“Ngoại giao trực tuyến” làm khó nhiệm vụ hàn gắn đồng minh của Ngoại trưởng Mỹ Blinken
VOV.VN - Theo bà Ashbrook, việc không thể tham dự trực tiếp các sự kiện là “cơ hội bị đánh mất ở thời điểm đặc biệt mà Mỹ cần phải củng cố lại các mối quan hệ với đồng minh và đối tác.
Như một phần trong nỗ lực tìm cách hàn gắn các mối quan hệ đồng minh của Mỹ vốn bị suy yếu dưới thời Tổng thống Donald Trump, Ngoại trưởng Antony Blinken đã có hàng chục cuộc trao đổi với những người đồng cấp trên khắp thế giới, cũng như tham gia các cuộc họp với các lãnh đạo châu Âu và châu Á cho dù ông vẫn chưa rời khỏi khu vực văn phòng tại Bộ Ngoại giao ở Washington D.C.
Trong bối cảnh thế giới đang chật vật tìm mọi cách kiểm soát đại dịch Covid-19, hầu hết các chuyến thăm ngoại giao đã bị hủy bỏ.
Nếu không có đại dịch hiện nay, ở thời điểm một tháng sau khi nhậm chức, Ngoại trưởng Blinken có thể đã gặp gỡ rất nhiều vị khách ở cách xa hàng vạn dặm. Thay vào đó, công việc của ông chủ yếu dựa vào điện thoại và màn hình máy tính, giống như các nhân viên phải làm việc qua ứng dụng Zoom ở bất cứ đâu trên thế giới.
“Ngoại giao trực tuyến” thời Covid-19
Ngoại trưởng Blinken và Tổng thống Biden đều thừa nhận rằng, nước Mỹ đang phải đối mặt với thách thức lớn trong việc khôi phục mối quan hệ với các đồng minh chủ chốt, tái lập vai trò lãnh đạo của Mỹ trước các đối thủ như Trung Quốc và Nga, cũng như đối mặt với các mối đe dọa từ biến đổi khí hậu hay hạt nhân Iran.
Dù ông Blinken đã tiêm vaccine ngừa Covid-19, nhưng các quan chức Bộ Ngoại giao cho biết, họ vẫn thận trọng về các chuyến công tác nước ngoài của ông, bởi các chuyến đi như vậy sẽ phải kèm theo nhiều trợ lý, nhân viên an ninh, các nhân viên hậu cần cùng các phóng viên, mà trong số này rất nhiều người có nguy cơ lây nhiễm hoặc lây lan dịch bệnh.
Ông Blinken hiện vẫn chưa có kế hoạch công tác nước ngoài, ít nhất là cho tới tháng 4 tới. Dù vậy kế hoạch sau mốc thời gian này cũng chưa chắc chắn.
Theo các chuyên gia ngoại giao và các cựu quan chức chính phủ, đó là một rào cản không thể chối cãi, đặc biệt là ở thời điểm thế giới đang thay đổi liên tục như hiện nay.
Rất nhiều công việc có thể được thực hiện thông qua các cuộc điện đàm hay các cuộc họp video. Nhưng các nhà ngoại giao nói rằng sẽ không có “sự gần gũi làm nảy sinh thân mật”, bởi những sự kiện trực tuyến không có các chất xúc tác như ánh nhìn, cử chỉ cái bắt tay, dùng bữa cùng nhau, tản bộ cùng nhau, các sự kiện văn hóa, tặng quà, hay những khoảnh khắc riêng mà không có các trợ lý bên cạnh.
Ngoại trưởng Blinken đã không thể xuất hiện trực tiếp tại Hội nghị an ninh Munich hồi tuần trước. Diễn đàn này vốn là nơi các quan chức hàng đầu của Mỹ và châu Âu gặp gỡ, phát biểu, trò chuyện thân mật, lên kế hoạch và củng cố các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Hôm 22/2, ông Blinken cũng tổ chức cuộc họp trực tuyến qua video với các ngoại trưởng Liên minh châu Âu.
Theo bà Cathryn Clüver Ashbrook, Giám đốc điều hành Dự án Tương lai ngoại giao tại Trung tâm Khoa học và các vấn đề quốc tế Belfer thuộc Đại học Havard, nếu không có đại dịch Covid-19, Ngoại trưởng Blinken có thể đã có chuyến thăm một loạt nước châu Âu, trong đó chặng dừng chân ở Munich và một chuyến thăm tới NATO.
Bà Ashbrook cho rằng, việc không thể tham dự trực tiếp các sự kiện là “cơ hội bị đánh mất ở thời điểm đặc biệt mà Mỹ cần phải củng cố lại các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương”, nhất là sự kiện ở Munich với rất nhiều cuộc gặp bên lề.
