NATO đang dần “chết não”: Tại Trump hay tại Erdogan?
VOV.VN - Phần lớn tinh thần đoàn kết của NATO đã sụt giảm khi ông Trump bước vào Nhà Trắng. Ngày càng có nhiều nước thành viên thất vọng với liên minh này.
Sự thất vọng của các nước thành viên
Khi các nhà lãnh đạo của NATO tham dự Hội nghị Thượng đỉnh diễn ra trong hai ngày 3-4/12 tại London, họ sẽ phải nỗ lực rất nhiều để thu hẹp bất đồng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng lãnh đạo các nước thành viên khác của NATO tại Thượng đỉnh NATO tháng 7/2018. (Nguồn: New York Times). |
Tổng thống Mỹ Donald Trump hoài nghi mục đích của liên minh, trong khi Tổng thống Pháp Macron hoài nghi tương lai của khối. Bên cạnh đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cũng “quay lưng lại” với những nguyên lý cơ bản nhất trong NATO.
Suốt 7 thập kỷ qua, một nguyên tắc cơ bản tạo sợi dây ràng buộc 29 thành viên của NATO: đó là sự tin tưởng. Điều 5 của NATO quy định rằng, “bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào một hay một số thành viên của liên minh đều được coi là một cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh”, diễn giải nôm na theo cách viết trong cuốn tiểu thuyết “Ba chàng lính ngự lâm” của thế kỷ 19 có nghĩa “tất cả vì một người và một người vì tất cả”.
Mặc dù vậy, phần lớn tinh thần đoàn kết đã bị “ném ra ngoài cửa sổ” khi Tổng thống Trump bước vào Nhà Trắng, tạo tiền đề cho một số những căng thẳng hiện nay giữa Mỹ và các đồng minh cũng như giữa các nước Châu Âu. Nhiều nước đồng minh trong khối giờ đây đang đấu tranh để đáp trả những động thái của ông Trump và dự báo xem Tổng thống tiếp theo sẽ như thế nào.
Jonathan Eyal – chuyên gia về NATO thuộc Viện nghiên cứu Hoàng gia Anh (RUSI) nhận xét, Trump là trường hợp đặc biệt và người kế nhiệm ông sẽ là người ủng hộ NATO. Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Macron lại coi ông Trump như điềm báo về các chính sách của Mỹ trong tương lai, do đó, ông Macron cho rằng Châu Âu cần xây dựng lực lượng phòng thủ của riêng khu vực này. Nói tóm lại, bên chi tiêu lớn nhất cho liên minh lại là một nhà đầu tư không chắc chắn và điều đó đã gây ra sự bất ổn.
Một nguyên tắc khác của NATO cũng đang trở thành yếu tố gây căng thẳng giữa các nước thành viên, đó là không mua vũ khí từ những nước không phải thành viên của khối, đặc biệt là Nga-quốc gia mà NATO luôn coi là “đối thủ đáng gờm”. Song Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan lại tỏ ra không quan tâm, hay nói cách khác ông đã “cố tình phớt lờ” nguyên tắc này.
Lần duy nhất Điều 5 được kích hoạt là bởi Tổng thống Mỹ George W. Bush, sau vụ tấn công khủng bố vào tòa tháp đôi của Mỹ ngày 11/9/2001. Giống như các quốc gia khác vào thời điểm đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã hỗ trợ Mỹ và trở thành quốc gia Hồi giáo duy nhất trong khối NATO có sự giúp đỡ tích cực và quan trọng đối với Washington.
Thế nhưng mọi chuyện đã thay đổi kể từ khi Tổng thống Erdogan lên nắm quyền. Ông Erdogan không chỉ thách thức sự đoàn kết trong nội bộ NATO mà còn toàn bộ sứ mệnh của khối. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã mua hệ thống phòng không S-400, bày tỏ ý định sắm thêm dàn máy bay chiến đấu của Nga để bổ sung cho các tên lửa mới của nước này. Không những vậy ông còn làm ấm lòng Tổng thống Putin về mặt chính trị theo cách thức vượt ra ngoài đường hướng của NATO.
Dù tỏ ra bất bình với hành động của Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều nhà lãnh đạo trong NATO không thể gạt bỏ nước này ra khỏi khối bởi Ankara được coi là tấm lá chắn quan trọng ở sườn phía Nam của NATO. Bên cạnh đó, việc trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ cũng không phải dễ dàng vì ông Erdogan cũng là nhà lãnh đạo khó đoán và có nhiều toan tính như Tổng thống Trump. Nhiều khả năng, NATO chỉ có thể chờ đợi xem động thái tiếp theo của ông Erdogan thay vì cố tình chọc giận ông.
