Mỹ xoay xở kiểm soát “chiếc hộp Pandora” đầy rủi ro từ Syria hậu chế độ Assad

VOV.VN - Đối mặt với cuộc khủng hoảng mới ở Trung Đông vào phút chót trước khi rời nhiệm sở, chính quyền Tổng thống Biden hy vọng có thể kiểm soát được “hộp Pandora” chứa đầy những mối đe dọa có thể xuất hiện từ một Syria hậu chế độ Assad.

“Chiếc hộp Pandora” đầy rủi ro

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang trông cậy vào Thổ Nhĩ Kỳ để truyền đi thông điệp tới Hayat Tahrir al-Sham, tổ chức đã lật đổ ông Bashar al-Assad và bị Washington chỉ định là một tổ chức khủng bố. Mỹ đang tìm cách tiếp cận các nhóm ở Syria và quanh Trung Đông khi các lực lượng giành chiến thắng bắt đầu định hình tương lai của nước này sau khi Tổng thống Assad bị lật đổ.

Hoạt động ngoại giao không chính thức trong giai đoạn rủi ro này phải diễn ra thông qua các kênh bên ngoài Syria vì Mỹ đã đóng cửa Đại sứ quán tại Damascus năm 2012 và không có nhân viên ngoại giao ở đây. Bộ Ngoại giao duy trì một văn phòng về Syria tại phái bộ của mình ở Thổ Nhĩ Kỳ - nơi chính phủ đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các lực lượng dân quân Syria, bao gồm cả lực lượng mạnh nhất là Hayat Tahrir al-Sham.

Đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới ở Trung Đông vào phút chót trước khi rời nhiệm sở, chính quyền Tổng thống Biden hy vọng có thể kiểm soát được “hộp Pandora” chứa đầy những mối đe dọa có thể xuất hiện từ một Syria hậu Assad. Trong số đó có sự trỗi dậy của những kẻ khủng bố chống Mỹ, những mối nguy hiểm mới với nước láng giềng Israel và nguy cơ bùng phát bạo lực có thể khiến nhiều người phải chạy khỏi đất nước.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã trao đổi với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan và là cựu Giám đốc tình báo vào 7/12 khi các lực lượng đối lập di chuyển nhanh chóng về phía Damascus, thủ đô của Syria.

Theo bản tóm tắt cuộc điện đàm của Bộ Ngoại giao, ông Blinken đã "nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ dân thường, bao gồm cả các thành viên của các nhóm thiểu số trên khắp Syria". Rõ ràng ông Blinken muốn ông Fidan truyền đạt thông điệp đó đến các lực lượng nổi dậy.

Trong khi Mỹ coi Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác có thể sẽ hữu ích thì xét đến mối quan hệ chặt chẽ với lực lượng nổi dậy, các quan chức Mỹ cũng cảnh giác về những tính toán của nước này với lực lượng người Kurd được Washington hậu thuẫn.

Ngày 8/12, theo bản tóm tắt cuộc điện đàm từ Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin III đã trao đổi với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Yasar Guler, một phần để "tránh mọi rủi ro cho các lực lượng và đối tác của Mỹ cũng như liên minh chống IS".

Chính quyền Tổng thống Biden đang tăng cường trao đổi về Syria với các đồng minh khác trong khu vực. Nhà Trắng hôm 9/12 cho biết cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan sẽ bay tới Israel tuần này để trao đổi với các quan chức ở đây về các diễn biến liên quan tại Gaza, Syria, Lebanon và Iran.

Sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Tổng thống Assad đã khiến cả Israel và Mỹ bất ngờ. Quân đội Israel đã tiến vào Syria cuối tuần qua và nhanh chóng tăng cường phòng thủ ở Cao nguyên Golan; đồng thời tiến hành không kích vào các kho vũ khí hóa học ở Syria.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Matthew Miller nói với báo giới ngày 9/12 rằng các quan chức Mỹ có "một số cách liên lạc" với các lãnh đạo phe nổi dậy, "đôi khi là trao đổi trực tiếp với các nhóm, đôi khi là qua các bên trung gian cả trong và ngoài Syria".

Toan tính của các bên giữa tình cảnh rối ren ở Syria

VOV.VN - Mỹ, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đồng loạt tiến hành các cuộc không kích trên khắp Syria với tuyên bố bảo vệ lợi ích của mình sau khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ. Trong khi đó cả Nga và Iran đều có những mối bận tâm riêng.

