Nga đã khoét lỗ hổng trong lệnh trừng phạt của phương Tây như thế nào?
VOV.VN - Thu nhập hàng tháng của Nga từ xuất khẩu dầu mỏ hiện nay lớn hơn so với trước khi xung đột ở Ukraine bùng phát. Điều này cho thấy các nước phương Tây đã thất bại trong việc kiềm chế nguồn lực của Moscow.
Được thiết kế để làm giảm nguồn lực cho chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, các lệnh trừng phạt mà phương Tây thống nhất cách đây một năm bao gồm áp trần giá dầu 60 USD/thùng đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga – thấp hơn 24 USD so với giá thị trường trung bình trong 12 tháng qua.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đòn trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga đã thất bại, trong khi lại thúc đẩy một hoạt động kinh doanh sinh lợi cho nhiều doanh nghiệp bảo hiểm và các công ty vận tải nằm ngoài tầm theo dõi.
Theo tính toán của Bloomberg được xây dựng dựa trên dữ liệu của Bộ tài chính Nga, doanh thu ròng từ dầu mỏ của Nga trong tháng 10 là 11,3 tỷ USD, chiếm 31% tổng doanh thu ngân sách ròng của nước này trong tháng. Đó là mức cao nhất kể từ tháng 5/2022, mặc dù các lệnh trừng phạt ban đầu có gây ra biến động lớn cho xuất khẩu Nga.
Việc áp mức giá trần đối với dầu Nga là để ngăn các công ty trong G7 cung cấp cho Moscow các dịch vụ như vận chuyển và bảo hiểm khi dầu được bán với giá trên 60 USD/thùng.
Liên minh châu Âu cũng cấm nhập khẩu dầu từ Nga - quốc gia cho đến thời điểm đó vẫn là nhà cung cấp chính của khối, nhưng điều này đã đẩy Moscow xích lại 2 khách hàng lớn: Trung Quốc và Ấn Độ.
Đội tàu bóng tối
Kế hoạch trừng phạt của phương Tây được cho một cách để khiến Nga bị giảm doanh thu từ dầu mỏ mà không khiến giá năng lượng toàn cầu tăng đột biến. Nhưng nó dẫn đến “tác dụng phụ” là việc định hình lại cơ cấu tài chính của thương mại dầu mỏ và hàng hải. Một số chuyên gia dự báo, xu hướng này sẽ khó có thể đảo ngược ngay cả khi xung đột Nga-Ukraine kết thúc hoặc sau khi các lệnh trừng phạt hiện tại được dỡ bỏ.
“Hạm đội bóng tối và các lựa chọn thay thế bảo hiểm hàng hải phương Tây không phải là mới. Iran đã sử dụng chúng trong nhiều năm. Giờ đây, khi một nhà sản xuất lớn như Nga cũng sử dụng tới, chúng càng trở nên phổ biến hơn”, ông Eddie Fishman, học giả nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu thuộc Đại học Columbia, cho biết.
“Nếu không có hành động phối hợp để khiến Nga phải trả giá đắt hơn khi sử dụng các dịch vụ thay thế cho các dịch vụ của phương Tây, chúng sẽ phát triển và trở thành một đặc điểm mang tính cấu trúc của thương mại dầu mỏ thế giới”, ông Fishman nói.
Tầm quan trọng của đội tàu bóng tối đối với Moscow là điều rõ ràng khi chúng vận chuyển tới 45% lượng dầu của Nga trong năm nay.
Lars Barstad, Giám đốc điều hành bộ phận quản lý của Frontline Ltd., chủ sở hữu của một số siêu tàu chở dầu khổng lồ trên thế giới, cho biết: “Vai trò của hạm đội bóng tối ngày càng trở nên rõ ràng và xu hướng này sẽ vẫn tiếp tục nếu các cơ quan quản lý không có giải pháp đối phó”.
Khách hàng và đối tác mới
Các chủ sở hữu đội tàu trong nước và các đội tàu bóng tối đã cùng nhau vận chuyển hơn 70% hàng hóa dầu của Nga trong 9 tháng đầu năm 2023, cho phép Moscow duy trì quyền kiểm soát xuất khẩu và tăng dần giá dầu.
Dữ liệu hải quan chính thức của Ấn Độ cho thấy giá dầu Nga phải trả trung bình là 72 USD/thùng trong năm nay tính đến thời điểm dầu đến quốc gia châu Á này. Theo dữ liệu do Viện KSE tại Kiev (Ukraine), mức giá này cao hơn 12 USD so với giá công bố tại điểm xuất khẩu ở Nga (60 USD, bằng mức trần mà G7 đã áp).
