Người dân Nhật Bản hoảng loạn trong khi tên lửa Triều Tiên bay qua
VOV.VN - Khi tên lửa Triều Tiên bay qua lãnh thổ trong vòng 2 phút, người dân Nhật Bản chìm trong tình trạng hoảng loạn “chưa từng có” kể từ sau Thế chiến 2.
Chỉ có chưa tới 10 phút để hành động
Vụ phóng tên lửa sáng sớm 29/8 được ví như “hồi chuông cảnh tỉnh” hàng triệu người dân sinh sống tại phía Bắc Nhật Bản. Họ nhận được cảnh báo về việc Triều Tiên có thể phóng tên lửa qua khu vực này từ vài tháng trước nhưng hầu hết đều tin rằng, điều này sẽ chẳng bao giờ xảy ra.
Vụ phóng tên lửa Hwasong của Triều Tiên. Ảnh: Reuters
Nỗi sợ hãi của họ chỉ bắt đầu khoảng 6h sáng (giờ địa phương) khi Chính phủ Nhật Bản gửi tin nhắn thông báo rằng, 4 phút trước, Triều Tiên đã phóng một quả tên lửa bay qua khu vực phía Bắc Nhật Bản.
Khoảng cách gần gũi về mặt địa lý giữa 2 quốc gia đồng nghĩa với việc người dân Nhật Bản chỉ có chưa đầy 10 phút để đi tìm chỗ trú ẩn ở các hầm ngầm hoặc trong các công trình kiên cố đủ sức chống đỡ một vụ phóng tên lửa đạn đạo.
Không lâu sau đó, Đài truyền hình NHK cùng nhiều hãng tin khác đồng loạt dừng mọi chương trình đang phát sóng để phát trực tiếp quỹ đạo bay của tên lửa Triều Tiên cùng với hình ảnh hệ thống phòng thủ tên lửa Nhật Bản sẵn sàng chờ lệnh bắn hạ tên lửa Triều Tiên nếu thấy cần thiết.
Trong khi đó, trên rất nhiều khu vực mà tên lửa Triều Tiên bay qua, còi báo động liên tục hú vang trong suốt 2 phút liền. Tin nhắn chính thức từ Chính phủ Nhật Bản tới toàn bộ người dân tại khu vực miền Bắc nước này có nội dung rất đáng lo ngại: “Tên lửa bay qua. Tên lửa bay qua”.
Sau đó, Chính phủ Nhật Bản tiếp tục khuyến cáo người dân tại đây rằng: “Khoảng vài phút trước, có một quả tên lửa bay qua khu vực này. Nếu các bạn nhận thấy bất kỳ vật thể gì khả nghi, xin đừng đến gần mà hãy gọi điện cho cảnh sát hoặc lính cứu hỏa ngay lập tức rồi nhanh chóng tìm chỗ trú ẩn an toàn”.
Hoảng loạn lan rộng
Lần đầu tiên kể từ khi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang từ đầu Hè, người dân Nhật Bản mới cảm nhận hết được sự hoảng loạn khi hiểu ra rằng, họ sẽ trở thành mục tiêu “trên tuyến đầu” nếu xung đột giữa Mỹ và Triều Tiên bùng nổ.
Những hành khách đi chuyến tàu điện ngầm buổi sáng 29/8 ở Hokkaido được “chào đón” bằng một tấm biển cảnh báo. Rất nhiều chuyến tàu điện đã bị hủy bỏ.
Tại một ga tàu điện ở Sapporo- thành phố có 2 triệu dân- hành khách được thông báo rằng họ sẽ phải chấp nhận tình trạng chậm trễ chuyến. Một tấm biển ở đây ghi rõ: “Mọi tuyến đường đều có thể bị dừng đột ngột. Lý do: Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo”.
Bà Ai Onodera, một người dân Hokkaido, kể lại, ngay khi bị dựng dậy bởi tin nhắn vào buổi sáng, bà bật TV lên để nghe ngóng thông tin và gọi điện cho chồng mình đang đi công tác xa: “Tôi sợ rằng có thể tôi sẽ không gặp lại ông ấy nữa”.
Phóng tên lửa Hwasong-12, Triều Tiên “dò đường” đánh đảo Guam?
Không chỗ trú thân
Trong khi đó, nhiều người khác chẳng còn cách nào khác là tiếp tục công việc của mình. Trong số này có những ngư dân trên 15 tàu đánh cá ngoài khơi Hokkaido, nơi quả tên lửa bay qua.
“Tôi rất ngạc nhiên vì nó bay qua khu vực này. Điều này chưa từng xảy ra trước đây”, ông Hiroyuki Iwafune- một quan chức thủy sản địa phương cho biết: “Tôi rất lo lắng và nhiều người cũng có cùng tâm trạng với tôi. Nhưng bạn biết làm gì đây? Trốn đi ư? Trốn đi đâu? Chúng tôi có gọi điện cho các ngư dân ngoài khơi nhưng họ nói rằng, dù có đã nghe được cảnh báo nhưng họ không biết phải làm gì”.
Nhiều người dân trên đảo Hokkaido cũng bày tỏ lo ngại về khả năng họ tìm được một chỗ trú ẩn an toàn trong khoảng thời gian ngắn đến như vậy. Ông Ichiro Kondo sinh sống tại phía Đông Kokkaido chia sẻ: “Tôi được yêu cầu tìm đến nơi trú ấn an toàn nhưng tôi không nghĩ ra nổi một tòa nhà nào có thể chống chọi nổi khi bị tên lửa tấn công. Tôi không biết trốn đi đâu cả”.
Cảnh tượng hỗn loạn xảy ra sau đó được nhận định là xuất phát từ cảnh báo của Chính phủ Nhật Bản nhiều hơn là từ mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên. Cảnh sát Hokkaido cho biết họ liên tục nhận được cuộc gọi từ người dân hỏi về chỗ trú ẩn an toàn. Trong khi đó, hơn 40 trường học tại Hokkaido và nhiều khu vực khác tại phía Đông Bắc Nhật Bản cũng đã phải tạm đóng cửa.
“Sức ép hòa bình” của Mỹ với Triều Tiên là như thế nào?
Lo ngại về khả năng ứng phó của Nhật Bản
Trong khi đó, tại một căn cứ của Mỹ ở Tokyo, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã triển khai hệ thống Tên lửa Patriot để tiến hành diễn tập đánh chặn. “Việc diễn tập như thế này giúp chúng ta có thể ứng phó nhanh chóng trong trường hợp bị tên lửa đạn đạo tấn công cũng như tăng cường sức mạnh của không chỉ Lực lượng phòng vệ Nhật Bản mà còn cả liên quân Mỹ-Nhật”, ông Hiroaki Maehara- Tư lệnh lực lượng phòng vệ trên không của Nhật Bản nói.
Dù vậy, anh Andrew Kaz, một người Mỹ 24 tuổi làm giáo viên tiếng Anh tại thành phố Kushiro phía Đông Hokkaido cho biết, anh vẫn hết sức lo lắng về việc Mỹ và Nhật Bản sẽ phản ứng như thế nào trong trường hợp bị Triều Tiên phóng tên lửa tấn công.
“Tôi biết điều này từng xảy ra trước đây nhưng khi nó diễn ra vào thời điểm này, tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé và bất lực. Mọi thứ dường như vẫn diễn ra như thường lệ nhưng bạn có thể thấy rõ mọi người đang cảm thấy hết sức run sợ”, anh Kaz nói./.
Mỹ toán tính gì khi liên tiếp trừng phạt Nga-Trung vì Triều Tiên?