỷ USD bị trì hoãn từ lâu để đối phó với các lực lượng Nga. Gói viện trợ này cũng đã được Thượng viện Mỹ thông qua ngày 23/4 trước khi trình lên Tổng thống Biden phê duyệt.
“Chúng tôi nghĩ rằng các đối tác đã bỏ quên chúng tôi”, một sĩ quan tình báo Ukraine có biệt hiệu Bankir nói với CNN.
Gói viện trợ quân sự không chỉ được người Ukraine chờ đợi mà chính chính quyền Tổng thống Biden cũng rất muốn nhanh chóng chuyển đến Ukraine những vũ khí mà họ cần.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 22/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục nhấn mạnh "cam kết lâu dài" với Ukraine khi nước này đối đầu Nga trong cuộc xung đột đã bước sang năm thứ ba.
Ông cho biết Mỹ sẽ "nhanh chóng cung cấp các gói hỗ trợ an ninh mới quan trọng để đáp ứng nhu cầu phòng không và chiến trường cấp bách của Ukraine".
Tổng thống Volodymyr Zelensky cùng ngày đăng trên mạng xã hội cảm ơn người đồng cấp Mỹ vì "sự ủng hộ không ngừng nghỉ" dành cho Ukraine. Theo lãnh đạo Ukraine, Tổng thống Biden đã nói với ông rằng vũ khí và khí tài bổ sung "sẽ mạnh mẽ, giúp tăng cường sức mạnh phòng không cũng như khả năng pháo binh và tấn công tầm xa" của Kiev.
Tuy nhiên, theo đánh giá của giới quan sát, trong khi gói viện trợ của Mỹ và đồng minh có khả năng làm mất đi động lực của Nga và mang lại cho Ukraine sự hỗ trợ rất cần thiết trong những tháng tới, thì điều đó không đảm bảo chiến thắng cho Kiev.
Chạy đua với thời gian
Mark Warner, chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, nói với chương trình “Face the Nation” của CBS hôm 21/4 rằng thiết bị quân sự sẽ “được vận chuyển vào cuối tuần”.
Ukraine đang chạy đua với thời gian. Quân đội nước này đang cạn kiệt nguồn cung cấp đạn dược, pháo binh và đang phải vật lộn để chống lại các cuộc tấn công ngày càng gia tăng của Nga. Trong khi đó, hệ thống phòng không của Kiev đang thiếu tên lửa, đồng nghĩa với việc Nga ngày càng có khả năng nhắm mục tiêu vào các thành phố và nhà máy điện của Ukraine.
Trong những tuần gần đây, các nhà lãnh đạo Ukraine ngày càng đưa ra nhiều cảnh báo rõ ràng rằng nước này sẽ phải đối mặt với nguy cơ thất bại trước Nga nếu không nhận được thêm viện trợ từ các đồng minh.
Các nhà phân tích cho rằng dự luật viện trợ sẽ tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine trước cuộc tấn công của Nga có thể được tiến hành vào mùa hè này.
Tên lửa do Mỹ sản xuất đóng vai trò quan trọng đối với Ukraine trong việc nhắm mục tiêu vào các tuyến tiếp tế và các điểm tập trung quân của Nga, trong khi pháo binh rất quan trọng để bảo vệ các vị trí của nước này khỏi các cuộc tấn công.
Khoản viện trợ sẽ cho phép Ukraine bổ sung nguồn cung cấp các loại vũ khí quan trọng này. Các nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh, một tổ chức tư vấn của Mỹ, cho biết Ukraine "có thể sẽ có đủ khả năng ngăn chặn cuộc tấn công hiện tại của Nga nếu sự hỗ trợ của Mỹ được nối lại kịp thời".
Một quan chức cấp cao của Ukraine thừa nhận với Financial Times rằng nguồn cung vũ khí được bổ sung sẽ "giúp làm chậm bước tiến của Nga nhưng không ngăn chặn được lực lượng Moscow".
