Nguy cơ chiến tranh hạt nhân từ cảnh báo nhầm ở Hawaii
VOV.VN - Cảnh báo nhầm về nguy cơ tấn công tên lửa không chỉ khiến 1,4 triệu người Hawaii rơi vào 38 phút hoảng loạn, mà nó còn dẫn tới những hệ lụy khó lường.
Từ sai sót do con người
Vào lúc 8h sáng (giờ địa phương) ngày 13/1, người dân Hawaii nhận được cảnh báo ghi rõ: “Báo động khẩn cấp về mối đe dọa tên lửa đạn đạo đang hướng về Hawaii. Ngay lập tức tìm nơi trú ẩn. Đây không phải cuộc diễn tập”.
Cảnh báo này được gửi tới điện thoại và thông báo trên truyền hình và đài phát thanh. Lệnh cảnh báo này được đưa ra trong một phiên đổi ca trực tại Cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp Hawaii. Nó đã khiến người dân Hawaii cực kỳ hoảng sợ.
Cảnh báo nguy cơ tấn công tên lửa được gửi tới điện thoại. Ảnh: Twitter |
Tuy nhiên, đây chỉ là một sự cố và không có tiến trình tự động nào để rút lại lệnh cảnh báo nhầm này. Phải 38 phút sau đó, Cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp Hawaii mới có thể gửi thông tin đính chính tới người dân.
Thống đốc Hawaii David Ige ngay sau đó đã lên tiếng xin lỗi, đồng thời khẳng định sẽ tiến hành các biện pháp để đảm bảo vụ việc sẽ không bao giờ xảy ra một lần nữa.
Một số còi báo động tấn công hạt nhân đã ngừng hoạt động sau lệnh báo động nhầm. Còi báo động từ thời chiến tranh Lạnh này được sử dụng trở lại từ tháng 11/2017 sau gần 30 năm.
Đến nguy cơ chiến tranh hạt nhân
Hạ nghị sỹ đảng Dân chủ tại Hawaii Tulsi Gabbard ngày 14/1 nói rằng vụ cảnh báo nhầm là không thể chấp nhận, vì nó có thể dẫn tới những hệ quả khó lường. Hậu quả nghiêm trọng nhất là việc cảnh báo nhầm có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Để đối phó với hành động khả nghi từ phía Triều Tiên, các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ sẽ phải sẵn sàng phóng hỏa trong vòng vài phút ngay sau khi nhận được cảnh báo. Do đó, giới chức Mỹ sẽ phải đưa ra các quyết định nhanh chóng trước các thông tin ít ỏi, cho dù lệnh cảnh bảo là thật hay chỉ là một “sự cố”.
Mỹ nói tin nhắn cảnh báo Triều Tiên tấn công Hawaii là do nhầm lẫn
“Nó không chỉ là việc Tổng thống cần phải quyết định có tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân hay không. Kiểu sai lầm như thế này đã từng xảy ra trước đây và nó có thể dẫn chúng ta tới bờ vực chiến tranh hạt nhân một cách không cố ý”.
Mỹ có đối phó hiệu quả với tên lửa Triều Tiên?
Dù không có tình huống khẩn cấp nào thực sự diễn ra, cựu quan chức quân sự Mỹ cảnh báo rằng, Mỹ vẫn có nguy cơ chịu một cuộc tấn công tên lửa do Triều Tiên tiến hành do năng lực phòng thủ của Washington hoạt động không đầy đủ.
Trả lời kênh truyền hình Fox News ngày 14/1, Cựu Chỉ huy lực lượng Mũ nồi xanh của quân đội Mỹ, Trung tá Michael Waltz nói rằng: “Vấn đề mà tôi nhấn mạnh bao nhiêu cũng không đủ là hệ thống phòng thủ tên lửa trên mặt đất của Mỹ, các hệ thống được đặt ở California và Alaska, để bắn hạ những thứ bay từ không trung, chỉ hiệu quả khoảng 50%”.
“Trong các vụ thử bắn hạ tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) trên không trung, hiệu quả chỉ ở mức 50%”. Lời cảnh báo của ông Waltz được đưa ra chưa đầy 24 giờ sau khi Hawaii rơi vào sự hoảng loạn vì cảnh báo tên lửa đạn đạo nhầm.
Trump tham vọng “siêu cường hạt nhân” đối trọng với Nga và Triều Tiên
ÔngWaltz cũng nói rằng, vụ cảnh báo nhầm chỉ nhấn mạnh thêm sự cần thiết phải chấm dứt những mối lo ngại về Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
“Tổng thống Donald Trump không phải người hiếu chiến. Nhưng chúng ta phải dừng chương trình hạt nhân Triều Tiên, bằng biện pháp ngoại giao hay kinh tế hoặc nếu không thì phải bằng biện pháp quân sự trước khi họ có thể tiến hành một vụ phóng tên lửa thực sự vươn tới lãnh thổ Mỹ”, ông Waltz nói.
Cần phải đối thoại trực tiếp
Trong vụ phóng thử tên lửa gần đây nhất ngày 29/11, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-15 của Triều Tiên bay trong thời gian 54 phút, đạt độ cao tối đa 4.475 km và tầm xa 960 km. Nếu được bắn ở quỹ đạo tối ưu, Hwasong-15 có thể đạt tầm bắn tới 13.000 km.
Các chuyên gia Mỹ cũng nhận định Triều Tiên đã sở hữu loại ICBM đủ sức đe dọa toàn bộ lãnh thổ Mỹ, đồng thời chỉ cần tối đa 3 vụ thử nữa trước là Hwasong-15 có thể sẵn sàng đưa vào sử dụng.
Hawaii, vốn chỉ nằm trong khoảng hơn 1 nửa chặng đường từ Triều Tiên tới lục địa Mỹ, cũng sẽ không nằm ngoài tầm bắn của tên lửa Triều Tiên.
Tên lửa Triều Tiên được đánh giá có khả năng bao trùm toàn bộ lãnh thổ Mỹ, trong đó có quần đảo Hawaii. Ảnh: The Sun |
Tuy nhiên, nghị sỹ Gabbard nhận định, việc phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên hàng chục năm nay nguyên nhân chính là từ phía Mỹ. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang thực sự bị ép cố đạt được vũ khí hạt nhân nhằm tấn công Mỹ. “Họ nhận thấy đó cách duy nhất để đối phó với việc Mỹ muốn lật đổ chế độ của Triều Tiên”. Bà Gabbard nói.
Bà Gabbard cũng kêu gọi Tổng thống Donad Trump cần phải đàm phán trực tiếp với Triều Tiên. “Vì sao người dân Hawaii và nước Mỹ phải đối mặt với các mối đe dọa từ Triều Tiên và Tổng thống sẽ làm gì để loại bỏ mối đe dọa này?”.
Theo bà Gabbard, Tổng thống Donald Trump cần có cuộc gặp trực tiếp với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và các cuộc đàm phán phải diễn ra vô điều kiện. Việc đặt ra các điều kiện tiên quyết rằng Triều Tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân gần như là bất khả thi./.