Nga có thể trông đợi gì ở lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Ukraine?

VOV.VN - Do mối quan hệ tốt đẹp với Nga trong thời điểm hiện tại, Trung Quốc có thể giúp xoa dịu tình hình, ngăn chặn khủng hoảng leo thang, giúp Nga tránh các đòn trừng phạt, cũng như giảm thiểu sự cô lập về kinh tế cũng như chính trị.

Quan hệ “không giới hạn”

Thời gian qua, trao đổi giữa Trung Quốc và Nga, đặc biệt là giữa lãnh đạo hai bên diễn ra thường xuyên và khá dày đặc. Theo thống kê của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, những năm gần đây, Chủ tịch nước này Tập Cận Bình và Tổng thống Putin đã gặp nhau 38 lần, tiến hành hơn 100 cuộc điện đàm và thư từ qua lại. Theo đánh giá, dù xét về số lượng, hay chiều sâu, bề rộng và sự nồng ấm, các cuộc trao đổi này gần như là không có giữa lãnh đạo các nước lớn khác trên thế giới.

Ngay trước thềm cuộc hội đàm trực tiếp giữa Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tại cuộc gặp giữa người đứng đầu ngành ngoại giao hai nước, Ngoại trưởng Trung Quốc đã khẳng định, cuộc gặp trực tiếp đầu tiên sau hơn 2 năm giữa lãnh đạo hai nước là nhằm “thiết lập cấu trúc cho mối quan hệ hậu đại dịch giữa Trung Quốc và Nga”, phản ánh mức độ cao trong hợp tác chiến lược giữa hai nước.

Thông qua Tuyên bố chung sau hội đàm dài tới gần 6.000 từ, một điều hiếm thấy từ trước tới nay – văn kiện được đánh giá là thành quả chính trị quan trọng nhất trong chuyến thăm của Tổng thống Putin tới Trung Quốc, có thể thấy sự nhất trí rộng rãi giữa hai nước trong các vấn đề cốt lõi liên quan đến ổn định chiến lược toàn cầu, cũng như việc thúc đẩy hơn nữa sự phối hợp chiến lược chặt chẽ giữa hai bên.

Theo đánh giá của Bắc Kinh, tuyên bố chung sẽ có tác động quan trọng và sâu rộng đến việc cải thiện hệ thống quản trị toàn cầu trong tình hình mới. Còn trong quan hệ hai nước, họ cho rằng, quan hệ Trung-Nga “không có giới hạn” và sẽ không ngừng vươn lên những tầm cao mới.

Sự thay đổi về tính chất mối quan hệ Nga – Trung

Tình hình thế giới với những biến động không ngừng và sức ép trừng phạt từ Mỹ và phương Tây khiến Nga và Trung Quốc trở nên thống nhất hơn từ lời nói đến hành động, liên kết lại thành một mặt trận để gia tăng sức mạnh.

Tuyên bố chung “về quan hệ quốc tế bước vào kỷ nguyên mới và phát triển bền vững toàn cầu” được Tổng thống Nga V.Putin và Chủ tịch Trung quốc Tập Cận Bình thông qua trong cuộc gặp lần này, nêu rõ, quan hệ hữu nghị giữa Nga và Trung Quốc không có ranh giới, không có "vùng cấm" trong hợp tác. "Xác nhận rằng kiểu quan hệ mới giữa Nga và Trung Quốc là ưu việt hơn so với các liên minh quân sự-chính trị trong Chiến tranh Lạnh”, Nga và Trung Quốc “ủng hộ việc hình thành một kiểu quan hệ mới giữa các cường quốc trên thế giới dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi."

Thành viên cấp cao của Hội đồng Châu Âu về Quan hệ Đối ngoại Kadri Liik cho rằng, Nga và Trung Quốc đã bắt tay vào một con đường tương tự như quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ, nơi mà sự linh hoạt là quan trọng nhất. Chuyên gia chỉ rõ, “các bên hòa giải những khác biệt hoặc xung đột lợi ích của họ, bởi vì họ tin rằng những khác biệt này đến từ lợi ích địa chính trị “thực dụng”, chứ không phải từ hệ tư tưởng”.

Còn theo người đứng đầu Khoa Kinh tế và Chính trị thế giới tại Trường Kinh tế cao cấp Nga Sergey Karaganov, quan hệ giữa Nga và Trung Quốc hiện nay là đôi bên cùng có lợi. Theo chuyên gia này, “khả năng Nga dựa vào sức mạnh của Trung Quốc làm tăng đáng kể tiềm năng tích lũy của nước này, chẳng hạn, trong cuộc đối đầu với phương Tây. Theo cách tương tự, việc dựa vào Nga và sự hiện diện của một sườn phía đông an toàn và thân thiện sẽ củng cố vị thế của Trung Quốc trong cuộc đối đầu với Mỹ. Đó quả thực là một mối quan hệ đôi bên cùng có lợi. Bây giờ họ đã đạt đến đỉnh cao".

