Nga tự làm khó trước tuyến phòng thủ kiên cố để ngăn Ukraine phản công
VOV.VN - Quân đội Nga đã dựng nhiều hệ thống phòng thủ, củng cố các vị trí của mình ở miền Đông và miền Nam để ứng phó với cuộc phản công của Ukraine. Tuy nhiên, tuyến phòng thủ bằng mìn đang đặt ra thách thức lớn cho Ukraine nhưng cũng có thể tự làm khó Nga.
Ukraine loay hoay tìm cách vượt bãi mìn Nga
Trong tất cả những trở ngại mà Ukraine phải đối mặt trong cuộc phản công, mìn sát thương và mìn chống tăng của Nga là trở ngại lớn nhất.
Theo các nhà quan sát, Nga đã tạo ra bãi mìn dọc chiến tuyến trải dài hơn 1.200km ở Ukraine. Số lượng mìn lớn, kết hợp với việc bố trí và sử dụng chiến lược các bẫy mìn sát thương, gây ra thách thức lớn đối với nỗ lực phản công của Ukraine ngay cả khi nước này được trang bị xe tăng của phương Tây. Những bãi mìn này đã buộc một số binh sĩ Ukraine phải bỏ lại xe tăng do phương Tây sản xuất và đi bộ để tránh kích hoạt mìn.
Tuyến phòng thủ bằng mìn của Nga đã làm chậm tiến độ phản công ở phía Nam của Ukraine. Sau hơn 2 tháng, Ukraine vẫn chưa thể chọc thủng bất kỳ mạng lưới phòng thủ nào của Nga, từ các bãi mìn, chiến hào và công sự.
Tổng thống Volodymyr Zelensky nói cuộc phản công diễn ra không như mong đợi là do sự chậm trễ trong việc cung cấp vũ khí tiên tiến của phương Tây. Nhà lãnh đạo Ukraine cho rằng chính sự chậm trễ này đã tạo cơ hội cho Nga có thêm thời gian thiết lập các bãi mìn và một số tuyến phòng thủ.
Ukraine đã phải thay đổi chiến lược phản công vào mùa hè này sau khi nhiều xe tăng và xe chiến đấu bộ binh do phương Tây cung cấp bị mắc kẹt trong các cánh đồng rải đầy mìn. Điều này khiến xe tăng của Ukraine dễ bị nhắm mục tiêu bởi pháo binh Nga và máy bay không người lái tấn công.
Thay vì tiến công bằng xe tăng và xe chiến đấu bộ binh mà phương Tây cung cấp, các đơn vị Ukraine chuyển sang di chuyển bằng chân một cách từ từ.
Tướng Valery Zaluzhny, Tổng tư lệnh quân đội Ukraine, cho rằng, Ukraine cần máy bay chiến đấu như F-16 do Mỹ sản xuất cùng các hệ thống khác để có được sự yểm trợ tốt hơn cho hoạt động tác chiến trên bộ. Theo ông Zaluzhny, Ukraine cần đến thiết bị đặc biệt, đó là thiết bị rà phá bom mìn điều khiển từ xa.
Hệ thống phòng thủ Nga có phản tác dụng?
Hệ thống phòng thủ trải đầy mìn ở mặt trận phía Nam cũng có thể là hạn chế đối với quân đội Nga. Những bãi mìn trải dài hàng trăm km, hàng triệu thiết bị kích nổ, ở một số nơi trên tiền tuyến, mật độ rải mìn lên đến 5 quả/m2. Điều này có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng đối với các lực lượng Nga trong quá trình tiến công.
“Nga đã thiết lập những bãi mìn dày đặc ở phía Nam tới mức các lực lượng của họ cũng khó có thể tiến lên. Lực lượng Nga có nguy cơ sẽ mắc kẹt ở những bãi mìn do chính họ rải trên khắp miền Nam”, Mark Voyger, cựu cố vấn đặc biệt về các vấn đề Nga và Á - Âu cho Tư lệnh Lục quân Mỹ tại châu Âu, Tướng Ben Hodges, cho hay.
Theo ông Voyger, ngay cả khi cuộc phản công của Ukraine diễn ra chậm trễ và Nga tận dụng cơ hội này để tiến lên, Moscow cũng sẽ không thể làm điều đó ở thời điểm hiện tại trước những bãi mìn chết chóc.
“Ở phía Nam, hoạt động tấn công của Nga bị ràng buộc bởi các phòng tuyến này. Nếu Nga muốn thể hiện sự chủ động, sức mạnh chiến thuật cũng như sự cơ động, có lẽ mặt trận phía Đông sẽ phù hợp hơn. Tôi nghĩ Nga đã không lập bản đồ theo dõi vị trí mìn”, chuyên gia Voyger cho biết.
Erik Kramer, Giám đốc và nhà đồng sáng lập của Nhóm Hỗ trợ Quốc phòng Ukraine có trụ sở tại Kiev, cũng đồng tình với quan điểm trên, cho rằng Nga đã rải mìn với số lượng lớn ở khu vực phía Nam Ukraine.
“Việc rải mìn không theo nguyên tắc có thể gây ra rắc rối cho Nga. Vấn đề với tất cả các bãi mìn này là Nga không lập bản đồ mìn. Ở phương Tây hay ở Mỹ, bất cứ khi nào chúng tôi thiết lập một bãi mìn thì phải có một bản đồ rộng lớn được cung cấp cho tất cả các bên, đặc biệt là các lực lượng đồng minh”, ông Kramer cho hay.
“Nếu có bản đồ mìn, sẽ có những tuyến đường để bên rải mìn có thể vượt qua những bãi mìn. Nhưng Nga không có bản đồ mìn như vậy”.
Ông Kramer cũng nhắc lại những hình ảnh được quân đội Ukraine gửi về từ chiến trường.
“Họ cho tôi xem một số bức ảnh về một khu vực nhiều cây cối rộng khoảng 10m2. Có 10-15 quả mìn sát thương được ném xuống đất, ở khắp nơi và nằm ngay cạnh nhau. Họ cũng đặt mìn trên cây. Ngoài ra, họ giấu một số quả mìn khiến đối phương tin rằng đã tìm thấy được hết mìn nhưng không phải vậy”, ông Kramer nói.