Nghi vấn các tổ chức đứng sau vụ ám sát Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ
VOV.VN - Vụ ám sát Đại sứ Nga gây rúng động dư luận thế giới. Lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cam kết sẽ truy tìm tổ chức gây ra vụ sát hại Đại sứ Karlov.
Cuộc chiến Syria (có sự liên quan của Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và một số nước khác) đã thêm phần phức tạp khi Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ bị bắn chết ngay tại một triển lãm ở Ankara.
Video cho thấy một viên cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ Đại sứ Karlov khi ông đang phát biểu khai mạc triển lãm.
Hiện trường vụ viên cảnh sát bắn gục Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Getty. |
Hiện chưa có thông tin rõ ràng về động cơ của hung thủ Altintas và các mối liên hệ giữa y và các tổ chức. Tuy nhiên, hiện có một số tổ chức có thái độ thù địch ra mặt với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ở nhiều nơi trong thế giới Hồi giáo, nhiều người tức giận trước việc Nga oanh kích các vị trí ở Aleppo.
Vị tướng Mỹ về hưu Barry McCaffrey nói với CNBC rằng Nga đã sai từ đầu khi tham gia vào cuộc chiến Syria để bảo vệ chế độ Assad. Ông này nhấn mạnh đến việc kẻ thù của ông Assad bao gồm nhiều người Hồi giáo dòng Sunni.
Một nhà báo của hãng NBC (Mỹ) chứng kiến vụ bắn súng cho biết, kẻ tấn công đã nói với Đại sứ Karlov bằng tiếng Nga trước khi hô to “Allahu Akbar” bằng tiếng Arab.
Một kẻ thù khác của cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS. Hai nước Nga-Thổ đã hợp tác trong năm qua để tiến đánh tổ chức khủng bố này. Về phần mình, IS đã thực hiện vô số vụ đánh bom chết chóc trong lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ năm nay.
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ còn mở một cuộc chiến nội bộ dài lâu ở mức độ thấp hơn chống lại lực lượng của người Kurd sống chủ yếu ở miền đông Thổ Nhĩ Kỳ.
Ian Bremmer, Chủ tịch của hãng tư vấn rủi ro Eurasia Group, nói: “Không nghi ngờ gì nữa, đây lại là một dấu hiệu cho thấy Tổng thống Thổ Erdogan không kiểm soát chắc chắn tình hình an ninh bên trong lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ”.
An ninh nội địa đã trở thành một vấn đề lớn đối với Thổ Nhĩ Kỳ - đất nước hiện đang tiếp nhận khoảng 2 triệu người Syria tị nạn.
Ông Ian Bremmer chỉ ra rằng Tổng thống Erdogan đã làm tình hình xấu đi bằng việc bỏ tù nhiều vị tướng chủ chốt sau cuộc đảo chính bất thành từng làm rung chuyển Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7/2016.
Theo Bremmer, ông Erdogan có thể đã loại bỏ được các mối đe dọa đối với quyền lực của mình bằng việc bắt giữ các lãnh đạo quân sự và hàng ngàn người khác, tuy nhiên điều này đồng thời làm cho quân đội của ông suy yếu.
Vụ ám sát Đại sứ Nga đã tạo thêm một vết hằn mới trong mối quan hệ vốn dĩ phức tạp giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ - hai nước từng là đối thủ của nhau trong nhiều thế kỷ trước đây. Trong năm qua, hai nước đã chuyển từ chỗ thù địch nhau sang làm đồng minh của nhau trong cuộc chiến Syria đẫm máu.
Ban đầu Tổng thống Erdogan tức giận khi Nga can dự vào chiến tranh Syria. Khi đó Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ một chiến đấu cơ của Nga. Thế nhưng về sau ông Erdogan đã nối lại quan hệ thân thiện với Nga sau khi xảy ra vụ đảo chính 15/7.
Bremmer cho biết, vào đêm nổ ra đảo chính, phía Nga đã “rỉ tai” cho ông Erdogan về các hoạt động di chuyển bất thường của các đơn vị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và điều này có thể đã giúp Tổng thống Erdogan giữ được mạng sống của mình.
Cận cảnh hung thủ ám sát Đại sứ Nga Karlov ở Thổ Nhĩ Kỳ
Ngoài ra Bremmer còn nhận định, ông Erdogan sẽ tận dụng vụ này làm cái cớ để tiếp tục trấn áp các đối thủ chính trị.
Vào hôm 19/12, một quan chức an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đã gắn vụ ám sát Đại sứ Nga với giáo sĩ Gulen người Thổ đang sống ở Mỹ. Phía Thổ cho rằng ông Gulen là người giật dây nhiều vụ bạo động ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Tướng Mỹ McCaffrey nhận định thêm rằng vụ sát hại Đại sứ Nga tuy là điều không may nhưng cũng chỉ là chuyện nhỏ so với quy mô cuộc chiến Syria rộng lớn hơn.
Ông McCaffrey nói: “Vấn đề lớn hơn nhiều là nửa triệu người đã chết ở Syria”.
Trong khi đó Thổ Nhĩ Kỳ đã phải vật lộn với sự tụt dốc của đầu tư nước ngoài và sự sụt giá của đồng nội tệ so với đồng USD./.