Nga tố phương Tây lặng thinh về các vụ tấn công bằng UAV vào Moscow
VOV.VN - Giới chức Nga cho rằng các đồng minh phương Tây của Ukraine đáng lẽ phải lên án vụ tấn công bằng UAV vào thủ đô Moscow. Họ cho rằng việc phương Tây từ chối lên án là bằng chứng cho thấy Nga đang đối đầu thực sự với phương Tây.
Nga mòn mỏi chờ đợi phương Tây lên án cuộc tấn công vào Moscow
Những lời chỉ trích của giới chức điện Kremlin được đưa ra chỉ một ngày sau khi xảy ra vụ tập kích bằng UAV vào thủ đô Moscow.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitri Peskov lên tiếng: Nga “thực sự mong muốn nghe ít nhất vài lời lên án” từ phía thủ đô các nước phương Tây về vụ tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) đó.
Ông Peskov nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ bình tĩnh và chủ động suy nghĩ cách ứng phó với điều này”.
Hiện chưa có đồng minh nào của Ukraine đi xa tới mức công khai đồng tình với vụ tấn công UAV đó. Tuy nhiên, ngoại trưởng Anh hôm 30/5 có nói rằng Kiev “có quyền phóng chiếu sức mạnh vượt ra bên ngoài biên giới của mình”.
Phản ứng của Mỹ thận trọng hơn, họ vẫn không chỉ trích vụ tấn công quân sự đầu tiên nhằm vào các khu dân sự ở thủ đô Nga kể từ đầu cuộc xung đột Nga - Ukraine. Còn giới chức Ukraine cho hay, họ không “trực tiếp liên quan” đến vụ tấn công bằng UAV.
Ngay từ đầu xung đột với Ukraine, Nga đã mô tả chiến dịch quân sự của họ là mang tính phòng thủ trước sự khiêu khích của phương Tây. Vào ngày 31/5 Nga đã chớp lấy thời cơ từ vụ tấn công bằng UAV để chỉ trích phương Tây.
Cựu Tổng thống Nga, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev nói rằng Anh “trên thực tế đang dẫn dắt một cuộc chiến không tuyên nhằm vào Nga” khi cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine và gọi Nga là “kẻ thù vĩnh viễn của chúng ta”.
Ông Medvedev lại tuyên bố cứng rắn như sau: Giờ đây bất cứ quan chức Anh nào cũng “có thể bị xem là một mục tiêu quân sự hợp pháp”.
Đại sứ quán Nga tại Mỹ thông qua ứng dụng Telegram đã dẫn lời Đại sứ Nga tại Washington Anatoly Antonov gọi việc Mỹ từ chối lên án vụ tấn công là “hành vi khuyến khích khủng bố”.
Mặc dù vụ tập kích UAV vào thủ đô Moscow hôm 30/5 là khá bất thường, đây không phải là lần đầu tiên có một vụ tấn công vào lãnh thổ Nga kể từ khi xung đột nổ ra. Hồi đầu tháng 5 này, UAV từng phát nổ ngay phía trên điện Kremlin.
Các cuộc xâm nhập bằng UAV như thế tiếp diễn vào hôm 31/5, khi giới chức Nga cho biết, UAV Ukraine tấn công 2 nhà máy lọc dầu ở khu vực Krasnodar. Họ cũng cho biết, 4 người đã bị thương do đạn pháo ở khu vực biên giới Belgorod.
Thực tế chiến trường sát với tuyên bố của Nga?
Đã từ lâu Nga tố phương Tây triển khai chiến tranh ủy nhiệm chống lại Nga. Những cáo buộc như thế càng được Nga đẩy lên vào tháng 5 này khi một nhóm vũ trang được cho là gồm người Nga và có căn cứ ở Ukraine đã thực hiện cuộc tấn công trong nhiều ngày ở vùng Belgorod nằm ở vùng biên giới giáp Ukraine, có vẻ là sử dụng các xe thiết giáp Mỹ.
Một phân tích của tờ New York Times phát hiện ra rằng ít nhất 3 trong số các xe có vẻ là thiết giáp hạng nhẹ MRAP do Mỹ sản xuất tham gia cuộc tấn công trên. Chỉ huy của một trong các nhóm này tuyên bố vũ khí họ dùng không phải do quân đội Ukraine cung cấp.
Các quan chức Nga nói rằng việc khối quân sự NATO quyết định cung cấp vũ khí ngày càng hiện đại cho Ukraine làm gia tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO cũng như nguy cơ chiến tranh hạt nhân.
Hôm 30/5, Tổng thống Nga Putin đã nói đầy ám chỉ về mối đe dọa này, gọi cuộc tấn công bằng UAV vào Moscow là một nỗ lực “tạo ra phản ứng đáp trả từ phía Nga”. Ông tố cáo có các lực lượng cố gắng phá ngoại ngầm một nhà máy hạt nhân Ukraine do Nga chiếm giữ và sử dụng “bom bẩn” liên quan đến ngành hạt nhân.
Ban đầu các chính phủ phương Tây tập trung ủng hộ quân sự cho Ukraine theo hướng tăng cường khả năng phòng thủ. Nhưng theo thời gian, khát khao chấm dứt nhanh chóng xung đột quân sự này đã dẫn tới việc gia tăng cung cấp vũ khí tiến công cho Kiev.
Tại một hội nghị về an ninh vào ngày 31/5 ở Slovakia, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng các đồng minh phương Tây phải trao cho Ukraine các bảo đảm an ninh “hữu hình và đáng tin cậy” trong cuộc đối đầu vũ trang với Nga.
Ông Macron phát biểu như sau: “Nếu chúng ta muốn một nền hòa bình lâu dài, đáng tin cậy, nếu chúng ta muốn đáng tin trong lòng người Ukraine thì chúng ta phải trao cho Ukraine các phương tiện để ngăn ngừa bất cứ sự xâm lấn nào mới và để đưa Ukraine vào trong bất cứ kiến trúc an ninh nào mới”.
Hồi đầu xung đột Ukraine, Tổng thống Macron bị chỉ trích vì không có thái độ cứng rắn với Nga. Tuy nhiên, cách tiếp cận của ông Macron đối với Nga đang ngày càng trở nên cứng rắn.
Trong khi đó, hôm 31/5 Đức cho biết họ đã ra lệnh cho 4 trong số 5 lãnh sự quán của Nga ở Pháp phải đóng cửa sau khi Moscow giới hạn số các nhân viên ngoại giao Đức được phép hoạt động ở Nga. Đây là diễn biến mới nhất trong hoạt động đáp trả lẫn nhau về mặt ngoại giao giữa hai nước./.