Sự “đình trệ” hiện nay trái ngược hẳn so với người tiền nhiệm Mike Pompeo. Dù vậy, việc vẫn tiến hành những chuyến công du nước ngoài “như thường lệ” trong bối cảnh đại dịch Covid-19 thời Ngoại trưởng Pompeo đã vấp phải sự chỉ trích của các chuyên gia y tế. Điều này cũng đem lại những hậu quá có thể dự đoán được. Điển hình là việc giám đốc hoạch định chính sách của ông Pompeo dương tính với SARS-CoV-2 sau khi trở về từ cuộc gặp với giới chức ở London và Paris mùa thu năm 2020.
Không chỉ bản thân ông Blinken, nhiều quan chức cấp cao khác trong chính quyền Tổng thống Mỹ cũng chưa có kế hoạch công tác nước ngoài. Ngay cả Tổng thống Biden cũng không có kế hoạch công du nước ngoài trong thời gian trước mắt.
Đặc phái viên về biến đổi khí hậu John Kerry, cựu Ngoại trưởng vốn nổi tiếng với các chuyến ngoại giao con thoi, cũng chưa rời khỏi nước Mỹ trên cương vị hiện nay và cũng chưa có kế hoạch cụ thể nào trong tương lai gần.
Đặc phái viên về Iran của ông Blinken, Robert Malley, cũng vậy, cho dù đáng lẽ ra ông sẽ phải có những chuyến đi con thoi giữa châu Âu và Trung Đông để trao đổi với các đồng minh.
Chỉ có một ngoại lệ là phái viên của Bộ ngoại giao Mỹ về Yemen Timothy A. Lenderking. Ông Lenderking hôm 22/2 lên đường trong chuyến đi thứ 2 đến Saudi Arabia để thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình Yemen.
Có một điều thấy rõ về sự phức tạp của việc đi lại thời Covid-19: ông Lenderking phải thực hiện đầy đủ thời gian cách ly sau khi trở về từ chuyến đi tới Vùng Vịnh đầu tháng này. Một quan chức cấp cao của Mỹ nói rằng, các chuyến đi của ông Lenderking là vì tính cấp bách của thảm họa nhân đạo ở Yemen và cũng vì ông cũng không cần phải có đội ngũ tháp tùng đông người.
Lợi và hại của “ngoại giao trực tuyến”
Các quan chức Bộ Ngoại giao nói rằng, dù không phải là lý tưởng, nhưng “ngoại giao trực tuyến” cũng có những lợi ích nhất định. Hồi tuần trước, khi ông Blinken điện đàm với ngoại trưởng các nước Australia, Ấn Độ và Nhật Bản – những nước cùng với Mỹ tạo thành nhóm Bộ Tứ, ông có thể kết nối với những người đồng cấp ở cách xa hàng chục nghìn km mà không mất nhiều thời gian đi lại.
“Sẽ luôn tốt hơn nếu được gặp trực tiếp với những người đồng cấp nước ngoài. Không ai muốn phải sống mãi trong một thế giới như thế này. Tuy nhiên, mọi việc cũng trở nên dễ dàng hơn khi bạn có thể làm được nhiều việc trong thời gian ngắn hơn so với trước đây”, theo Nicholas Burns, một cựu trợ lý ngoại trưởng và cựu Đại sứ Mỹ tại NATO.
Dù vậy, các phóng viên, nhà báo không muốn chuyển đổi sang các cuộc gặp trực tuyến, bởi họ mất cơ hội đặt câu hỏi với các quan chức cấp cao như các cuộc gặp truyền thống mang lại.
Ngoài ra, cũng có những câu hỏi về việc đảm bảo an toàn cho các cuộc họp trực tuyến qua video. Hồi tháng 4/2020, Thủ tướng Anh Boris Johnson đăng tải trên Twitter bức ảnh một cuộc họp qua Zoom mà ông chủ trì.
Nhiều người đã nhanh chóng nhận thấy trên bức ảnh có ID đăng nhập cuộc họp qua Zoom. Đây có thể sẽ là kẽ hở cho “những vị khách không mời”.
Theo bà Ashbrook, dù các quan chức cấp cao của Mỹ có thể sử dụng các giải pháp an toàn hơn Zoom, nhưng vụ tấn công mạng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ nhằm vào SolarWinds (trong đó một số cơ sở dữ liệu nhạy cảm của chính phủ Mỹ bị ảnh hưởng) cũng đáng để cân nhắc lại các nền tảng trực tuyến tương tự./.