Mỹ vô tình đẩy Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần Iran và Venezuela?
VOV.VN - Việc Mỹ trừng phạt Iran và Venezuela không thể ngăn Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường hợp tác với những nước này.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ cuối cùng sẽ phản tác dụng, tác động ngược đến chính Washington, chính trị gia kỳ cựu Dogu Perincek thuộc Đảng Yêu nước Thổ Nhĩ Kỳ nói với Sputnik, nhấn mạnh rằng Ankara không ủng hộ nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump gây sức ép với Iran và Venezuela.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan (đeo kính) và Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Ảnh: AP.
Ông Dogu Perincek, Chủ tịch đảng "Vatan" cánh tả của Thổ Nhĩ Kỳ cũng nói thêm rằng, Mỹ đã mất đi ảnh hưởng ở “sân sau” của mình.
“Trong thực tế, thông qua các lệnh cấm vận, Mỹ đang áp đặt các biện pháp chống lại chính họ. Đầu tiên, Mỹ áp đặt lệnh cấm vận chống lại Iran, Venezuela, Nga và cố gắng áp đặt một phần các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc… Sau đó, Mỹ tuyên bố sẽ đưa ra hạn chế chống lại những nước không tuân thủ lệnh trừng phạt chống Iran và không làm theo chỉ dẫn của Washington”, ông Perincek nói.
Ông Perincek nhấn mạnh thêm rằng chiến lược này cuối cùng sẽ phản tác dụng.
Ngoài ra, những biện pháp trừng phạt của chính quyền Tổng thống Trump đang làm “đổ gẫy” các trụ cột của liên minh xuyên Đại Tây Dương. Trước khi quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Mỹ đã dành hàng tháng trời đàm phán với các đối tác trong liên minh châu Âu về khả năng “sửa chữa” những điều khoản của thỏa thuận hạt nhân, trong đó kiềm chế Iran sản xuất vật liệu hạt nhân.
Rõ ràng với tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà các cường quốc thế giới đã phải “lao tâm khổ tứ” mới có được, Mỹ có nguy cơ xa lánh với những đồng minh lâu năm của họ ở châu Âu như Đức, Pháp và Anh.
“Cuối cùng, hóa ra là Mỹ giới thiệu các biện pháp trừng phạt chống lại chính họ. Và đó là lý do tại sao không ai phải run sợ trước các biện pháp trừng phạt của Washington”, ông Perincek nói.
Sau tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hôm 8/5, Mỹ đã công khai đe dọa áp đặt các lệnh trừng phạt chưa từng có nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo này. Cùng với đó, Mỹ cũng chĩa mũi dùi công kích vào Venezuela khi gọi cuộc bầu cử hôm 20/5 ở nước này với chiến thắng thuộc về đương kim Tổng thống Nicolas Maduro là “giả tạo”.
Chỉ một ngày sau cuộc bầu cử này, chính quyền Tổng thống Trump đã đưa ra các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Venezuela. Tung đòn trừng phạt chưa từng có với Iran, Mỹ mất bạn thêm thù?
Thổ Nhĩ Kỳ không “bỏ mặc” Iran và Venezuela
Trái ngược với thái độ đầy thù địch của Mỹ, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng khẳng định sẽ tiếp tục duy trì quan hệ với Venezuela.
“Chúng tôi rất vui mừng vì cuộc bầu cử được tổ chức ở Venezuela ngày 20/5 đã kết thúc trong bầu không khí hòa bình… Trong nhiệm kỳ mới này, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục nỗ lực để cải thiện quan hệ với Venezuela trên tất cả các lĩnh vực và để hỗ trợ người dân cũng như Chính phủ Venezuela”, Hurriyet Daily News dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ.
Tương tự như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ cũng không muốn cắt đứt quan hệ với Iran bất chấp sự bất mãn của Washington.
Ông Perincek cho biết: “Mối quan hệ thương mại và văn hóa giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iran sẽ ngày càng được tăng cường sau khi Mỹ đưa ra các biện pháp trừng phạt mới. Iran là một đối tác thương mại quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ. An ninh năng lượng của chúng tôi được đảm bảo thông qua hợp tác với Iraq, Iran, Azerbaijan và Nga”.
Ông Perincek nhấn mạnh, nếu trong tương lai, đảng "Vatan" của ông lên nắm quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ thì Ankara sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với các quốc gia nói trên, bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ.
“Đảng của chúng tôi ủng hộ sự hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các nước trong khu vực và các nước Tây Á, tăng cường mối quan hệ với các khu vực ở cả châu Á và châu Âu, cũng như việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO)”. Được châu Âu ủng hộ, Iran “rắn mặt” với Mỹ
Đối với trường hợp của Venezuela, ông Perincek nhấn mạnh rằng, cuộc bầu cử ở nước này đã thành công bởi nó thể hiện ý chí của người dân.
“Mỹ giờ đây đang đưa ra lời đe dọa nhằm vào Venezuela mà cụ thể là việc áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại đất nước này. Nam Mỹ từng được coi là ‘sân sau’ của Mỹ trong một thời gian dài nhưng giờ đây Washington đang mất dần ảnh hưởng ở khu vực này. Trong tương lai, mối quan hệ hợp tác giữa Mỹ Latin và Á Âu sẽ ngày càng được tăng cường”, ông Perincek nhận định.
Hiện tại, Liên minh châu Âu (EU) cũng đang xem xét thực hiện một đạo luật ngăn chặn, nhằm bảo vệ các công ty châu Âu khỏi các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Về phần mình, Trung Quốc đã phát đi tín hiệu rằng nước này sẽ tiếp tục duy trì hợp tác với Iran sau khi ông Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Cả Trung Quốc và Nga đều kêu gọi các bên tham gia ký kết thỏa thuận này tiếp tục giữ vững cam kết dù không có Mỹ.
Được biết, Nga, Trung Quốc, Pháp, Đức và Anh theo kế hoạch sẽ tổ chức một cuộc họp trong tuần này tại Vienna, Áo để bàn về thỏa thuận hạt nhân Iran./. Châu Âu trả lời Mỹ: “Không thể thay thế thỏa thuận hạt nhân Iran”
Dọa tung đòn trừng phạt mạnh nhất lịch sử, Mỹ đang gây chiến với Iran?