Nga – Thổ Nhĩ Kỳ lại bắt tay nhau giữa lúc “nước sôi lửa bỏng”
VOV.VN -Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ngày 10/10 ký một thỏa thuận về xây dựng đường ống dẫn khí dưới biển và cam kết tìm tiếng nói chung trong cuộc khủng hoảng Syria.
Đây là động thái đẩy nhanh việc bình thường hóa quan hệ sau giai đoạn lạnh nhạt kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ bị bắn hạ một máy bay chiến đấu của Nga hồi cuối năm 2015.
Reuters đưa tin, sau cuộc gặp giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan với người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại vila Ottoman ở Istanbul, ông Erdogan đã khẳng định với báo chí: “Chúng tôi vừa ký thỏa thuận về dự án đường ống khí đốt “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”, và chúng tôi cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án này. Tôi tin rằng, quá trình khôi phục quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sẽ nhanh chóng tiếp tục”.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bắt tay người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Istanbul. (ảnh: AFP) |
Mối quan hệ ấm lên giữa một nước thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ và Nga diễn ra trong bối cảnh cả hai quốc gia đang gặp những vấn đề về kinh tế và quan hệ với phương Tây.
Ông Putin thông báo Moscow đã quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với thực phẩm từ Thổ Nhĩ Kỳ. Quyết định cấm này được Nga đưa ra sau khi máy bay chiến đấu của Ankara bắn hạ chiến đấu cơ Nga gần biên giới Syria hồi tháng 11/2015.
Hai nhà lãnh đạo cũng đồng ý tiếp tục làm việc để tiến tới bình thường hóa hoàn toàn quan hệ song phương.
Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã ký một thỏa thuận về đường dẫn khí dưới biển TurkStream, cho phép Moscow củng cố vị thế trong thị trường khí tự nhiên châu Âu và giảm phụ thuộc vào Ukraine trong việc dẫn năng lượng Nga vào châu Âu.
Trước đó, Chủ tịch Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga, ông Aleksei Miller cho biết, thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ dự định xây dựng hai nhánh tuyến đường ống dẫn khí đốt đi qua đáy Biển Đen, công suất mỗi nhánh hơn 15 tỷ mét khối khí đốt/năm.
Dự kiến, toàn bộ khí đốt được cung cấp qua nhánh thứ nhất dành cho người tiêu dùng Thổ Nhĩ Kỳ. Nhánh thứ hai kỳ vọng hướng đến thị trường châu Âu, tuy nhiên nhánh này chỉ có thể được xây dựng sau khi nhận được sự đảm bảo phù hợp từ phía Liên minh châu Âu (EU) và việc triển khai nhánh thứ hai của dự án này sẽ phụ thuộc vào tình hình thị trường khí tự nhiên ở châu Âu. Theo thỏa thuận, cả hai nhánh của đường ống này phải xây xong trước tháng 12/2019.
Ông Erdogan cũng nói về kế hoạch Nga xây dựng cho Thổ Nhĩ Kỳ một nhà máy điện hạt nhân đang được thúc đẩy.
Năm 2013, tập đoàn năng lượng hạt nhân Rosatom của Nga đã giành được hợp đồng trị giá 20 tỷ USD để xây dựng 4 lò phản ứng trong nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng quá trình xây dựng bị gián đoạn sau vụ việc máy bay chiến đấu Nga bị bắn rơi.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hướng tới một giải pháp chấm dứt đổ máu ở Syria
Cuộc khủng hoảng Syria từng được ông Erdogan đánh giá là “rất nhạy cảm” trước cuộc gặp với người đồng cấp Putin. Thổ Nhĩ Kỳ cũng từng nói rằng 2 nước chưa tìm được tiếng nói chung trong vấn đề này.
Tuy nhiên, theo Sputnik, trong cuộc gặp hôm qua, Tổng thống Nga và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ đã đề cập thẳng thắn tới vấn đề Syria. Cả hai đều thống nhất rằng việc khẩn cấp hiện nay là chấm dứt bạo lực tại khu vực này. Các nhà lãnh đạo đã thống nhất tăng cường tiếp xúc quân sự và tình báo và phát triển hơn nữa hợp tác quân sự-kỹ thuật.
Một vụ đánh bom xe ở Aleppo, Syria. (ảnh: Sputnik) |
Ông Putin nói: “Cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều sớm ủng hộ việc chấm dứt đổ máu ở Syria. Nga tin rằng, việc chuyển sang giai đoạn giàn xếp trong thời gian sớm nhất. Chúng tôi tin rằng, những người yêu chuộng hòa bình đều ủng hộ đề xuất này”.
Đáp lại, ông Erdogan trả lời: “Chúng tôi đã trao đổi rất nhiều về tình hình Syria, về chiến dịch Lá chắn Euphrates của Thổ Nhĩ Kỳ và đánh giá cách chúng tôi có thể hợp tác với nhau theo hướng này”.
Cả hai nhà lãnh đạo cho biết họ đều đặc biệt chú ý đến tầm quan trong của hoạt động cứu trợ tại thành phố Aleppo, nơi những người dân đang lâm vào tình cảnh khốn cùng và phe nổi dậy đang bị quân đội chính phủ Syria bao vây từ tháng 7 tới nay.
Tuy nhiên, một vấn đề khiến 2 bên chưa thống nhất được với nhau là việc Nga ủng hộ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad với chiến dịch không kích kéo dài 1 năm nhằm vào phe nổi dậy, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ phe nổi dậy và muốn ông Assad từ bỏ quyền lực.
Ông Erdogan cho biết Moscow và Ankara sẽ có thêm các cuộc đàm phán về xung đột ở Syria. Nhưng đường như 2 bên rất khó tìm được tiếng nói chung khi mà quan điểm vẫn còn một khoảng cách quá lớn./.
Những nốt thăng trầm trong quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