Nga tìm cách xuyên thủng phòng không Ukraine, đánh vào cơ sở trọng yếu
VOV.VN - Trong giai đoạn mới của cuộc xung đột với Ukraine, Nga tìm cách vô hiệu hóa phòng không đối phương để đánh thẳng vào cơ sở trọng yếu của họ. Vũ khí lợi hại của Nga khi này là UAV, bom lượn và tên lửa đạn đạo - không quá đắt nhưng rất khó bị đánh chặn.
Hướng đi mới của Nga nhằm chọc thủng phòng không Ukraine
Nga có nhiều dấu hiệu đang đẩy mạnh sản xuất bom lượn và tên lửa đạn đạo - những thứ vũ khí không quá hiện đại và tốn kém nhưng lại rất khó đánh chặn. Nga cũng tăng cường sản xuất máy bay không người lái (UAV). Đây là chiến lược của Nga nhằm tạo ra một đợt phá hủy mới đối với cơ sở hạ tầng của Ukraine.
Kể từ ngày 29/12/2023, Nga đã tiến hành các cuộc tập kích gần như hàng ngày bằng các loại UAV và tên lửa khác nhau để dò tìm điểm yếu trong hệ thống phòng không của Ukraine.
Hôm 8/1/2024, Ukraine chỉ đánh chặn được 18 trong loạt 51 tên lửa Nga phóng vào các vùng Kharkov, Dnipropetrovsk, Zaporizhia và Khmelnytskyi.
Thành công của Nga một phần là nhờ vào sử dụng 6 quả tên lửa đạn đạo Iskander và 8 quả Kinzhal. Các tên lửa này lao ở tốc độ 9.000-12.000km/h vào giai đoạn cuối và rất khó đánh chặn.
Khác với tên lửa hành trình, các tên lửa đạn đạo nói trên có thể “miễn nhiễm” trước hệ thống tác chiến điện tử hoạt động dựa trên việc can thiệp vào dẫn đường bằng GPS, vì tên lửa đạn đạo mang theo hệ thống dẫn đường quán tính.
Lý do khác cho thành công của Nga có lẽ nằm ở việc họ đã vạch ra được những điểm yếu trong hệ thống phòng không Ukraine sau nhiều ngày Nga tấn công đối phương.
Phát ngôn viên không quân Ukraine, Yuri Ignat, nói với phóng viên rằng 2 lý do trên lý giải việc Ukraine đã bắn hạ tên lửa Nga với tỷ lệ rất thấp vào ngày 8/1.
Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) có trụ sở ở Washington (Mỹ) cho hay, tên lửa đạn đạo tầm ngắn “có vẻ hiệu quả hơn trong việc xuyên thủng hoặc lẩn tránh phòng không Ukraine”.
Viện này cho biết thêm, từ ngày 29/12/2023, Ukraine chặn được không ít tên lửa hành trình của Nga, nhưng trong cùng khoảng thời gian đó, Ukraine chỉ chặn được rất ít tên lửa đạn đạo của Nga.
Theo ISW, Nga có năng lực sản xuất khoảng 42 tên lửa Iskander và 4 tên lửa Kinzhal mỗi tháng và nước này đang tìm kiếm thêm tên lửa đạn đạo từ Iran và Triều Tiên nhằm tạo ra hỏa lực áp đảo Ukraine. Diễn biến này khiến cả Mỹ và Ukraine đều lo ngại.
Phát ngôn viên an ninh quốc gia Mỹ John Kirby hôm 4/1/2024 thông báo trong một cuộc họp báo của Nhà Trắng rằng Nga đã sử dụng tên lửa đạn đạo Triều Tiên để tấn công Ukraine trong các ngày 30/12/2023 và 2/1/2024. Ukraine đồng ý với thông báo của ông Kirby.
Một chuyên gia về vũ khí nói với Reuters rằng loại tên đó có thể là mẫu KN-23 của Triều Tiên.
Khai thác bom lượn và UAV
Nga cũng thử nghiệm bom lượn để đánh vào chiến tuyến Ukraine trong vài tháng qua và thu được kết quả đáng kể. Đây là những quả bom rơi tự do, được thả từ máy bay. Chúng được gắn thêm cánh (điều chỉnh được) để bay xa hơn và chính xác hơn. Loại bom này rẻ hơn nhiều so với tên lửa có dẫn đường, đồng thời khó bị gây nhiễu.
Điểm yếu của bom lượn nằm ở chỗ máy bay phải đưa bom này vào bán kính 25km tính từ mục tiêu, và do vậy lọt vào tầm bắn của đối phương. Ukraine đã tận dụng điều này để bắn hạ một số máy bay ném bom của Nga vào cuối tháng 12/2023.
Hôm 10/1/2024, hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đưa tin, Nga sẽ đưa vào sản xuất một loại bom lượn mới, với nhiều cải tiến kỹ thuật. Bom lượn Drel của Nga sẽ được đưa vào sử dụng trong năm 2024 này và có thể tạo ra thách thức mới cho lực lượng phòng thủ Ukraine.
Nga cũng cho biết, họ sẽ đầu tư 7,7 tỷ USD nhằm tăng gấp 3 sản lượng UAV nội địa vào năm 2030 - Phó Thủ tướng thứ nhất của Nga Andrei Belousov thông báo như vậy vào ngày 6/1/2024.
Ông Belousov nói với TASS: “Theo kế hoạch, khối lượng sản xuất UAV hàng năm, không tính loại dành cho mục đích giáo dục, là 32.500 đơn vị. Mức sản lượng đó gần như cao gấp 3 lần so với hiện nay”.
Khi kết hợp lại, 3 loại công nghệ - bom lượn, tên lửa đạn đạo và UAV - có thể áp đảo năng lực đánh chặn của Ukraine.
Phát ngôn viên không quân Ukraine, Yuri Ignat, thừa nhận không úp mở rằng Ukraine hiện thiếu tên lửa phòng không có dẫn đường.
Cơ quan mua sắm của khối quân sự NATO tuần này cho hay, họ sẽ chi 5,5 tỷ USD để hỗ trợ việc mua 1.000 quả tên lửa phòng không Patriot cho các nước thành viên và xây dựng một nhà máy sản xuất Patriot tại Đức nhưng không rõ liệu trong số tên lửa mới này, có quả nào được gửi tới Ukraine hay không.
Để tiết kiệm tên lửa Patriot, Ukraine đã phải đẩy mạnh sử dụng các tổ hợp phòng không di động đặt trên các xe bán tải. để chống lại UAV Shahed của đối phương. Đây có thể là tên lửa dẫn đường hiện đại song nhiều khi cũng chỉ là súng máy hạng nặng như thời Thế chiến II.