Nga từng bước dập tắt cơ hội lật ngược tình thế của Ukraine trong cuộc chiến UAV
VOV.VN - Nga đã vạch ra một kế hoạch rõ ràng trong cuộc chiến UAV để ngăn Ukraine đạt được bất kỳ đột phá nào mặc dù đây là lĩnh vực Kiev từng có lợi thế trong giai đoạn đầu xung đột.
Cuộc chiến UV chi phối chiến trường
Mùa đông lại quay lại Ukraine với những lớp tuyết dày, nhiệt độ giảm sâu và ngày ngắn lại. Trong những đêm dài, gần 2 năm kể từ khi xung đột nổ ra, bầu trời dọc 1.000 km tiền tuyến không lúc nào vắng bóng UAV của Nga và Ukraine. Trong nhiều thế kỷ qua, có những cuộc xung đột đã phải tạm dừng khi các điều kiện khắc nghiệt đẩy con người đến giới hạn của sự chịu đựng. Hiện nay, các binh lính của Ukraine cố thủ trong các chiến hào và cứ điểm cũng đang chật vật trước mùa đông băng giá.
Tuy nhiên, UAV - phương tiện chi phối chiến trường hiện nay, chỉ bị giới hạn bởi thời lượng pin của chúng - bị rút ngắn do thời tiết lạnh giá, và mức độ sẵn có của các camera nhìn đêm.
Trong những tháng đầu xung đột, tiền tuyến đã dịch chuyển nhanh chóng khi các lực lượng của Ukraine đẩy lùi cuộc tấn công của Nga. Kiev được cho là chiếm ưu thế trong cuộc chiến UAV, áp dụng những công nghệ thương mại và sử dụng các vũ khí mới để ngăn cản Moscow tấn công. Nhưng từ tháng 10/2022, hầu như có rất ít sự thay đổi về quyền kiểm soát lãnh thổ giữa hai bên.
Quân đội Ukraine đạt được một số thành quả gần đây, chẳng hạn như các cuộc tấn công chính xác vào Hạm đội Biển Đen và các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Dù vậy, Moscow đã điều chỉnh chiến lược và lợi thế trong xung đột đang nghiêng về phía họ. Nga đã chuyển ngành công nghiệp quốc phòng sang chế độ thời chiến và ngân sách quân sự của nước này cao gấp hơn 2 lần so với mức trước chiến tranh. Nga cũng phóng hàng nghìn UAV - trong đó có các mẫu Shahed do Tehran thiết kế, hiện được lắp ráp tại Iran và Nga - với những khả năng mới để nhắm vào các hệ thống phòng thủ đắt đỏ mà phương Tây cung cấp cho Ukraine.
Giới quan sát nhận định, để loại bỏ lợi thế của Nga trong giai đoạn này của xung đột, Ukraine và các đối tác không chỉ cần tăng cường sản xuất quốc phòng mà còn cần đầu tư vào phát triển và mở rộng các công nghệ có thể đối phó với các UAV mới của Nga.
UAV tập trung nhiều nhất dọc tiền tuyến phía Đông Ukraine. Khi được hỏi vũ khí diệt tăng hiệu quả nhất trong kho vũ khí của mình là gì, các chỉ huy của Ukraine đều đưa ra cùng một câu trả lời: Đó là các máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV).
Theo một chỉ huy của Ukraine, các máy bay không người lái FPV linh hoạt hơn một cuộc pháo kích càn quét trong giai đoạn đầu tấn công. Trong một cuộc tấn công thông thường, việc nã pháo sẽ chấm dứt khi lực lượng của một bên tiếp cận chiến hào của đối phương. Nhưng các máy bay không người lái FPV chính xác tới nỗi các phi công điều khiển có thể tiếp tục tấn công mục tiêu cho đến khi các binh lính của họ cách đối phương chỉ vài mét.
Nga dập tắt cơ hội lật ngược tình thế của Ukraine
Theo các nhà quan sát quân sự, hiện Kiev đã mất đi lợi thế trong cuộc chiến UAV. Họ cho rằng các lực lượng của Nga đã "sao chép" nhiều chiến thuật mà Ukraine sử dụng trong mùa hè vừa qua, trong đó có việc tiến hành các cuộc tấn công phối hợp quy mô lớn sử dụng nhiều loại UAV khác nhau.
Đầu tiên, các UAV tình báo, giám sát và trinh sát sẽ bay lơ lửng trên cao để theo dõi và xác định các mục tiêu từ xa. Sau đó, chúng gửi vị trí của đối phương cho các phi công điều khiển máy bay không người lái FPV bay thấp và cơ động cao. Đây là các phương tiện có thể tiến hành tấn công chính xác nhằm vào cả mục tiêu cố định và di chuyển từ khoảng cách an toàn so với tiền tuyến. Sau khi những UAV này loại bỏ các mục tiêu ban đầu, các phương tiện quân sự sẽ vượt qua các bãi mìn để bắt đầu cuộc tấn công mặt đất.
Từ cuối năm 2022, Nga đã sử dụng kết hợp 2 loại UAV sản xuất trong nước là Orlan-10 (UAV giám sát) và Lancet (UAV tấn công) để phá hủy mọi thứ từ các hệ thống pháo giá trị cao đến các chiến đấu cơ và xe tăng. Ukraine đã vượt Nga trong các cuộc tấn công UAV trong giai đoạn đầu xung đột nhưng hiện nay nước này không có các UAV phối hợp với nhau để theo kịp cặp đôi UAV nguy hiểm mới này của Nga.