Dữ liệu của Argus Media, chuyên theo dõi về giá hàng hóa và năng lượng, cho thấy có sự chênh lệch tương tự kể từ tháng 3.
Trước tháng 2/2022, phần lớn dầu mỏ của Nga được xử lý bởi một nhóm nhỏ gồm các nhà bán buôn siêu quyền lực, vốn không đặt trụ sở ở các trung tâm lớn của thế giới như London và Geneva, như Tập đoàn Vitol, Glencore Plc và Tập đoàn Trafigura. Họ đã vận chuyển khoảng 40% lượng dầu thô Urals của Nga vào năm 2021.
Bộ ba công ty này đã rút khỏi hoạt động buôn bán dầu thô của Nga không lâu sau khi xung đột bùng phát do lo ngại các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, thay thế họ là những tổ chức nhỏ hơn và khó “truy vết” hơn với các chi nhánh và trụ sở không rõ ràng.
Ngoại trừ Lukoil PJSC của Nga, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc và Tập đoàn Dầu mỏ Ấn Độ, 5 khách hàng mua dầu hàng đầu của Nga hiện nay đều là những thực thể không rõ danh tính.
Theo dữ liệu của Viện KSE, một trong số các công ty chỉ được thành lập sau tháng 2/2022. Một số công ty khác, trong đó có Bellatrix Energy và Nord Axis Ltd, có liên kết chặt chẽ với các nhà sản xuất riêng lẻ của Nga.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, Bellatrix đã xử lý khoảng 20% lô hàng từ Surgutneftegas, nhà xuất khẩu lớn thứ ba của Nga trong giai đoạn đó. Trong khi Nord Axis, được thành lập tại Hong Kong vào ngày 15/2/2022 – chỉ 9 ngày trước khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát. Nord Axis chỉ mua dầu thô từ Rosneft PJSC. Gần 1/3 doanh thu của Rosneft PJSC đến từ Nord Axis.
“Tác dụng phụ” của lệnh trừng phạt
Ông Ben Cahill, thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết: “Các lệnh trừng phạt có mục đích rõ ràng. Nhưng thực tế là cuối cùng chúng lại dẫn đến một đội tàu chở dầu lớn hoạt động ngoài tầm với của các cơ quan quản lý phương Tây, có lẽ là với bảo hiểm dưới mức trung bình”.
Điều này không phải là không được chú ý đến. Kể từ ngày 12/10, Bộ Tài chính Mỹ đã xử phạt 8 tàu chở dầu vì vi phạm mức trần giá dầu, trong đó có 6 tàu thuộc sở hữu của Sovcomflot, công ty tàu chở dầu được nhà nước Nga hậu thuẫn.
Chính quyền Mỹ cũng đã gửi thư cho các nhà vận hành khoảng 100 tàu chở dầu để yêu cầu cung cấp thông tin về khả năng vi phạm mức trần giá dầu. Trong khi đó, EU cũng đang nghiên cứu việc áp dụng một hệ thống thông báo yêu cầu phải có sự cho phép từ cơ quan quản lý của khối để bán hoặc xuất khẩu tàu chở dầu và các tàu đã qua sử dụng.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ hiện muốn tăng chi phí mà Nga phải chịu khi xuất khẩu dầu.
Cố vấn An ninh Năng lượng của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Amos Hochstein, nói rằng, Bộ Tài chính Mỹ và các cơ quan khác sẵn sàng hành động nếu họ thấy cần phải giảm thêm mức trần giá dầu của Nga. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến việc tăng giá năng lượng trên toàn thế giới trong khi Tổng thống Biden sắp bước vào chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024.
Các nhà kinh doanh và phân tích về dầu mỏ cho rằng, cho dù phương Tây tiếp tục tìm cách giảm thêm mức trần giá dầu Nga, Moscow sẽ vẫn có cách giải quyết mà họ có thể sử dụng: đội tàu bóng tối.
“Các nhà hoạch định chính sách luôn có mục tiêu kép: đảm bảo thị trường có đủ nguồn cung đồng thời làm giảm doanh thu trên mỗi thùng dầu mà Nga bán ra. Có vẻ mục tiêu thứ nhất đang được ưu tiên. Trong khi đó, Nga đã chuyển phần lớn xuất khẩu dầu thô và sản phẩm của mình ra khỏi phạm vi dễ bị tác động bởi các lệnh trừng phạt của G-7”, ông Cahill bình luận.