Nga có cách khắc chế vũ khí tầm xa của Ukraine, cuộc chiến sẽ kéo dài
VOV.VN - "Vỏ quýt dày có móng tay nhọn". Cuộc chiến Nga - Ukraine có nguy cơ sẽ rơi vào thế bế tắc và đổ máu nhiều hơn khi hai bên đẩy mạnh các nỗ lực khắc chế nhau nhưng không tạo ra được bước ngoặt lớn.
Chiến trận giằng co, Nga tìm cách vô hiệu hóa vũ khí phương Tây
Cuộc chiến tại Ukraine (mở màn vào ngày 24/2/2022) đã bước sang tháng thứ 5 và không có dấu hiệu sẽ kết thúc sớm. Ukraine vẫn hy vọng tái chiếm 20% lãnh thổ của mình đang do Nga kiểm soát, bao gồm cả những khu vực mà Nga sáp nhập vào năm 2014. Chính sách của Mỹ vẫn được dẫn dắt bởi quan điểm cho rằng Ukraine dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Zelensky cần được tiếp thêm sức mạnh và nguồn lực để thu về kết quả có lợi trước Nga.
Tuy nhiên việc gửi thêm các hệ thống pháo hiện đại cho quân đội Ukraine có thể không phải là viên đạn bạc mà Ukraine có thể trông mong. Hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS rất chính xác và được cho là đã hạ được nhiều kho đạn và trung tâm chỉ huy ở các vùng do Nga kiểm soát. Thế nhưng các lực lượng Nga đã và đang học cách vô hiệu hóa các loại vũ khí đó. Họ đã nghiên cứu cách gây nhiễu cho liên lạc của Ukraine, bắn hạ các UAV chỉ thị mục tiêu, và nhờ vậy cản trở năng lực của Ukraine thực hiện trinh sát chiến trường.
Ngoài ra, theo thời gian, Nga còn biết cách phân tán các kho hậu cần và ngụy trang vũ khí khéo léo hơn.
Tất nhiên HIMARS vẫn hiệu quả nhưng một vài thứ vũ khí như vậy dường như là không đủ làm thay đổi tình hình theo hướng có lợi cho Ukraine.
Bài học "bên tám lạng, người nửa cân" trong Thế chiến I
Bài học lịch sử từ Thế chiến I có thể cung cấp một số gợi ý cho cuộc chiến hiện nay tại Ukraine. Trong Thế chiến I, vũ khí cùng chủng loại ngự trị, đáng lưu ý là pháo - và đây cũng là đặc điểm nổi bật trong xung đột Ukraine lúc này.
Thế chiến I khởi đầu vào đầu tháng 8/1914. Đức có kế hoạch đánh nhanh trong 45 ngày. Nhưng quân Đức khi tiến xuống phía Nam, đà tiến chậm dần. Lực lượng Pháp và Anh khi ấy đã xốc lại tinh thần và được tái bố trí khéo léo để cản bước tiến của quân Đức. Hai phe sau đó dành cả mùa thu năm đó để củng cố vị trí của mình, đào hào và xây dựng hệ thống vật cản kéo dài. Hai bên sau đó rơi vào thế cầm cự, giằng co, không bên nào tiến được đáng kể. Và vào cuối năm 1914, hàng trăm ngàn người đã tử trận.
Sau đó hai bên tìm cách nhích lên phía trước thông qua áp dụng một số chiến thuật mới, một số biến thể vũ khí mới, cố gắng có được một cuộc đột kích bất ngờ để tạo chuyển biến cho cục diện chiến trường. Tình hình tương tự xảy ra hiện nay, khi Ukraine đang cố gắng hy vọng khối quân sự NATO sẽ gửi cho họ nhiều pháo tầm xa, còn Nga thì đang hy vọng rằng đợt tuyển binh sĩ mới của họ sẽ tạo lợi thế về số lượng trên chiến trường.
