Nga có chịu ảnh hưởng từ khủng hoảng tài chính Síp?

(VOV) - Hiện tại, các doanh nghiệp Nga đang gửi gần 30 tỷ USD tại các ngân hàng Síp.

Tình hình Tài chính của Cộng hòa Síp đã lắng dịu hơn khi các giải pháp cho cuộc khủng hoảng này đã được đưa ra. Tuy vậy, các doanh nghiệp Nga và những người Nga gửi tiền ở ngân hàng Síp vẫn còn nhiều lo lắng.

Khủng hoảng tài chính Síp ảnh hưởng trực tiếp tới một số nước trên thế giới trong đó có Nga (Ảnh AFP)

Hiện nay, tại Síp có rất nhiều những công ty lớn, nhỏ của Nga đang đầu tư, làm ăn lớn tại Síp và có mối liên hệ chặt chẽ với hệ thống ngân hàng Síp.

Theo thống kê của Tổ chức Xếp hạng Tín dụng Moody's, các doanh nghiệp Nga hiện đang gửi gần 30 tỷ USD trong tổng 68 tỷ USD tiền gửi tại các ngân hàng Síp. Với số tiền gửi lớn như vậy, những doanh nghiệp Nga không thể không lo lắng  nếu những bất ổn trong hệ thống ngân hàng Síp xảy ra.

Trong khi đó, khi cuộc khủng hoảng tài chính tại Síp lên tới đỉnh điểm và đe dọa làm sụp đổ hệ thống tài chính của nước này thì nước Nga không có những hành động cứu trợ nào. Ngay cả khi Síp và các tổ chức Tài chính Châu Âu đã đạt được những thỏa thuận vào phút chót để “cứu vãn sự sụp đổ” của các Ngân hàng Síp thì Nga vẫn giữ thái độ không “mặn mà”. Và khi Bộ trưởng Tài chính Síp đến Nga mong muốn sự hỗ trợ từ Nga, nhưng Nga vẫn có thái độ “đứng ngoài cuộc.”

Sở dĩ Nga có thái độ “đứng ngoài cuộc” là bởi trước hết, Nga vẫn coi việc giải quyết khủng hoảng nợ công của Châu Âu là việc của Liên minh châu Âu (EU). Một mặt việc các Công ty và người Nga có nhiều khoản tiền gửi ở Ngân hàng Síp thì đó cũng không hoàn toàn là của Nhà nước Nga. Do đó, Chính phủ Nga sẽ không đặt ra trách nhiệm phải tham gia giải quyết.

Mới đây, Phó Thủ tướng thứ nhất  Liên Bang Nga, Igor Shuvalov đã tuyên bố rằng: “Liên quan đến tiền của người Nga ở đó thì có các loại khác nhau: có loại không đóng thuế, có loại đã đóng thuế... Nếu ai đó bị mất tiền ở các Ngân hàng lớn của Síp thì đó là điều rất đáng tiếc, nhưng Chính phủ Nga sẽ không có động thái trong trường hợp này”.

Và một thông điệp mà Nga muốn đưa ra trong tình hình này là các ngân hàng Nga đủ độ tin cậy để giữ các khoản vốn và Phó Thủ tướng Shuvalov tin tưởng rằng, nước Nga đang nắm giữ một trong những hệ thống ngân hàng tin cậy nhất.

Tuy nhiên, Nga cũng không hẳn là đứng ngoài cuộc nếu đề nghị của Tổng thống Putin lên Chính phủ được chấp nhận trong việc tạo điều kiện cho Sip đáo hạn khoản nợ 2,5 tỷ euro được thực hiện.

Cũng cần phải nhắc lại bản chất của thoả thuận mà Síp đạt được với ba chủ nợ lớn nhất là Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Theo đó tất cả các khoản tiền gửi dưới 100.000 euro trong các ngân hàng ở Síp thì không bị ảnh hưởng. Nhưng với những người gửi số tiền trên 100.000 euro thì thiệt hại sẽ có thể lên tới 60% khi họ phải chuyển tới gần 40% tài khoản thành những cổ phiếu không kỳ hạn và hơn 20% thì không được tính lãi. 40% tài khoản được tính lãi thì có muốn rút ra cũng phải vài năm.

