Nga vẫn sở hữu lợi thế lớn trước Mỹ trong cuộc giành ảnh hưởng ở Ukraine
VOV.VN - Cả Nga và Mỹ đều có những lợi thế riêng trong vấn đề Ukraine. Tổng thống Putin có thể muốn dùng giải pháp mềm để vô hiệu hóa liên minh Mỹ- Ukraine nhưng nếu Washington vượt lằn ranh đỏ của Moscow, ông Putin có thể sử dụng đến sức mạnh nóng.
Tổng sản phẩm quốc gia của Mỹ cao gấp nhiều lần của Nga. Mỹ thống trị hệ thống tài chính quốc tế. Quân đội Mỹ đông hơn và có nhiều năng lực nổi trội, như khả năng tác chiến trong không gian mạng. Bên cạnh đó, Mỹ có được sự ủng hộ của rất nhiều liên minh (có hiệp ước) và đối tác quân sự ở châu Âu cùng nhiều nơi khác trên thế giới. Trái lại, Nga có ít bạn bè và đồng minh, nền kinh tế Nga chưa phải là mạnh và còn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu năng lượng, dân số thì có xu hướng giảm. Trên giấy tờ, Mỹ có vẻ sở hữu nhiều lá bài hơn Nga.
Tuy vậy, trên thực tế, sức mạnh tổng hợp của Nga vẫn đáng nể. Nga lại có thế “gần nhà”. Trong vấn đề Ukraine, Nga thuận lợi hơn Mỹ trong việc đưa số lượng lớn quân sẵn sàng chiến đấu ra trận. Đã thế, quân Nga cũng thông thạo địa hình hơn, và có thái độ sẵn sàng tham chiến hơn quân Mỹ, vì vấn đề Ukraine có ý nghĩ quan trọng sát sườn đối với Nga.
Quân đội Nga đã có những thắng lợi quân sự gần đây ở Syria. Moscow có khả năng đã lên kế hoạch kỹ càng cho tình huống đón nhận các lệnh trừng phạt hà khắc từ Mỹ và châu Âu.
Nếu tình hình buộc họ phải ra tay, quân đội Nga nhiều khả năng sẽ giành chiến thắng, một cách nhanh chóng.
Lợi thế trên bộ
Lục quân Nga có thể triển khai tới 200.000 binh sĩ trong vòng cung từ bắc xuống nam dọc theo mặt trận dài tới 965km.
Các bức ảnh từ vệ tinh cho thấy lượng lớn binh sĩ Nga hiện đang nằm giữa Voronezh và Crimea. Các lực lượng nằm về phía bắc hoặc tây bắc của Kiev có thể hình thành một cuộc tấn công hỗ trợ với mục tiêu ngăn lực lượng Ukraine trong và quanh Kiev di chuyển xuống phía nam để củng cố thế phòng ngự của Ukraine từ Voronezh tới Luhansk và Donetsk
Các đơn vị cơ động của Nga bao gồm xấp xỉ 100 nhóm chiến thuật cấp tiểu đoàn (BTG), các tiểu đoàn bộ binh thiết giáp và bộ binh thiết giáp tăng cường với quân số khoảng 750 đến 1.000 lính, trong đó có các yếu tố pháo binh, công binh, và hỗ trợ. Đa số lực lượng này nằm ở khu vực phía nam của nước Nga, có năng lực đánh về phía tây qua biên giới dọc theo nhiều trục với các mục tiêu chiến thuật nằm dọc theo sông Dnieper.
Khoảng 12 đơn vị BTG đã được bố trí ở vị trí giúp họ dễ dàng di chuyển về phía tây dọc theo bờ Biển Đen, từ đó có thể biến Ukraine thành nước không tiếp xúc được với biển.
Lực lượng cơ động trên bộ của Nga sẽ hoạt động trong khuôn khổ các yếu tố tình báo, trinh sát và theo dõi (ISR) tổ chức chặt chẽ và có liên kết với đội hình tấn công mạnh. Có thể có tới 100 pháo đội rocket.
Đáng lưu ý, kho vũ khí nóng của Nga ở đây bao gồm cả hệ thống BM-30 Smerch – một vũ khí hủy diệt hàng loạt thông thường. Một loạt phóng đồng thời rocket 300mm của 5 hệ thống BM-30 Smerch có thể hủy diệt một khu vực rộng tương đương Công viên Trung tâm ở thành phố New York (Mỹ), với sức nổ tương đương đầu đạn hạt nhân 1 kiloton. Ngoài ra, hệ thống tên lửa cơ động Iskander cũng có thể được huy động vào cuộc, tấn công sân bay, sở chỉ huy, và cơ sở hạ tầng hậu cần với các loại đầu đạn như phân mảnh, xuyên phá, hay nhiệt áp.
Lợi thế trên không
Trong khi đó, ở cấp chiến thuật, chiến dịch và chiến lược, hệ thống phòng không S-400 và S-500 có thể bảo vệ đội hình tấn công và cơ động của Nga trước phản đòn bằng không quân và tên lửa của đối phương. Các thiết bị bay không người lái hoặc có người lái của NATO đều dễ dàng bị phát hiện và hủy diệt bằng các vũ khí phòng không đó của Nga.
Bên cạnh đó, Nga cũng có ưu thế với các thiết bị drone (UAV) trinh sát, máy bay có người lái, và cả các UAV cảm tử. Sau màn tấn công bằng UAV, Nga có thể tung ra đòn hỏa lực rocket có dẫn đường chính xác.
Nếu Mỹ quyết định tham chiến để hỗ trợ Ukraine, máy bay Mỹ có thể vấp phải hệ thống phòng không tiên tiến và năng lực gây nhiễu điện tử lợi hại của Nga. Ưu thế trên không của Mỹ chỉ tỏ rõ trước các đối thủ yếu hơn kể từ sau Chiến tranh Lạnh nhưng không có gì bảo đảm cho ưu thế đó ở Ukraine.
Thế nên, Mỹ đang nghiêng về hướng dùng lệnh trừng phạt khắc nghiệt để đối phó với Nga. Tuy nhiên Nga nhiều khả năng đã trù liệu điều này. Cùng với Trung Quốc, Nga đã chuẩn bị cho khả năng bị loại khỏi “Hệ thống viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn thế giới” (SWIFT). Nếu châu Âu từ chối sử dụng đường ống dẫn khí tự nhiên dòng chảy phương Bắc 2 thì Nga đã có các phương án thay thế. Nga thậm chí có thể sẵn sàng bóp nghẹt việc cung cấp khí gas cho châu Âu vào giữa mùa đông để trả đũa.
Để răn đe việc Mỹ ra tay với hệ thống vệ tinh của Nga, Nga đã bắn tin về quyết tâm loại bỏ các vệ tinh của Mỹ thông qua vụ thử nghiệm thành công tên lửa chống vệ tinh cách đây 2 tuần bất chấp việc Mỹ cực lực phản đối. Ngoài ra, Nga đã xây dựng các hệ thống dự phòng đặt trên mặt đất đề phòng tình huống hệ thống vệ tinh viễn thông và định hướng của họ ngừng hoạt động./.