Nhưng giai đoạn năm 1915-1917, các nỗ lực tương tự như trên đã không mang lại kết quả đáng kể nào trong việc phá vỡ thế bế tắc. Các cải tiến quân sự chỉ làm cho bên phòng ngự càng mạnh mẽ hơn trước bên tấn công. Những nỗ lực trong phát triển công nghiệp cũng không tạo ra đột phá lớn nào trên chiến trường mà chỉ làm cho chiến sự thêm quyết liệu với nhiều đổ máu.
Các nhà chiến thuật cho ra một số ý tưởng mới nhưng kết quả lại là bên phòng ngự càng được củng cố tốt hơn nữa. Phía phòng ngự có thêm các cải tiến sau: Hào sâu hơn, đa dạng hơn, giúp giảm thương vong khi bị pháo kích. Trong hào còn cả bê tông cho ụ súng máy, dây thép gai, đường dây điện thoại được chôn để đảm bảo liên lạc tin cậy giữa các vị trí. Những thay đổi này khiến bên tiến công rất khó tấn công đối phương.
Người ta cũng cố cải tiến vũ khí tiến công và chiến thuật tiến công. Bên tấn công tìm cách sử dụng lực lượng tập trung, hỏa lực tập trung và điều phối pháo yểm trợ cho bộ binh nhằm tạo bước đột phá. Tuy nhiên, pháo tầm xa cũng không hiệu quả nhiều trước các binh sĩ đối phương nằm dưới chiến hào. Việc oanh tạc như vậy cũng cảnh báo trước cho bên phòng ngự biết để điều quân đối phó kịp thời. Khi bên tấn công hoàn thành việc bắn pháo dọn đường, họ sẽ đưa bộ binh tiến lên. Nhưng lúc này bên phòng ngự đã bố trí sẵn súng máy và pháo của riêng mình rồi cứ thế nã đạn vào bộ binh đối phương lúc này đang phơi mặt trên chiến trường. Máu lại đổ rất nhiều nhưng không bên nào giành được thắng lợi.
Nếu không đột phá về quân sự được, cần đột phá về ngoại giao
Mãi đến năm 1918, một số đổi mới về quân sự mới tạo ra sự khác biệt trong Thế chiến I. Quân Đức thu lợi đầu tiên từ các cải tiến đó. Họ tổ chức tấn công dọc theo một mặt trận rộng để gây khó cho bên phòng thủ trong việc sử dụng lực lượng dự bị để bịt các lỗ thủng cục bộ do đối phương vừa tạo ra. Họ gia tăng cơ hội đột phá thành công bằng việc sử dụng các đội hình bộ binh tinh nhuệ nhỏ được trang bị tiểu liên thọc sâu vào vị trí phía sau của đối phương. Họ cũng nỗ lực bảo đảm pháo bắn trúng mục tiêu ngay từ loạt đạn đầu tiên nhằm tăng yếu tố bất ngờ. Quân Đức bắn pháo cấp tập lúc đầu để yểm trợ cho bộ binh tiến lên.
Đức cũng cố sử dụng máy bay hiệu quả nhằm định vị chính xác pháo binh đối phương. Quân Đức được huấn luyện để tiến hành mọi việc trên một cách đồng bộ và kỷ luật. Nhưng mặt khác họ cũng bảo đảm sự chủ động cho các viên chỉ huy ở cấp cơ sở.
Tuy nhiên, đúng lúc ấy, Đức kiệt sức và gặp phải tình trạng chính trị bất ổn trong nội bộ.
Trở lại cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay. Có ít dấu hiệu cho thấy, một trong hai bên sẽ tạo được đột phá lớn trong thời gian tới. Cái hai bên cần có lẽ là tư duy ngoại giao sáng tạo, bao gồm cách nhìn nhận về vấn đề chủ quyền và trưng cầu dân ý. Nếu không, chiến sự sẽ còn kéo dài không rõ hồi kết, với nhiều người tiếp tục phải chết trong cuộc xung đột ấy./.