Lập trường thận trọng của Washington

Mỹ vẫn giữ thái độ thận trọng với Hayat Tahrir al-Sham và lãnh đạo 42 tuổi của lực lượng này - ông Abu Mohammed al-Jolani kể từ khi cựu Tổng thống Barack Obama chỉ định đây là một nhóm khủng bố.

"Chúng tôi đang theo dõi sát sao các diễn biến và hợp tác với các đối tác của chúng tôi trong khu vực", ông Blinken cho biết trong một thông báo ngày 8/12. Ông cũng nói thêm rằng: “Chúng tôi ghi nhận tuyên bố của các lãnh đạo lực lượng nổi dậy trong những ngày gần đây nhưng khi họ đảm nhận trách nhiệm nhiều hơn, chúng tôi không chỉ đánh giá qua lời nói mà còn cả hành động".

Ngoại trưởng Anh David Lammy cũng có nhận định tương tự hôm 9/12. Ít nhất một quan chức trong nội các Anh đã gợi ý rằng chính phủ nước này có thể dỡ bỏ chỉ định khủng bố với Hayat Tahrir al-Sham trong những điều kiện phù hợp.

Một quan chức cấp cao Mỹ ngày 8/12 cho biết hiện còn quá sớm để thảo luận về việc liệu Mỹ có thể dỡ bỏ lệnh trừng phạt với Hayat Tahrir al-Sham hay không. Tuy nhiên, quan chức này đã gợi ý theo như một tuyên bố của ông Blinken rằng nhóm này sẽ nhận được sự dỡ bỏ đó bằng những hành động cụ thể.

Colin P. Clarke, một nhà phân tích chống khủng bố tại Soufan Group, một công ty tư vấn an ninh có trụ sở tại New York, gọi bất kỳ sự mềm mỏng nào của Mỹ đối với ông Jolani là "một rủi ro lớn". Theo ông, cả ông Assad và ông Jolani đều không nên điều hành Syria nhưng chính sách của Mỹ cần phải “giải quyết các vấn đề trên thực địa chứ không phải những kịch bản lý tưởng".

Chính phủ Mỹ đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với ông Assad vào năm 2012 khi cuộc nổi dậy bắt đầu vào năm trước đó leo thang thành một cuộc nội chiến tàn khốc. Robert Ford, Đại sứ Mỹ khi đó đã thúc đẩy chính quyền ông Obama chỉ định Mặt trận Al Nusra - tiền thân của Hayat Tahrir al-Sham là một nhóm khủng bố vì các chiến binh của nhóm này đã kích nổ 2 quả bom tự sát ở Damascus vào tháng 12/2011. Theo chính phủ Syria, các vụ nổ bên ngoài văn phòng của một cơ quan an ninh đã khiến ít nhất 44 người, hầu hết là dân thường, thiệt mạng.

Ông Ford cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn hôm 9/12 rằng hiện ông sẽ khuyên chính quyền Tổng thống Biden xem xét đưa Hayat Tahrir al-Sham ra khỏi danh sách khủng bố vì dường như nhóm này đã áp dụng những ý tưởng và chiến thuật ôn hòa hơn. Theo ông, nhóm này đã tách khỏi IS và Al Qaeda nhiều năm trước và đã chiến đấu chống cả hai tổ chức này. Ông Ford cũng cho rằng chính quyền Tổng thống Biden nên đảm bảo rằng họ có các kênh liên lạc với những bên tham gia chính và nên khuyến khích các đối tác của mình, đặc biệt là lực lượng dân quân người Kurd và các nhóm chính trị ở phía Đông Bắc tham gia vào các tiến trình chính trị.

Lầu Năm Góc đã duy trì 900 quân nhân Mỹ ở Đông Bắc Syria, nơi họ làm việc với các chiến binh người Kurd trong các hoạt động chống IS. Tuy nhiên, lực lượng người Kurd đang cố gắng chống lại các cuộc tấn công của các nhóm vũ trang được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

Ông Ford cho biết: "Thay vì quản lý một tiến trình hoặc sự hỗ trợ chính trị thì tốt hơn là tham gia với một khoảng cách nhất định và đóng vai trò khuyến khích". Các quan chức cấp cao Lầu Năm Góc thông báo, quân đội Mỹ sẽ vẫn ở Syria, ít nhất là trong thời điểm hiện tại để tiếp tục nỗ lực ngăn chặn IS quay trở lại.

Daniel Shapiro, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách Trung Đông, phát biểu tại một hội nghị an ninh ở Manama, Bahrain rằng Lầu Năm Góc sẽ thúc đẩy "sự thất bại lâu dài của Nhà nước Hồi giáo, để đảm bảo giam giữ an toàn các chiến binh IS và hồi hương những người phải rời bỏ nhà cửa".

Các chiến đấu cơ của Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích vào một số địa điểm của IS ở miền Trung Syria ngày 8/12, đánh trúng hơn 75 mục tiêu, các quan chức nước này cho hay.

"Không còn nghi ngờ gì nữa - chúng tôi sẽ không cho phép IS tập hợp lại lực lượng và lợi dụng tình hình hiện tại ở Syria", Tướng Michael Erik Kurilla, Người đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ, đơn vị giám sát các hoạt động ở Trung Đông, khẳng định. 

"Tất cả các tổ chức ở Syria nên biết rằng chúng tôi sẽ buộc họ phải chịu trách nhiệm nếu họ hợp tác hoặc hỗ trợ IS theo bất kỳ cách nào".

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Syria đối mặt với giai đoạn nhiều rủi ro và bất ổn thời kỳ hậu Assad
Syria đối mặt với giai đoạn nhiều rủi ro và bất ổn thời kỳ hậu Assad

VOV.VN - Syria sẽ phải đối mặt với một giai đoạn có nhiều rủi ro và bất ổn thời kỳ hậu Bashar al-Assad. Việc chuyển giao quyền lực cho nhiều nhóm đối lập dự báo sẽ rất phức tạp, mất nhiều thời gian, cùng nỗi lo khủng bố trỗi dậy và những toan tích lợi ích từ quốc tế.

Syria đối mặt với giai đoạn nhiều rủi ro và bất ổn thời kỳ hậu Assad

Syria đối mặt với giai đoạn nhiều rủi ro và bất ổn thời kỳ hậu Assad

VOV.VN - Syria sẽ phải đối mặt với một giai đoạn có nhiều rủi ro và bất ổn thời kỳ hậu Bashar al-Assad. Việc chuyển giao quyền lực cho nhiều nhóm đối lập dự báo sẽ rất phức tạp, mất nhiều thời gian, cùng nỗi lo khủng bố trỗi dậy và những toan tích lợi ích từ quốc tế.

Mỹ cảnh báo IS sẽ tìm cách trỗi dậy ở Syria
Mỹ cảnh báo IS sẽ tìm cách trỗi dậy ở Syria

VOV.VN - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 9/12 cảnh báo rằng tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) sẽ tìm cách tận dụng thời hiện tại để xây dựng lại năng lực ở Syria. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh, Mỹ sẽ không cho phép điều này diễn ra.

Mỹ cảnh báo IS sẽ tìm cách trỗi dậy ở Syria

Mỹ cảnh báo IS sẽ tìm cách trỗi dậy ở Syria

VOV.VN - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 9/12 cảnh báo rằng tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) sẽ tìm cách tận dụng thời hiện tại để xây dựng lại năng lực ở Syria. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh, Mỹ sẽ không cho phép điều này diễn ra.

Thủ tướng Syria đồng ý chuyển giao quyền lực cho phe đối lập HTS
Thủ tướng Syria đồng ý chuyển giao quyền lực cho phe đối lập HTS

VOV.VN - Thủ tướng Syria Mohammed Jalali ngày 11/12 cho biết ông đồng ý trao quyền lực cho “Chính phủ Cứu nguy” do phe đối lập lãnh đạo, một ngày sau khi lực lượng này chiếm thủ đô Damascus, lật đổ chính quyền và buộc Tổng thống Assad phải sang Nga tị nạn.

Thủ tướng Syria đồng ý chuyển giao quyền lực cho phe đối lập HTS

Thủ tướng Syria đồng ý chuyển giao quyền lực cho phe đối lập HTS

VOV.VN - Thủ tướng Syria Mohammed Jalali ngày 11/12 cho biết ông đồng ý trao quyền lực cho “Chính phủ Cứu nguy” do phe đối lập lãnh đạo, một ngày sau khi lực lượng này chiếm thủ đô Damascus, lật đổ chính quyền và buộc Tổng thống Assad phải sang Nga tị nạn.