Nga có nhiều phương án phi hạt nhân trong xung đột Ukraine
VOV.VN - Phương Tây thời gian qua ám ảnh về khả năng Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân (cấp chiến thuật) trên chiến trường Ukraine để đạt các mục tiêu của mình. Nhưng thực tế, khả năng xảy ra chuyện đó là gần như bằng 0. Trong tay Nga có sẵn nhiều phương án phi hạt nhân.
Nga dẫu sao vẫn là siêu cường
Những ngày gần đây Mỹ và phương Tây bàn nhiều về kịch bản Nga sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine khi Moscow cảm thấy lợi ích quốc gia cốt lõi bị đe dọa. Và họ nghĩ rằng có nguy cơ xảy ra Khủng hoảng Tên lửa Cuba phiên bản 2.
Nhưng người ta quên mất rằng Nga hiện nay dẫu sao vẫn là siêu cường toàn cầu. Khi đối mặt với các nước nhỏ và vừa, Nga vẫn có phương tiện ứng phó mà không cần sử dụng tới vũ khí hạt nhân. Bằng việc khai thác hết sức mạnh của kho vũ khí thông thường trong xung đột ở Ukraine, Nga vẫn có thể đẩy Mỹ vào thế không thắng được, giống như sau khi Liên Xô đưa quân vào Hungary để khôi phục tình hình hồi năm 1956.
Vũ khí thông thường vẫn có sức hủy diệt khủng khiếp
Trái với suy nghĩ của nhiều người, loạt tập kích đơn lẻ bằng bom có sức hủy diệt nhất trong lịch sử loài người lại không phải là phi vụ Mỹ thả bom nguyên tử xuống các thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản mà loạt không kích bằng bom cháy do Không quân Mỹ tiến hành nhằm vào thủ đô Tokyo trong 2 đêm vào tháng 3/1945, với hậu quả là khoảng 100.000 người Nhật Bản tử vong và hơn một triệu người mất nhà cửa. Trong khi đó, việc Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nagasaki khiến khoảng 40.000-80.000 người thiệt mạng.
Trong Thế chiến II, các cuộc tấn công tương tự của không quân Đức vào các thành phố Anh hoặc của không quân Anh vào các thành phố Đức có sức hủy diệt gần bằng hoặc thậm chí hơn một quả bom hạt nhân chiến thuật.
Năm 1999, trong cuộc chiến Kosovo, NATO đã tiến hành cuộc ném bom Nam Tư, đồng thời sử dụng tên lửa tấn công Belgrade và Pristina, ép nhà lãnh đạo Nam Tư khi đó là Slobodan Milosevic phải đồng ý với một thỏa thuận hòa bình.
Nhiều lý do Nga chưa cần dùng đến đòn hạt nhân
Từ góc nhìn trên, ban lãnh đạo Nga chưa cần phải dùng đến vũ khí hạt nhân khi họ vẫn có trong tay sức mạnh không quân, bom và tên lửa thông thường, có thể đủ để ép đối phương đạt một thỏa thuận đảm bảo lợi ích của Nga.
Điều này càng rõ hơn khi Ukraine không sở hữu vũ khí hạt nhân có thể đe dọa Nga.
Đấy là chưa kể, nếu sử dụng vũ khí hạt nhân trên thực địa lần đầu tiên kể từ năm 1945, đó sẽ là một điều rất mạo hiểm, có thể đẩy thế giới vào một cuộc chiến tranh toàn cầu.
Giới chuyên gia quân sự phương Tây đang thắc mắc vì sao Nga chưa tận dụng lợi thế không quân của mình trong chiến sự ở Ukraine. Nga hiện sở hữu hơn 1.500 máy bay và nhiều kinh nghiệm về ném bom ở Syria và Gruzia.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và các trợ lý đã gửi cho Nga các tín hiệu về Nga sẽ phải trả giá đắt nếu sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Mặt khác, Mỹ cũng đã hối thúc Ukraine chớ tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga. Ý định của Mỹ là tránh khiêu khích Nga thực hiện biện pháp cực đoan.
So sánh tình hình chiến sự ở Ukraine hiện nay với cuộc Khủng hoảng Tên lửa Cuba năm 1962 là hơi khập khiễng vì lúc này Mỹ và các đồng minh vẫn chưa đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân với Nga và họ cũng liên tục khẳng định sẽ không can thiệp trực tiếp vào xung đột quân sự này.
Thời điểm Liên Xô can thiệp vào Hungary năm 1956 và Afghanistan năm 1979, Mỹ cũng đã lựa chọn không giao chiến trực tiếp với quân đội Liên Xô, dù là bằng vũ khí thông thường hay vũ khí hạt nhân. Tại Afghanistan, Mỹ sử dụng phương án cung cấp viện trợ quân sự cho các chiến binh du kích Hồi giáo Mujahideen địa phương để làm quân đội Liên Xô sa lầy./.