Lo ngại của Phương Tây

Có thể thấy, Tuyên bố chung chủ yếu tập trung vào quan hệ quốc tế trong thời kỳ mới và phát triển bền vững toàn cầu, đề cập sâu rộng các lập trường chung của hai nước về dân chủ, phát triển, an ninh và trật tự quốc tế. Trong khi đây là những vấn đề đang tồn tại những bất đồng gay gắt giữa Trung Quốc, Nga với Mỹ và một số quốc gia phương Tây.

Không khó để nhận ra Tuyên bố chung đã đề cập đến Mỹ ít nhất 5 lần, đồng thời bày tỏ lập trường chung của hai nước về một số vấn đề khu vực và toàn cầu quan trọng, trong đó có việc phản đối hoặc quan ngại trước sự mở rộng của NATO về phía Đông, tư tưởng dân chủ của phương Tây, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, quan hệ đối tác an ninh 3 bên giữa Australia, Mỹ và Anh (AUKUS)...

Theo các chuyên gia Trung Quốc, “đây là lần đầu tiên Trung Quốc và Nga đưa ra một tuyên bố dài như vậy sau cuộc gặp giữa hai nguyên thủ, bao gồm tất cả các vấn đề lớn và các câu hỏi chiến lược”.

Còn có ý kiến cho rằng, Mỹ hiện đang khơi dậy tâm lý Chiến tranh Lạnh và “thuyết mối đe dọa từ Trung Quốc” ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng như “thuyết mối đe dọa từ Nga” ở châu Âu đã thúc đẩy Trung Quốc và Nga phải cùng đứng lên để chống lại.

Đại sứ Nga tại Anh mới đây cũng cho biết, các bước đi không thân thiện của phương Tây chống lại Nga và Trung Quốc đang thúc đẩy Moscow và Bắc Kinh tiến tới hợp tác song phương chặt chẽ hơn trong nhiều lĩnh vực khác nhau.        

Có thể thấy, cả 2 nhà lãnh đạo Trung, Nga đều không hài lòng với cách hành xử của Mỹ và đang cùng nhau chấm dứt kỷ nguyên nước Mỹ chi phối. Đối với Mỹ, điều này được coi là một trở ngại lớn. Hơn ai hết, Mỹ sẽ tận dụng khả năng ngoại giao lão luyện của mình để ngăn cản các bước đi của Trung Quốc và Nga.

Nhà khoa học chính trị Vadim Karasev chắc chắn rằng, cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo Nga-Trung quốc là cực kỳ quan trọng, sẽ thay đổi toàn bộ trật tự thế giới hiện có.

Theo chuyên gia này, lãnh đạo 2 nước đã công khai và trực tiếp nói rõ với các nước phương Tây rằng, họ không sẵn sàng thỏa hiệp với trật tự thế giới cũ và thế giới đơn cực do Mỹ dẫn đầu. “Một kỷ nguyên mới của quan hệ quốc tế, kỷ nguyên đa cực”, đã được tuyên bố rầm rộ. Trên thực tế, điều này có nghĩa là Nga và Trung Quốc tuyên bố cách tiếp cận chống phương Tây và đoàn kết để kiềm chế Mỹ.

Theo nhà phân tích này, đối với Trung Quốc, quyền kiểm soát ở khu vực châu Á là tối quan trọng, và đến lượt mình, Nga tìm cách ngăn NATO mở rộng, kiểm soát vùng lợi ích của mình, chủ yếu trong không gian hậu Xô Viết, cũng như duy trì quan hệ đối tác với Châu Âu. Nếu thống nhất, Nga và Trung Quốc thực sự có thể tạo ra một đối trọng mạnh mẽ với Mỹ và các đồng minh của họ.

Ủy viên Hội đồng Quan hệ các dân tộc trực thuộc Tổng thống Nga, nhà khoa học chính trị Bogdan Bezpalko lưu ý rằng, sự xích lại gần nhau của Nga và Trung Quốc trong bối cảnh áp lực từ phương Tây là điều hiển nhiên. Chuyên gia này tin rằng, sự liên minh của Nga và Trung Quốc củng cố vị thế của Moscow trong các cuộc đàm phán với phương Tây về các vấn đề.

