Nghiên cứu mới về virus corona có thể gợi mở về nguồn gốc dịch Covid-19

VOV.VN - Vào mùa Hè năm 2020, nửa năm sau khi dịch Covid-19 bùng phát, các nhà khoa học đã đi tới những cánh rừng xa xôi ở phía bắc của Lào để nghiên cứu những loài dơi có khả năng mang mầm bệnh.

Liên kết mạnh mẽ hơn với tế bào người

Giữa đêm tối, họ sử dụng lưới mờ và bẫy để bắt dơi khi chúng chui ra từ các hang động gần đó, thu thập mẫu nước bọt, nước tiểu và phân sau đó thả chúng trở về tự nhiên. Các nhà khoa học đã nghiên cứu những mẫu có chứa virus corona trong phòng thí nghiệm sinh học bảo mật cao (được gọi là BSL-3), sử dụng đồ bảo hộ chuyên dụng và bộ lọc không khí.

3 trong số các virus corona thu được tại Lào rất khác thường. Chúng có gai protein trên bề mặt rất giống với phần gai protein của virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19, được sử dụng để liên kết với enzyme ACE-2 của con người. Đây chính là enzyme mà virus nhắm đến để lây nhiễm trong cơ thể người.

Marc Eloit, người đứng đầu nhóm nghiên cứu trên tại Viện Pasteur (Paris) cho biết: “Nó thậm chí còn hoạt động tốt hơn chủng SARS-CoV-2 ban đầu, khi nói đến cách gai protein của virus corona trên loài dơi ở Lào liên kết với tế bào người”. Nghiên cứu này đã được đăng tải trực tuyến vào tháng 9 vừa qua nhưng vẫn chưa được công bố trên tạp chí khoa học.

Phát hiện mới này đã khiến các chuyên gia về virus bất ngờ. Một số người nghi ngờ, những virus giống với virus SARS-CoV-2 có thể đã lây nhiễm sang người thường xuyên, nhưng chỉ gây ra các đợt bùng phát nhẹ và hạn chế. Khi gặp điều kiện thích hợp, chúng có thể gây ra đại dịch giống Covid-19.

Những virus mới này cùng hơn 10 loại virus khác được phát hiện tại Lào, Campuchia, Trung Quốc và Thái Lan thời gian gần đây cũng có thể giúp các nhà nghiên cứu dự đoán tốt hơn về những đại dịch trong tương lai. Sơ đồ phả hệ virus đã cung cấp manh mối về nơi ẩn náu của các chủng virus nguy hiểm và các nhà khoa học đang xem xét để tìm ra chúng.

Tuần trước, chính phủ Mỹ đã công bố dự án trị giá 125 triệu USD để xác định hàng nghìn loại virus trên động vật hoang dã ở châu Á, châu Mỹ Latin và châu Phi nhằm xác định nguy cơ lây lan của chúng. Tiến sỹ Eloit dự đoán rằng, sẽ còn rất nhiều chủng virus gần gũi với virus SARS-CoV-2 được tìm thấy.

Khi virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện, họ hàng gần nhất được biết đến của nó là virus corona có trên loài dơi mà các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã tìm thấy vào năm 2016 trong một mỏ ở tỉnh Vân Nam, miền Nam Trung Quốc, có tên gọi RaTG13. RaTG13 có bộ gen giống đến 96% bộ gen của virus gây ra đại dịch. Dựa trên các biến thể của mỗi loại virus, các nhà khoa học ước tính rằng, RaTG13 và SARS-CoV-2 có chung tổ tiên từng lây nhiễm cho loài dơi khoảng 40 năm về trước.

Cả hai loại virus đều xâm nhập vào tế bào bằng cách sử dụng một gai protein có vùng gắn thụ thể RBD. Gai protein của RaTG13 bám rất chắc vào tế bào dơi, nhưng lại gắn kết lỏng lẻo với tế bào người. Ngược lại gai protein của SARS-CoV-2 có thể bám chặt vào các tế bào trong hệ hô hấp của con người.

