Nga và Trung Quốc được gì, mất gì khi Anh rời EU?
VOV.VN - Nga và Trung Quốc khá thân nhau nhưng lại khác biệt trong thái độ về việc Anh rời EU. Sự kiện Brexit khiến họ được gì, mất gì?
Moscow và Bắc Kinh có nhiều điểm chung: đường biên giới dài chung, một thỏa thuận khí gas trị giá 400 tỷ USD, cùng phản đối một phương Tây do Mỹ chi phối.
Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP.
Nguyên thủ 2 nước này đều muốn kiềm chế phạm vi ảnh hưởng của Mỹ - ở Ukraine và ở Biển Đông.
Tuy nhiên họ lại “chia rẽ” về cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh rời khỏi hay ở lại EU.
Nga, Trung Quốc hưởng lợi từ mối quan hệ “chưa từng thấy”
Theo tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc, ban lãnh đạo nước này “lo lắng về hậu quả chính trị” từ kết quả của việc bỏ phiếu “Có” trong cuộc trưng cầu này. Họ đã công khai bày tỏ hy vọng người Anh sẽ ở lại trong EU.
Trong khi đó các phân tích đối với hệ thống truyền thông nhà nước Nga cho thấy họ nghiêng về ủng hộ Anh rời khỏi EU (Brexit).
Tờ International Business Times đã xem xét những cái được và mất của hai cường quốc này khi Anh ra khỏi EU:
Được:
1- Khủng hoảng ở EU là điều thuận lợi cho Moscow: Nếu không có Anh – một trong những nước lớn tiếng nhất ủng hộ EU trừng phạt Nga, thì áp lực lên Kremlin sẽ giảm.
2- Châu Âu yếu hơn kéo theo NATO yếu hơn. Nga từ lâu coi NATO là mối nguy chính trị, quân sự.
3- Thêm cơ hội cho thương mại song phương: Cả Nga và Trung Quốc có thể hưởng lợi từ mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với London.
4- Ít điều tiết về tài chính: Trong trường hợp Anh rời EU, những hạn chế của EU lên khu vực tài chính của Anh sẽ được nới lỏng, điều này thúc đẩy việc tăng cường đầu tư vào các dự án đầu tư của Trung Quốc và Nga.
Trưng cầu dân ý ở Anh về việc rời bỏ EU. Ảnh: IBT. |
Mất:
1- EU và Anh sẽ mất vị thế toàn cầu. Nga có thể hưởng lợi chính trị từ một châu Âu suy yếu nhưng Trung Quốc sợ điều này sẽ có tác dụng tiêu cực lâu dài.
2- EU chia rẽ sẽ ít khả năng làm đối trọng với quyền lực của Mỹ. Giới tinh hoa Trung Quốc không muốn trục quyền lực của Mỹ là trục duy nhất. Tờ Thời báo Hoàn cầu viết: “Một thế giới đa cực đòi hỏi có thêm nhiều lực lượng nữa độc lập với Mỹ và cùng tham gia vào quản trị quốc tế”.
3- Thách thức thị trường đầu tư: Người giàu nhất Trung Quốc, Wang Jialin (đứng đầu tập đoàn Wanda) vào đầu năm nay nói rằng việc Anh rời EU “sẽ tạo thêm trở ngại cho các nhà đầu tư”.
4- Mất giá đồng tiền: Các nền kinh tế châu Á có thể bị giáng những đòn mạnh từ việc mất giá đồng bảng Anh khi Anh rời EU.
5- Sụt giảm thị trường tài chính toàn cầu: Nếu London mất vị thế là cửa ngõ vào thị trường châu Âu thì các công ty quốc tế bao gồm các công ty Nga và Trung Quốc sẽ phải thay đổi các ưu tiên của mình, có thể chuyển hướng hoạt động của mình ở châu Âu – điều này sẽ gây phí tổn đáng kể./.