Ngoại trưởng Blinken công du Đông Nam Á: Báo hiệu sự thay đổi chiến lược của Mỹ

VOV.VN - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm nay (13/12) bắt đầu chuyến công du Đông Nam Á đầu tiên khi chính quyền Tổng thống Biden đang đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao trong khu vực.

Theo các nhà quan sát, chuyến công du kéo dài 4 ngày tới các quốc gia Indonesia, Malaysia và Thái Lan của ông Blinken, sẽ được sự chào đón nồng nhiệt, đặc biệt sau những lo lắng liên quan đến cam kết của Washington đối với khu vực. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang củng cố quan hệ với các đối tác trên nhiều lĩnh vực mới, trong đó có an ninh mạng và không gian, khi cuộc cạnh tranh giữa nước này với Trung Quốc ngày càng gay gắt.

Mặc dù Mỹ vẫn tích cực hợp tác với những đồng minh và đối tác cùng chí hướng như Philippines và Singapore, nhưng nhiều nhà phân tích vẫn nhắc đến tầm quan trọng của việc ưu tiên làm mới quan hệ giữa Washington với các quốc gia Đông Nam Á khác như Indonesia, Malaysia và Thái Lan, đồng thời kêu gọi chính quyền Biden không quá bận tâm đến tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.

Động thái tích cực

Điểm dừng chân đầu tiên của ông Blinken là Indonesia – điều mà ông Muhamad Arif, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Indonesia cho là một "động thái ngoại giao tích cực", bởi nhiều người Indonesia từng cảm thấy không thoải mái sau khi một số quan chức trong chính quyền Biden bỏ qua quốc gia này trong các chuyến thăm cấp cao gần đây đến khu vực.

Bộ Trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã thăm Singpore, Việt Nam và Philippines vào tháng 7 vừa qua. Đến tháng 8, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tiếp tục thăm Singapore và Việt Nam. Indonesia không được nhắc đến trong hai chuyến thăm nay.

“Chuyến thăm của ông Blinken cho thấy Mỹ đang để tâm đến vị trí trung tâm của Indonesia trong khu vực. Tôi cho rằng, Washington ngày càng nhận thức rõ giá trị chiến lược của việc hợp tác với Indonesia”, ông Muhamad Arif nhận định.

Dù trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á- Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink đã đến thăm Indonesia, nhưng ông Muhamad khẳng định, chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken mới thực sự “nêu bật tầm quan trọng của Indonesia trong mắt chính quyền Biden”.

Gregory Poling, thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định, bất chấp việc tăng cường hợp tác về mặt quân sự, Mỹ vẫn chưa dành đủ sự quan tâm về ngoại giao cho Jakarta kể từ khi chính quyền Biden lên nắm quyền.

Viện dẫn “ảnh hưởng hiện tại và tương lai” của Indonesia trong ASEAN, các nhà phân tích đã kêu gọi Washington ưu tiên củng cố quan hệ với Indonesia. Khuyến khị này cũng được đưa ra trong báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Sydney.

Theo Reuters, tại Indonesia, Ngoại trưởng Blinken dự kiến ​​sẽ thảo luận về một số chủ đề như thương mại và đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, chống biến đổi khí hậu và y tế, đặc biệt là đối phó đại dịch Covid-19. Sau đó ông sẽ thăm Malaysia ngày 14/12 và tiếp đến là Thái Lan.

Tập trung lĩnh vực quốc phòng và không gian vũ trụ

Chuyến công du Đông Nam Á đầu tiên của Ngoại trưởng Blinken là biểu tượng cho sự tiếp nối nỗ lực của Washington nhằm đẩy mạnh hợp tác với các nước trong khu vực, trong đó có cả lĩnh vực quốc phòng.

Bộ trưởng Lục quân Mỹ Christine Wormuth nhấn mạnh rằng, quân đội Mỹ - vốn có truyền thống tập trung ở khu vực Đông Bắc Á - cần phải mở rộng dấu ấn của mình ở Đông Nam Á, đặc biệt củng cố năng lực an ninh mạng và không gian vũ trụ khi nước này chuẩn bị ứng phó kịch bản xảy ra một cuộc xung đột tiềm tàng với Trung Quốc. Ông Christine Wormuth cho biết, Mỹ đã tổ chức các cuộc tập trận tác chiến không gian vũ trụ và tác chiến điện tử với Indonesia và Thái Lan, cùng các nước đối tác khác.

Còn theo Giáo sư Carlyle Thayer, thuộc Đại học New South Wales (Australia), dù có rất ít thông tin được tiết lộ về hình thức hợp tác mà Mỹ đang tìm kiếm trong lĩnh vực không gian, nhưng chính quyền Biden đang nỗ lực hướng tới một thỏa thuận quốc tế nhằm ngăn chặn "các hoạt động gây mất ổn định" trong không gian.

Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam của Singapore lưu ý, “lĩnh vực mới nổi nhưng nhạy cảm như vậy” nhiều khả năng sẽ thu hút những quốc gia đã có quan hệ quốc phòng và an ninh lâu đời với Mỹ như Indonesia, Philippines, Singapore và Thái Lan.