Một lý do giải thích cho điều này là Nga đã đạt được ưu thế trên không ở nhiều khu vực. Một vấn đề khác là các lực lượng Ukraine dường như đã mệt mỏi vì không có đủ quân và sau hơn hai năm chiến đấu gian khổ, Kiev dường như chưa sẵn sàng triển khai đợt huy động thêm quân lớn.
Tương lai không chắc chắn cho Ukraine
Những thách thức phía trước gần như không thể vượt qua đối với Ukraine. Nga có nền kinh tế thời chiến đang phát triển nhanh chóng và hiện đã xây dựng được lực lượng quân sự khổng lồ sẵn sàng làm tất cả để đạt được các mục tiêu.
Trong một kịch bản xấu với Ukraine, nếu Nga có thể đạt được thành công đáng kể trong mùa hè, có lẽ bao gồm cả việc chiếm được Kharkov - thành phố thứ hai của Ukraine, thì phương Tây sẽ không muốn chi tiêu nhiều hơn vào mùa đông.
Viễn cảnh ảm đạm này sẽ trở nên tồi tệ hơn do sự không chắc chắn gia tăng xung quanh cuộc tổng tuyển cử ở cả Mỹ và Anh. Có vẻ như, Nga sẽ biến khởi đầu không mấy suôn sẻ thành kết thúc tốt đẹp. Kết quả này do chính sự thiếu quyết tâm hỗ trợ từ các đồng minh phương Tây của Ukraine.
Các chuyên gia từ lâu đã nhận định rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tìm cách dập tắt sự phản kháng của Ukraine, lợi dụng thực tế là cam kết hỗ trợ lâu dài của phương Tây dành cho Ukraine vẫn chưa có gì chắc chắn.
Oleksiy Goncharenko, một thành viên quốc hội Ukraine, viết trên X hôm 20/4 nhắc nhở mọi người rằng, ngân sách quốc phòng của Nga lên đến 100 tỷ USD, việc Mỹ thông qua gói viện trợ cho Ukraine là điều tốt nhưng không đảm bảo cho chiến thắng và Kiev còn rất nhiều việc phải làm.
George Beebe, cựu lãnh đạo đơn vị phân tích Nga của CIA, nói với Business Insider gần đây rằng, ngay cả với khoản tiền khổng lồ được bơm vào, có lẽ cũng là không đủ để Ukraine có thể phát động chiến dịch đẩy lùi lực lượng Nga.
Trong khi đó, khoản viện trợ chỉ có thể giải được “cơn khát” trước mắt, còn về lâu dài, viện trợ của Washington dành cho Kiev vẫn là dấu hỏi lớn, đặc biệt khi ông Donald Trump – người đang chạy đua vào Nhà Trắng trong cuộc bầu cử tháng 11/2024 đã không ít lần lên tiếng phản đối việc rót tiền vào cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga.
Khác với Mỹ, các đồng minh châu Âu của Ukraine dường như không có nhiều dao động trong cam kết giúp đỡ Ukraine. Tuy vậy, các nước này đã phải vật lộn để sản xuất đủ đạn dược và thiết bị bù đắp cho sự thiếu hụt viện trợ của Mỹ trong năm nay.
Nhiều nhà quan sát cho rằng rằng điều tốt nhất Ukraine có thể hy vọng là sử dụng khoản viện trợ mới nhất của Mỹ và đồng minh để củng cố vị thế hiện tại, tiếp tục gây tổn thất cho Nga và hy vọng rằng các đồng minh của họ sẽ tiếp tục viện trợ vào năm tới.
Một cựu sĩ quan Ukraine điều hành bản tin Frontelligence Insight cho biết: “Gói viện trợ lớn như vậy có thể là gói cuối cùng trong năm nay. Hơn nữa, có khả năng khá cao là tất cả các gói viện trợ tiếp theo dành cho Ukraine sẽ có quy mô nhỏ hơn nhiều”.
Để Ukraine cảm thấy đủ tự tin có thể giành chiến thắng trong cuộc xung đột với Nga, nước này cần thêm viện trợ quân sự sau năm 2024 nhưng hiện tại không có gì đảm bảo điều đó.