Cặp đôi Orlan-Lancet đang đóng vai trò quyết định trong giao tranh. Năng lực tác chiến điện tử vượt trội của Nga cho phép nước này gây nhiễu cũng như đánh lừa tín hiệu giữa các UAV của Ukraine và phi công điều khiển. Nếu Ukraine muốn vô hiệu hóa các UAV của Nga thì các lực lượng của họ cần có năng lực tương tự.
Một số lượng hạn chế trong các lữ đoàn của Ukraine đã có được thiết bị gây nhiễu từ các nhà cung cấp Mỹ hoặc các công ty khởi nghiệp trong nước. Nếu không có thiết bị này, các UAV tấn công và các thiết bị gây nhiễu của Nga có thể đẩy các lực lượng của Kiev khỏi các vùng lãnh thổ mà họ đã chật vật giành lại.
Hầu hết vũ khí phương Tây đều "yếu thế" trước các hệ thống phòng không và các cuộc tấn công điện tử của Nga. Khi tên lửa và UAV tấn công nhắm vào các vị trí của Nga, chúng thường bị đánh lửa hoặc bắn hạ. Các vũ khí của Mỹ cũng thường bị các thiết bị gây nhiễu GPS đe dọa. Một số lượng nhỏ chiến đấu cơ F-16 của Mỹ sẽ đến tay Ukraine vào nửa sau của năm nay và chúng sẽ nhanh chóng nhắm vào các chiến đấu cơ của Nga. Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu các tiêm kích F-16 sẽ thể hiện khả năng như thế nào giữa bối cảnh Nga triển khai các hệ thống tác chiến điện tử chủ động và các chiến đấu cơ mang tên lửa tầm xa.
Nga đã tăng cường tấn công quân sự bất chấp thời tiết mùa đông khắc nghiệt và việc tăng cường khả năng sản xuất đã đóng vai trò lớn trong bước tiến gần đây của họ. Các quan chức Ukraine ước tính Nga có thể sản xuất khoảng 100.000 UAV/tháng trong khi Ukraine chỉ có thể đạt được một nửa con số đó.
Lệnh trừng phạt quốc tế không làm dừng lại các hoạt động sản xuất quân sự của Nga. Moscow đã tăng gấp đôi số lượng xe tăng được sản xuất hàng năm trước xung đột, từ 100 lên 200. Các công ty Nga cũng đang sản xuất đạn dược với giá thành rẻ hơn nhiều so với phương Tây. Một quả đạn pháo cỡ nòng 152mm có giá khoảng 600 USD khi sản xuất ở Nga trong khi một quả đạn pháo cỡ nòng 155mm có giá cao gấp 10 lần khi sản xuất ở phương Tây.
Sau nhiều tháng Kiev yên ắng, Nga đã nối lại các cuộc tấn công UAV vào thủ đô của Ukraine. Cho đến nay, các lực lượng của Kiev đã xoay xở để phát hiện và bắn hạ gần như tất cả chiến đấu cơ đang lao tới nhưng sự bảo vệ này sẽ khó có thể duy trì khi Nga thực hiện những nâng cấp công nghệ cho UAV, tăng cường sản xuất trong nước, phát triển các cách thức mới để thoát khỏi sự phát hiện và tiến hành các cuộc tấn công cường độ cao để áp đảo phòng không Ukraine. Bên cạnh đó, Kiev cũng ở thế bất lợi về kinh tế khi một trong những lựa chọn UAV của Nga - đó là Shahed, rẻ hơn nhiều so với các hệ thống phòng không có thể vô hiệu hóa nó.
Mặc dù các hoạt động tấn công mạng của Nga hầu như có rất ít tác động nhưng sự phụ thuộc của quân đội Ukraine vào dữ liệu di động và điện thoại thông minh để phối hợp hành động khiến họ dễ tổn thương trong các cuộc tấn công tương lai.
Với việc khả năng của Nga mở rộng trên nhiều mặt trận, các chỉ huy của Ukraine ngày càng ít lạc quan hơn so với thời điểm cách đây chỉ một vài tháng. Trọng tâm của họ đã chuyển từ tấn công sang phòng thủ để bảo vệ các vị trí và lực lượng hiện tại.
Tình thế của Ukraine trong tương lai
Những tháng tới sẽ trở nên vô cùng khó khăn cho Ukraine. Sức mạnh gia tăng của hệ thống phòng thủ Nga ở phía Đông đã giải thích cho kết quả cuộc phản công không như kỳ vọng của Kiev. Khi các lực lượng của Moscow thăm dò tiền tuyến để tìm điểm yếu của đối phương, quân đội Ukraine đã thực hiện chiến lược "phòng thủ chủ động". Chiến lược này có thể cản trở các cuộc tấn công của Nga nhưng để thành công thì sẽ phải trả một cái giá đắt.
Trong giai đoạn này, khi tiền tuyến hầu như không dịch chuyển, bầu trời sẽ không lúc nào vắng bóng UAV. Ukraine có mục tiêu đạt được 2 triệu UAV vào năm 2024 với một nửa số này sẽ được sản xuất trong nước. Với quá nhiều phương tiện trên không được triển khai, bất kỳ lực lượng hay phương tiện nào di chuyển trên mặt đất đều dễ trở thành mục tiêu. Vì vậy, cả Nga và Ukraine sẽ tập trung vào việc loại bỏ vũ khí của đối phương và tham gia vào các cuộc không chiến giữa các UAV với nhau. Khi tiến bộ công nghệ mở rộng phạm vi của UAV, các phi công điều khiển và các hệ thống hỗ trợ khác có thể ở cách nơi giao tranh hàng trăm km.