Hồi tháng 10 vừa qua, Mỹ đã tham gia cuộc đối thoại về chính sách an ninh mạng với 10 nước thành viên ASEAN. Tại cuộc đối thoại, các bên thảo luận một số lĩnh vực hợp tác từ chống tội phạm mạng đến việc ngăn chặn sử dụng công nghệ thông tin để phục vụ cho chủ nghĩa khủng bố.

Thay đổi chiến lược

Drew Thompson - chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Trường Đại học Quốc gia Singapore nhận xét, tuyên bố của Bộ trưởng Lục quân Christine Wormuth báo hiệu sự thay đổi chiến lược đối với quân đội Mỹ, mà từ trước đến nay vốn chỉ tập trung ưu tiên cho Bán đảo Triều Tiên.

“Điều đó thể hiện sự chuyển biến chậm rãi nhưng mang tính ổn định. Những gì ông Wormuth đang cố làm là khiến mọi người nghĩ nhiều hơn về việc đa dạng hóa các mối quan hệ và nguồn lực để quân đội Mỹ nắm bắt thêm nhiều cơ hội hợp tác hơn với Đông Nam Á”.

Chuyên gia này lưu ý, không phải tất cả các động thái của Mỹ đều nhằm mục đích đối phó với Trung Quốc. Ông viện dẫn cuộc tập trận quân sự đa quốc gia Cobra Gold, được tổ chức tại Thái Lan như một ví dụ cho thấy sự mở rộng quan hệ đối tác với các quốc gia Đông Nam Á mang lại lợi ích cho Mỹ.

Giáo sư Thayer cho rằng, các mối quan hệ song phương sẽ phát triển với tốc độ phù hợp và khá dễ chịu với những nước tiếp nhận, nhưng ông cũng cảnh báo “mục tiêu của Mỹ nhằm xây dựng một mạng lưới đồng minh và đối tác sẵn sàng chống lại Trung Quốc khó có thể thành hiện thực”.

Cùng chung quan điểm này, nhà phân tích Collin Koh nhấn mạnh, Washington không nên nhìn từ “góc độ Trung Quốc” để xây dựng các mối liên kết về an ninh dù rằng Bắc Kinh được coi là “nhân tố nổi bật”. Bên cạnh đó, Mỹ cũng cần phải lưu tâm đến tình hình chính trị nhạy cảm tại Đông Nam Á – vốn quyết định phạm vi và mức độ của sự hợp tác quốc phòng. “Việc đặt nặng vào mối đe dọa Trung Quốc không phải là chính sách tốt để thu hút các đối tác Đông Nam Á tăng cường hợp tác quân sự”, ông Collin Koh lưu ý./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ngoại trưởng Mỹ Blinken lần đầu công du Đông Nam Á
Ngoại trưởng Mỹ Blinken lần đầu công du Đông Nam Á

VOV.VN - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm nay (13/12) bắt đầu chuyến công du Đông Nam Á đầu tiên trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Joe Biden đang đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao tại khu vực.

Ngoại trưởng Mỹ Blinken lần đầu công du Đông Nam Á

Ngoại trưởng Mỹ Blinken lần đầu công du Đông Nam Á

VOV.VN - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm nay (13/12) bắt đầu chuyến công du Đông Nam Á đầu tiên trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Joe Biden đang đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao tại khu vực.

Tân Ngoại trưởng Blinken và cam kết mang lại “sức sống mới” cho ngoại giao Mỹ
Tân Ngoại trưởng Blinken và cam kết mang lại “sức sống mới” cho ngoại giao Mỹ

VOV.VN - Là một nhà ngoại giao có chuyên môn và nhiều kinh nghiệm, ông Blinken được kỳ vọng sẽ mang lại sức sống mới cho nền ngoại giao Mỹ, đưa nước Mỹ quay trở lại vai trò lãnh đạo thế giới.

Tân Ngoại trưởng Blinken và cam kết mang lại “sức sống mới” cho ngoại giao Mỹ

Tân Ngoại trưởng Blinken và cam kết mang lại “sức sống mới” cho ngoại giao Mỹ

VOV.VN - Là một nhà ngoại giao có chuyên môn và nhiều kinh nghiệm, ông Blinken được kỳ vọng sẽ mang lại sức sống mới cho nền ngoại giao Mỹ, đưa nước Mỹ quay trở lại vai trò lãnh đạo thế giới.

Ngoại trưởng Blinken: Mỹ mong muốn có mối quan hệ “ổn định” hơn với Nga
Ngoại trưởng Blinken: Mỹ mong muốn có mối quan hệ “ổn định” hơn với Nga

VOV.VN - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm qua (22/5) kêu gọi một mối quan hệ ổn định và “dễ dự đoán” hơn với Nga.

Ngoại trưởng Blinken: Mỹ mong muốn có mối quan hệ “ổn định” hơn với Nga

Ngoại trưởng Blinken: Mỹ mong muốn có mối quan hệ “ổn định” hơn với Nga

VOV.VN - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm qua (22/5) kêu gọi một mối quan hệ ổn định và “dễ dự đoán” hơn với Nga.