Tổng thống Síp Anastasiadis đã gọi thỏa thuận này là một kết cục “tuy đau đớn, nhưng là tốt nhất trong tình huống hiện nay”. Như vậy, một số lượng vốn tương đối lớn của những nhà đầu tư Nga gửi tiền ở Síp sẽ bị thiệt hại.

Khi Nicosia đạt được thỏa thuận với các chủ nợ Châu Âu về gói cứu trợ mà phần thiệt thòi thuộc về những người gửi nhiều tiền thì phản ứng của Moscow cũng khá gay gắt. Cả Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cũng như người đứng đầu tổ chức tín dụng lớn nhất của Nga là “Sberbank”, German Gref, đều bày tỏ về sự đổ vỡ lòng tin đối với cơ cấu tài chính Síp bằng lời cảnh báo rằng: “Những người gửi tiền không còn tin tưởng vào chính quyền và ngân hàng Síp nữa. Và rõ ràng là họ sẽ mất lượng lớn tiền dự trữ”.

Cựu Giám đốc Ngân hàng Trung ương Nga Sergei Dubinin thì nhận định rằng: “Các ngân hàng hàng đầu bị phá sản. Sẽ xuất hiện các Ngân hàng nhỏ để phục vụ cho những khoản tiền nhỏ. Không có hứa hẹn bồi thường nào. Thiệt hại sẽ là khá đáng kể cho những ai có khoản tiền gửi lớn tại đây. Các Ngân hàng này vẫn có thể tiếp tục tồn tại, tuy nhiên chúng sẽ không bao giờ còn có được ý nghĩa quốc tế như trước nữa”.

Tất nhiên, trong tình hình  hiện nay theo các nhà phân tích kinh tế thì cuộc khủng hoảng tài chính Síp cũng có thể đe dọa nền kinh tế Nga bằng những hậu quả của nó thì một cách “rót tiền” cho đảo quốc này như Nga đã làm trong năm 2011 không phải là giải pháp tốt.

Trong khi đó, phản ứng của các doanh nghiệp, các cá nhân Nga đang đầu tư vào Síp hoặc gửi tiền ở các ngân hàng Síp hiện nay chưa thực sự rõ ràng, nhưng đã có thông tin rằng họ đang dự định sẽ kiện lên tòa án những biện pháp mà Chính phủ Síp đưa ra bởi nó được coi như  hành vi “tước đoạt” của họ một phần lớn vốn gửi ở ngân hàng Síp.

Tuy nhiên, Chính phủ Síp được dành quyền phong tỏa dòng lưu thông tiền tự do ở bên trong đất nước và điều đó cũng là biện pháp cho phép để họ tránh bị rút lượng vốn từ các Ngân hàng một cách ồ ạt. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ là tạm thời và trong thời gian tới nó vẫn không được coi là giải pháp cứu vãn Síp khỏi tình trạng thất thoát tư bản từ dòng vốn chảy ra bên ngoài. Ở đây, niềm tin đã mất và không sớm thì muộn, không bằng cách này thì sẽ bằng cách khác, các nhà đầu tư sẽ vẫn rút tiền khỏi các ngân hàng Sip.

Và như thế, có thể nói, các doanh nghiệp, nhà đầu tư hay một số lượng khá lớn người Nga đang là những nạn nhân trực tiếp của cuộc khủng hoảng tài chính Síp. Song họ khó mà làm được như những người dân Síp kiểu “xuống đường biểu tình” hay chống đối các “giải pháp tình thế” hiện nay của chính quyền Sip. Điều mà họ có thể làm được bây giờ là tự rút ra bài học về cách đặt niềm tin vào “thiên đường tài chính” đảo Síp cho những phi vụ làm ăn tiếp theo.

Trong khi đó quan hệ song phương cấp Nhà nước, những diễn biến của tình hình chắc chắn sẽ có ảnh hưởng không nhỏ, trước hết là quan hệ thương mại, đầu tư có liên quan đến hệ thống ngân hàng Síp. Mối quan hệ này có được phục hồi hay không và phục hồi như thế nào phụ thuộc rất lớn vào việc hệ thống Ngân hàng Síp được cải thiện ra sao trong thời gian hậu khủng hoảng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên