Nguồn cung vật tư y tế Trung Quốc có thể khan hiếm trong thời hạn ngắn

VOV.VN- Bắc Kinh siết chặt quy định về xuất khẩu vật tư y tế sau khi nhiều nước châu Âu phàn nàn về chất lượng khẩu trang và kít thử Covid-19 của Trung Quốc.

Trung Quốc, nước sản xuất khẩu trang, áo choàng bảo vệ và dụng cụ xét nghiệm lớn nhất thế giới, thu hút nhiều sự chú ý trên báo chí bởi chiến dịch “ngoại trang khẩu trang” và việc đẩy mạnh xuất khẩu và viện trợ thiết bị y tế phòng chống Covid-19 trên toàn thế giới. Song trong thời hạn ngắn, xuất khẩu dụng cụ bảo hộ nhân viên y tế (PPE) từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này có thể giảm đáng kể. Đó là vì Bắc Kinh đã thắt chặt các quy định về chất lượng sau một vài lô hàng “đầy tai tiếng”.

Nhiều công ty Trung Quốc đã có hợp đồng với bạn hàng quốc tế song không thể thực hiện giao hàng. Ảnh: belga

Trong tháng 3, Hà Lan đã quyết định thu hồi 600.000 khẩu trang FFP2 của Trung Quốc từ các bệnh viện vì các khẩu trang này không đạt được tiêu chuẩn chất lượng bảo vệ cần thiết. UZ Gent, bệnh viện hàng đầu của Bỉ, cũng quyết định không dùng trên 3000 khẩu trang Trung Quốc mà bệnh viện này được cấp phát cũng vì vấn đề chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Slovakia và Ai Len đã đặt mua kit thử Covid-19 song các bộ kit này cho kết quả với độ chính xác thấp. Thủ tướng Slovakia Igor Matovic thậm chí đã nặng lời nói: “Tốt hơn chúng tôi nên vứt chúng ngay xuống sông Danube”.

Ban đầu, Trung Quốc phủ nhận vật tư y tế Trung Quốc có vấn đề, song nước này sau đó đã nhanh chóng siết thặt các quy định về xuất khẩu vật tư y tế. Tại Trung Quốc có rất nhiều công ty hoạt động bất hợp pháp nên không có gì đáng ngạc nhiên khi Bắc Kinh muốn tăng cường sự kiểm soát. Từ nay trở đi, mỗi công ty xuất khẩu PPE cần phải đạt 2 điều kiện: có giấy chứng nhận đăng ký sản phẩm thiết bị y tế của chính phủ Trung Quốc và bằng chứng lô hàng xuất khẩu đạt yêu cầu chất lượng của nước nhập khẩu.

Đây có thể coi là một tín hiệu tích cực, song theo chuyên gia về luật thương mại Steve Dickinson trên diễn đàn China Law Blog vấn đề không đơn giản như vậy. 'Nhiều doanh nghiệp tuy đã hoạt động hợp pháp song chưa bao giờ đăng ký tại Trung Quốc vì các công ty này chỉ xuất khẩu', ông nói. Vì vậy, các công ty này không có giấy chứng nhận đăng ký sản phẩm thiết bị y tế. Các công ty này cũng không thể có ngay được giấy phép của Cơ quan Quản lý Sản phẩm Y tế Quốc gia nên cũng không thể xuất hàng của mình ra nước ngoài. Ngược lại, các công ty đã có giấy chứng nhận về bán vật tư y tế trên thị trường Trung Quốc lại không tham gia hoạt động xuất khẩu. “Các công ty này không biết cần phải bắt đầu thủ tục đăng ký xin giấy chứng nhận CE (chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn về sức khoẻ, an toàn và môi trường của EU) như thế nào. Điều này sẽ khiến cung cấp vật tư y tế Trung Quốc bị hạn chế”, ông Dickinson cho hay.

81 nhà xuất khẩu PPE tạm thời phải 'đứng ngoài cuộc chơi'

Tờ South China Morning Post số ra ngày 2/4 cũng đã xác nhận 'chỉ có 21 trong 102 công ty xuất khẩu PPE có giấy chứng nhận CE đã đăng ký ở Trung Quốc.' 81 doanh nghiệp còn lại chưa có giấy chứng nhận đăng ký sản phẩm thiết bị y tế và cần phải làm thủ tục này. Ngoài ra, khái niệm về vật tư được quy định trong pháp luật còn mơ hồ nên việc thông quan đối với vật tư y tế xuất khẩu tại cửa khẩu Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Theo ông Dickinson, người mua cần phải rất chú ý đến nhãn sản phẩm và khuyến cáo việc diễn đạt luật ở mỗi cảng có thể là khác nhau. 'Tại Trung Quốc, luật sẽ luôn diễn đạt: căn cứ vào ví dụ thực tế. Điều đó có thể kéo dài hàng tuần. Nếu bạn muốn nhận hàng PPE lúc này ở Trung Quốc, bạn cần có sự hướng dẫn về chuyên môn”, ông Dickinson nói.

Tình trạng ách tắc

Chủ tịch Hiệp hội Chẩn đoán In Vitro Trung Quốc, ông Song Haibo, cho hay các quy định mới này sẽ có ảnh hưởng. Ông cho biết: “Nhiều công ty đã có hợp đồng với bạn hàng quốc tế không thể thực hiện giao hàng sẽ dẫn tới kiện tụng về pháp lý". Theo tờ South China Morning Post, thủ tục xin giấy chứng nhận tại Trung Quốc có thể kéo dài từ 1-3 năm.

Trước đây, vấn đề là tiêu chuẩn chất lượng và ở phía người mua vì không thực hiện đủ yêu cầu trên cơ sở dữ liệu phức tạp bằng tiếng Trung. Song hiện nay, quy định mới sẽ tạo ra tình trạng ách tắc trong hoạt động xuất khẩu vật tư y tế của Trung Quốc. Theo lời ông Dickinson: “Nhiều người cho rằng Trung Quốc không làm điều này để bảo vệ các nước khác mà để có đủ nguồn dự trữ đề phòng cho làn sóng lây nhiễm mới nếu xảy ra. Song dù với động cơ gì, thì ảnh hưởng đến nguồn cung vật tư y tế Trung Quốc trên thị trường thế giới là như nhau”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên