Nắng nóng tại Ấn Độ và Pakistan: Thử thách đa chiều với con người
VOV.VN - Tiểu lục địa Nam Á đang trải qua một mùa xuân hè lạ thường và khắc nghiệt. Với vị trí địa lý của Ấn Độ và Pakistan, việc trải qua những đợt nắng nóng khắc nghiệt trong mùa hè không phải là chuyện hiếm.
Vậy nhưng đợt nắng nóng khắc nghiệt những tuần qua, và dự kiến sẽ còn tiếp tục kéo dài trong tháng 5 vẫn khiến dư luận chú ý.
Mùa hè của các kỷ lục
Hai quốc gia Nam Á là Ấn Độ, Pakistan đang trải qua một mùa xuân hè của những kỷ lục về thời tiết, khắc nghiệt hơn và lạ thường hơn. Nhiệt độ trên khắp tiểu lục địa Ấn Độ duy trì ở mức cao kỷ lục suốt từ tháng 3 tới nay, đi kèm lượng mưa ít trên toàn khu vực khiến cuộc sống nhìn chung là khá bức bối, khó chịu.
Ví dụ tại Ấn Độ, khu vực Tây Bắc và miền Trung nước này vừa ghi nhận tháng 4 nóng kỷ lục trong vòng 122 năm qua. Theo Cục Khí tượng Ấn Độ, nhiệt độ trung bình cao nhất tại khu vực Tây Bắc nước này trong tháng 4 vừa qua là 35,9 độ C, trong khi tại miền Trung là 37,78 độ C.
Theo lý giải của cơ quan khí tượng Ấn Độ, nhiệt độ cao tại nước này trong tháng Ba và tháng Tư là do lượng mưa liên tục duy trì ở mức rất thấp. Theo dự báo của các chuyên gia khí tượng, trong tháng Năm, các bang Tây Bắc và miền Trung như Gujarat, Rajasthan, Punjab và Haryana sẽ tiếp tục chứng kiến nhiệt độ cao hơn mức trung bình hàng năm.
Nhiệt độ trung bình ghi nhận được trên toàn Ấn Độ trong tháng Tư là 35,05 độ, mức cao thứ tư trong vòng 122 năm qua. Tháng 3 cũng được ghi nhận là tháng ấm nhất trong 122 năm qua tại quốc gia Nam Á này, với nhiệt độ trung bình cao nhất là 33,1 độ C. Những mốc kỷ lục theo ngày cũng đã được xác lập trong khoảng 2 tuần qua với nhiệt độ cao nhất khoảng 46- 47 độ C.
Còn tại Pakistan, dữ liệu về thời tiết tại 63 quận huyện do Cục Khí tượng nước này công bố cho thấy hầu hết các địa phương đều có sự chênh lệch đáng kể với dữ liệu hàng năm về nhiệt độ trung bình trong 4 ngày liên tiếp của tháng 4. Hiện tượng này cũng xuất hiện trong tháng Ba khi các mốc nhiệt độ cao kỷ lục đều được ghi nhận. Lượng mưa trên toàn Pakistan từ đầu năm tới nay giảm 62% so với mức bình thường.
Nắng nóng liên tục ở mức độ cao, kéo dài chắc chắn đang gây ra những phiền toái, khó chịu cho sinh hoạt; thậm chí ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân, đồng thời tác động tới các hoạt động sản xuất. Theo các cơ quan khí tượng trong khu vực, lượng mưa trung bình tại Nam Á sụt giảm một cách bất thường trong những tháng qua góp phần tạo nên các đợt nóng kỷ lục. Các hình thái thời tiết này tạo nên tình trạng thiếu nước, hạn hán ở nhiều khu vực ở cả Ấn Độ và Pakistan. Nắng nóng khắc nghiệt cũng có thể khiến nhiều người dân bị say nắng, sốc nhiệt và thậm chí là tử vong nếu làm việc lâu ngoài trời. Trong lịch sử, Ấn Độ từng chứng kiến những đợt nắng nóng khiến hàng nghìn người thiệt mạng.
Những tác động kinh tế xã hội của nắng nóng
Không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người dân, các đợt nắng nóng ngày một nghiêm trọng ở Ấn Độ và Pakistan còn được cho là sẽ tác động tiêu cực tới phát triển kinh tế của hai quốc gia này.
Nắng nóng – một hiện tượng tự nhiên diễn ra theo chu kỳ hàng năm, nhưng giờ đây lại là câu chuyện đang được quan tâm đặc biệt tại Ấn Độ và Pakistan. Điều đó cho thấy mức độ dị thường và tác động ngoài dự báo của nó. Trước tiên, nắng nóng đi kèm với thiếu hụt lượng mưa đang khiến ngành nông nghiệp của 2 quốc gia này chịu thiệt hại nặng.
Điển hình nhất là tại tỉnh Sindh và Punjab của Pakistan. Nông dân tại hai địa phương này đang đứng trước nguy cơ mất mùa vì nắng nóng. Họ không có bất cứ thông tin dự báo nào về khả năng hạn hán và nắng nóng cực đoan nên không hề có sự chuẩn bị nào để giảm thiệt hại. Theo những nông dân trồng xoài tại đây, nắng nóng gay gắt kéo dài từ cuối mùa xuân, đi kèm với sâu bệnh có thể làm giảm 50% sản lượng với các giống xoài xuất khẩu và 30% với các giống xoài tiêu thụ nội địa. Trái xoài bị rụng sớm, cháy nắng và không đạt được kích thước mong muốn.
Theo các nông dân địa phương, đã xuất hiện những thay đổi rõ rệt trong các hình thái thời tiết vài năm qua. Ví dụ như mùa hè bắt đầu sớm hơn và mùa đông đến muộn, lượng nước cho nông nghiệp thiếu hụt khiến lịch cấy trồng bị xáo trộn. Nhưng chính quyền lại không có hướng dẫn kịp thời để phòng tránh những tổn thất do thiên nhiên.
Hệ lụy thứ hai mà nắng nóng cực điểm gây ra là nhu cầu sử dụng điện tăng vọt, gây ra cảnh thiếu điện tại các bang miền Trung và Tây Bắc Ấn Độ. Sản lượng tiêu thụ điện của Ấn Độ tăng dần đều trong tháng 4 và lập các đỉnh mới vào tuần cuối tháng.
Tại thủ đô New Delhi, sản lượng tiêu thụ đạt mốc kỷ lục mới vào ngày 2/5 với mức 6.194 MW. Tình hình cung ứng điện căng thẳng tới mức công ty phân phối điện cho thành phố phải lập ra phòng xử lý tình huống khẩn để giải đáp các cuộc gọi báo mất điện của người dân. Nhiều bang ở Ấn Độ thông báo thiếu hụt than để chạy các tổ máy nhiệt điện - nguồn cung cấp điện chính cho đất nước. Một số nhà máy nhiệt điện lớn tại bang Maharashtra hay Uttar Pradesh luôn ngấp nghé trước cảnh sẽ hết than để vận hành nếu tình hình hiện nay tiếp diễn.
Tại bang Rajasthan, nhiều nhà máy công nghiệp đã phải dừng hoạt động do thiếu điện. Các bang lớn ở miền Bắc Ấn Độ như Uttar Pradesh, Punjab, Haryana, Rajasthan đều đang phải tiến hành cắt điện luân phiên, có lúc lên tới 7 giờ đồng hồ để tránh cho hệ thống lưới điện bị quá tải. Rajasthan là bang thứ 3 phải cắt giảm điện cho sản xuất để dành điện cho nhu cầu sinh hoạt đang tăng vọt trong mùa nắng nóng. Tại bang Gujarat và Andhra Pradesh, các hoạt động công nghiệp cũng được yêu cầu hạn chế để ưu tiên cho nhu cầu làm mát của người dân. Dự báo là trong tháng Năm này, nhu cầu dùng điện tại Ấn Độ còn tăng thêm 10% nữa.
Nắng nóng cũng đang là vấn đề với nhiều doanh nghiệp Ấn Độ, vốn vừa mới khôi phục sản xuất sau 2 năm đại dịch Covid-19 kéo dài. Các hoạt động sản xuất kinh doanh mới chỉ trở lại mức trước đại dịch được vài tháng. Nhiều nhà máy sẽ có nguy cơ phải đình trệ sản xuất trong vài tuần nếu nắng nóng và thiếu điện kéo dài. Nhu cầu điện gia tăng trong mùa hè nắng nóng cũng khiến Ấn Độ phải vật lộn tìm kiếm nguồn than phục vụ sản xuất điện. Lượng than dự trữ tại quốc gia Nam Á ở giai đoạn trước mùa Hè ở mức thấp nhất trong 9 năm gần đây. Trong khi đó, nhu cầu về điện đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong vòng 4 thập kỷ qua.
Nắng nóng – thử thách đa chiều với con người
Đợt nắng nóng nghiêm trọng đang diễn ra tại Ấn Độ và Pakistan phản ánh chân thực nhất tác động của tình trạng biến đổi khí hậu. Nó nằm ngoài những gì con người từng biết tới, đặt ra nhiều thách thức không dễ giải quyết một sớm một chiều.
Việc thích ứng với các hiện tượng thời tiết dị thường trên quy mô lớn do biến đổi khí hậu gây ra không chỉ là bài toán nan giải với Ấn Độ. Đây là thách thức với cả thế giới. Bài toán thích ứng đa dạng và cấp bách như cách mà Ấn Độ và Pakistan đang phải đối mặt. Câu chuyện của những nông dân trồng xoài ở Pakistan hay bài toán thiếu điện ở Ấn Độ trong mùa nắng nóng kỷ lục là những ví dụ cụ thể trong tình huống này.
Ngoài giải quyết những hệ quả do biến đổi khí hậu gây ra, Ấn Độ đang phải đóng góp phần mình vào việc ngăn chặn nó diễn ra nhanh hơn, nghiêm trọng hơn. Với vị trí là nền kinh tế phát thải lớn thứ 3 thế giới, và nhiệt điện chiếm tới 70% tổng nguồn phát của đất nước, Ấn Độ vừa là người chịu thiệt hại, vừa là chủ thể đóng góp vào biến đổi khí hậu. Việc đa dạng hóa và chuyển đổi các nguồn năng lượng thay thế cho năng lượng hóa thạch cũng đang là vấn đề với đất nước 1,4 tỷ dân này./.