Sự tái tổ hợp gen khiến virus trở nên nguy hiểm hơn

Để tìm ra những họ hàng gần của virus SARS-CoV-2, các chuyên gia virus đã kiểm tra những mẫu cũ được thu thập từ khắp nơi trên thế giới. Họ đã xác định được một số loại virus corona tương tự từ miền Nam Trung Quốc, Campuchia và Thái Lan, hầu hết có trên loài dơi, một số ít đến từ động vật có vú như tê tê. Nhưng không loại nào có đặc tính giống với SARS-CoV-2 như RaTG13.

Sau đó tiến sỹ Eloit và các đồng nghiệp của ông đã bắt đầu tìm kiếm loại virus corona mới. Họ đi tới miền Bắc của Lào, cách nơi tìm thấy RaTG13 hơn 240km. Trong hơn 6 tháng, họ đã bắt được 645 con dơi thuộc 45 loài khác nhau. Những con dơi này có chứa 20 loại virus corona. 3 loại trong số này có đặc điểm tương tự với SARS-CoV-2 - đặc biệt là ở vùng gắn thụ thể. Virus RaTG13 có tổng cộng 11/17 điểm giống virus SARS-CoV-2 ở vùng gắn thụ thể, nhưng 3 chủng virus ở Lào có tới 16/17 điểm giống, mức cao nhất mà các nhà khoa học ghi nhận.

Tiến sỹ Eloit suy đoán rằng, một hoặc nhiều virus corona có thể lây nhiễm sang người và gây bệnh nhẹ. Trong một nghiên cứu riêng biệt, ông và các đồng nghiệp đã lấy mẫu máu của những người thu thập phân dơi để kiếm sống tại Lào. Mặc dù không ai có dấu hiệu mắc Covid-19 nhưng lại có kháng thể với căn bệnh này, dường như được sản sinh ra do nhiễm virus tương tự.

Wang Linfa, nhà virus học tại Trường Y Duke - Đại học Quốc gia Singapore cho rằng, khả năng những người này nhiễm virus là có thể xảy ra, vì loại virus mới được phát hiện có thể gắn chặt gai protein trên tế bào ACE2 của con người. “Nếu vùng gắn thụ thể sẵn sàng sử dụng ACE2, những người đó có thể gặp nguy hiểm”.

Nhưng đáng chú ý là một số gen của 3 loại virus được tìm thấy ở Lào lại khác xa so với virus SARS-CoV-2. Điều này cho thấy quá trình tiến hóa của virus corona khá phức tạp.

Nếu một cá thể dơi bị nhiễm cùng lúc 2 chủng virus, hai chủng này có thể cùng lúc xâm nhập vào một tế bào. Khi tế bào bắt đầu tái tạo hai virus đó, các gen của chúng có thể kết hợp nhau, tạo ra virus lai mới.

Ở các virus corona tìm thấy tại Lào, sự kết hợp gen này đã giúp virus có vùng gắn thụ thể rất giống với SARS-CoV-2. Theo phân tích sơ bộ của nhà nghiên cứu Spyros Lytras tại Đại học Glasgow ở Scotland, việc kết hợp gen ban đầu có thể diễn ra cách đây 1 thập kỷ.

Ông Lytras và các đồng nghiệp hiện đang so sánh SARS-CoV-2 với virus mới tìm thấy ở Lào và các loại virus khác cùng họ được tìm thấy trong thời gian gần đây. Họ đã tìm thấy nhiều bằng chứng về việc kết hợp gen. Quá trình được gọi là tái tổ hợp di truyền này có thể biến đổi virus theo thời gian.

Hiện, nhà nghiên cứu Lytrass và các đồng nghiệm đang vẽ sơ đồ tiến hóa của những loại virus giống với SARS-CoV-2 dựa trên các phát hiện mới. Việc tìm kiếm thêm nhiều loại virus có thể khiến bức tranh ngày càng rõ ràng hơn. Nhưng các nhà khoa học vẫn chia rẽ về việc phải đi đến nơi đâu để tìm chúng.

Sự xuất hiện nhiều loại virus có họ hàng với virus SARS-Co-V trong tự nhiên không có nghĩa là tất cả chúng đều gây ra mối đe dọa với con người. Chúng có thể không lây nhiễm trên người, hoặc chỉ gây ra những đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm nhỏ. Cho đến nay, chỉ có 7 loại virus corona được biết đến, đã vượt qua các rào cản để trở thành tác nhân gây bệnh cho con người.

Bà Jessica Metcalf - một nhà sinh thái học tại Đại học Princeton cho biết: “Có thể có rất nhiều virus vô hại với con người. Tuy nhiên sự tái tổ hợp di truyền có thể biến một virus vô hại thành một mối đe dọa mới” . Trước đó vào tháng 5, các nhà nghiên cứu cho biết, hai loại virus corona trên loài chó ở Indonesia đã kết hợp với nhau, tạo ra một virus lai mới, khiến 8 trẻ em bị lây nhiễm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nhà khoa học Việt Nam được WHO đề xuất vào nhóm điều tra nguồn gốc dịch Covid-19
Nhà khoa học Việt Nam được WHO đề xuất vào nhóm điều tra nguồn gốc dịch Covid-19

VOV.VN - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 13/10 đã đề xuất 26 nhà khoa học vào ban cố vấn mới có nhiệm vụ xác định nguồn gốc dịch Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác trong tương lai.

Nhà khoa học Việt Nam được WHO đề xuất vào nhóm điều tra nguồn gốc dịch Covid-19

Nhà khoa học Việt Nam được WHO đề xuất vào nhóm điều tra nguồn gốc dịch Covid-19

VOV.VN - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 13/10 đã đề xuất 26 nhà khoa học vào ban cố vấn mới có nhiệm vụ xác định nguồn gốc dịch Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác trong tương lai.

Tổng thống Mỹ Biden: Trung Quốc đang giữ thông tin quan trọng về nguồn gốc dịch Covid-19
Tổng thống Mỹ Biden: Trung Quốc đang giữ thông tin quan trọng về nguồn gốc dịch Covid-19

VOV.VN - “Thông tin quan trọng về nguồn gốc của dịch bệnh vẫn tồn tại ở Trung Quốc", ông Biden lưu ý.

Tổng thống Mỹ Biden: Trung Quốc đang giữ thông tin quan trọng về nguồn gốc dịch Covid-19

Tổng thống Mỹ Biden: Trung Quốc đang giữ thông tin quan trọng về nguồn gốc dịch Covid-19

VOV.VN - “Thông tin quan trọng về nguồn gốc của dịch bệnh vẫn tồn tại ở Trung Quốc", ông Biden lưu ý.

Điều gì đang diễn ra sau khi Mỹ lật lại cuộc điều tra về nguồn gốc dịch bệnh Covid-19?
Điều gì đang diễn ra sau khi Mỹ lật lại cuộc điều tra về nguồn gốc dịch bệnh Covid-19?

VOV.VN - Từng bị hầu hết chuyên gia y tế và quan chức chính phủ bác bỏ, giả thuyết virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh Covid-19 rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán (Trung Quốc) hiện đang được xem xét kỹ lưỡng trong một cuộc điều tra mới của Mỹ.

Điều gì đang diễn ra sau khi Mỹ lật lại cuộc điều tra về nguồn gốc dịch bệnh Covid-19?

Điều gì đang diễn ra sau khi Mỹ lật lại cuộc điều tra về nguồn gốc dịch bệnh Covid-19?

VOV.VN - Từng bị hầu hết chuyên gia y tế và quan chức chính phủ bác bỏ, giả thuyết virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh Covid-19 rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán (Trung Quốc) hiện đang được xem xét kỹ lưỡng trong một cuộc điều tra mới của Mỹ.