Nga trông đợi gì ở lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Ukraine?

Trong Tuyên bố chung của Nga và Trung Quốc vừa đưa ra đã nêu rõ lập trường của Bắc kinh: “Trung Quốc có thái độ hiểu biết và ủng hộ các đề xuất mà Liên bang Nga đưa ra về việc hình thành các bảo đảm an ninh ràng buộc pháp lý lâu dài ở châu Âu. Moscow và Bắc Kinh có ý định chống lại sự can thiệp của các thế lực bên ngoài vào công việc nội bộ của các nước có chủ quyền; phản đối các hành động phá hoại an ninh của các thế lực bên ngoài, chống lại các “cuộc cách mạng màu”.

Tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị gọi những lo ngại của Nga về an ninh là chính đáng, đồng thời nói thêm rằng chúng cần được "xem xét nghiêm túc và làm việc để giải quyết".

Tiếp đó, đầu tuần này, đại diện của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, Zhang Jun, thậm chí còn đi xa hơn và thẳng thừng tuyên bố rằng Trung Quốc không đồng ý với tuyên bố của Mỹ rằng Nga đe dọa hòa bình và ổn định quốc tế. Ông chỉ trích việc Washington triệu tập cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về tình hình Ukraine, gọi động thái này là "ngoại giao qua loa" và cho rằng nó không giúp ích gì cho các cuộc đàm phán.

Trung Quốc đã cùng với Nga phản đối việc tổ chức cuộc họp này. Đổi lại, trong Tuyên bố chung, Nga ủng hộ nguyên tắc "một Trung Quốc" và phản đối Đài Loan độc lập "dưới bất kỳ hình thức nào”.

Với vai trò trong Hội đồng Bảo an và quan hệ tốt đẹp với Nga trong thời điểm hiện tại, vai trò của Bắc Kinh trong vấn đề này có thể là xoa dịu tình hình, ngăn chặn khủng hoảng leo thang, giúp Nga tránh các đòn trừng phạt, cũng như giảm thiểu sự cô lập về kinh tế cũng như chính trị do các biện pháp trừng phạt gây ra./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Mỹ, Nga và Trung Quốc chạy đua công nghệ vũ khí laser tối tân và lợi hại
Mỹ, Nga và Trung Quốc chạy đua công nghệ vũ khí laser tối tân và lợi hại

VOV.VN - Các thiết bị laser trên máy bay mang lại cho các chiến đấu cơ lợi thế trong cận chiến trên không. Đây cũng là công cụ phòng ngự đầy tiềm năng giúp chống lại các vũ khí siêu thanh nguy hiểm.

Mỹ, Nga và Trung Quốc chạy đua công nghệ vũ khí laser tối tân và lợi hại

Mỹ, Nga và Trung Quốc chạy đua công nghệ vũ khí laser tối tân và lợi hại

VOV.VN - Các thiết bị laser trên máy bay mang lại cho các chiến đấu cơ lợi thế trong cận chiến trên không. Đây cũng là công cụ phòng ngự đầy tiềm năng giúp chống lại các vũ khí siêu thanh nguy hiểm.

Cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Trung Quốc mang tính xây dựng và đối tác
Cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Trung Quốc mang tính xây dựng và đối tác

VOV.VN - Theo thư ký báo chí của Tổng thống Nga Đ. Peskov, cuộc hội đàm của Tổng thống V. Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra hôm qua tại Bắc Kinh mang tính xây dựng và đối tác, trọng tâm chính là chương trình nghị sự của quan hệ song phương.

Cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Trung Quốc mang tính xây dựng và đối tác

Cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Trung Quốc mang tính xây dựng và đối tác

VOV.VN - Theo thư ký báo chí của Tổng thống Nga Đ. Peskov, cuộc hội đàm của Tổng thống V. Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra hôm qua tại Bắc Kinh mang tính xây dựng và đối tác, trọng tâm chính là chương trình nghị sự của quan hệ song phương.

Nga sẵn sàng tăng cường liên lạc và phối hợp chiến lược với Trung Quốc
Nga sẵn sàng tăng cường liên lạc và phối hợp chiến lược với Trung Quốc

VOV.VN - Chiều 4/2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc hội đàm cùng Tổng thống Nga V. Putin tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Nga sẵn sàng tăng cường liên lạc và phối hợp chiến lược với Trung Quốc

Nga sẵn sàng tăng cường liên lạc và phối hợp chiến lược với Trung Quốc

VOV.VN - Chiều 4/2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc hội đàm cùng Tổng thống Nga V. Putin tại Bắc Kinh, Trung Quốc.