Một quan chức quốc phòng Mỹ nói với CNN rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã đe dọa ngăn chặn sáng kiến do NATO đề xuất bảo vệ các thành viên ở cực đông của liên minh như Ba Lan hay các nước vùng Baltic vốn đặc biệt lo ngại về hành động quân sự của Nga, nếu như NATO không hỗ trợ nhiều hơn cho Ankara trong cuộc chiến chống các lực lượng người Kurd ở Syria đã chiến đấu cùng liên minh do Mỹ dẫn đầu trong cuộc chiến chống IS. Vẫn chưa rõ yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ có làm xáo trộn Hội nghị Thượng đỉnh của NATO ở London hay không, khi mà nước này nhận được ít sự ủng hộ cho hoạt động quân sự tại Syria hoặc khó đạt đồng thuận nếu hối thúc NATO liệt các đồng minh người Kurd của Pháp và Mỹ vào danh sách khủng bố.
Nền tảng bị lung lay
Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh NATO, Tổng thư ký Jens Stoltenberg khẳng định, sự tồn tại của NATO luôn phù hợp với mục đích đặt ra. “Nếu nhìn lại lịch sử của NATO, chúng ta thấy rằng trước đây cũng từng có những bất đồng, xoay quanh cuộc khủng hoảng Suez vào những năm 1956 hay cuộc chiến tranh Iraq vào năm 2003. Nhưng điểm mạnh của NATO là bất chấp những bất đồng này, chúng ta vẫn luôn đoàn kết xung quanh nhiệm vụ cốt lõi của mình là bảo vệ lẫn nhau. Đó là mục tiêu của tôi. Tôi chắc chắn rằng chúng tôi sẽ thành công làm điều đó”.
Thế nhưng, một số ý kiến cho rằng, khi các nhà lãnh đạo NATO nhóm họp tại thủ đô London, mục đích của họ sẽ là tìm cách thức đối phó với Tổng thống Trump. Theo nhà phân tích Eyal, ông Trump đã làm lung lay nên tảng cốt lõi của NATO.
“Ông ấy là Tổng thống đầu tiên kể từ sau Thế chiến 2, công khai đặt câu hỏi về giá trị của việc đảm bảo an ninh mà Mỹ đã cam kết với Châu Âu và về việc liệu tham gia liên minh nay có thực sự phục vụ cho lợi ích của Washington hay không”.
Mặc dù Tổng thống Trump đã nói những điều tốt đẹp khi được hỏi về điều 5, nhưng các thông báo trên trang cá nhân Twitter cùng với tính cách khó đoán của nhà lãnh đạo này đã cho thấy ít khả năng ông sẽ đối xử bình đẳng với tất cả các đồng minh. Đáng chú ý vào mùa hè năm nay khi Iran bắt giữ tàu chở dầu Anh gần Eo biển Hormuz, Tổng thống Trump lưu ý rằng Washington không ký một thỏa thuận nào với Anh có quy định Mỹ phải hỗ trợ Anh trong trường hợp này.
Khi ông Trump xuất hiện trong phòng họp của NATO, sự bất ổn dường như bao trùm cả căn phòng, và chỉ khi ông rời đi, những người bên trong nói rằng, tiếng thở dài của cả 1 tập thể mới chấm dứt.
Nhưng có lẽ, ông Trump không phải là nhà lãnh đạo duy nhất thất vọng với NATO, mà Tổng thống Pháp Macron cũng có chung quan điểm này khi ông đưa ra phát ngôn gây sốc, nói rằng NATO đang “chết não”. Một số nhà phân tích cho rằng Tổng thống Macron có thể tận dụng cuộc họp của NATO để củng cố cho các bình luận của ông và tạo ra một cuộc thảo luận khó khăn về tương lai của liên minh quân sự này.
NATO đã lớn mạnh từ tàn tích của Thế Chiến 2, nhưng lý tưởng của những thế hệ đầu đặt nền móng cho nó dường như đang bị lụi tàn. Không chỉ thiếu sự tin tưởng lẫn nhau, mà tình đoàn kết cũng bị thử thách bởi lợi ích riêng của mỗi quốc gia. Những căng thẳng dự kiến xuất hiện tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO tuần này rất khó tưởng tượng ở giai đoạn cách đây 1 thập kỷ trước. Nhưng thực tế chúng đã âm ỉ suốt 1 thời gian dài./.