Nguy cơ cuộc chiến Ukraine đẩy Nhật, Hàn lựa chọn vũ khí hạt nhân
VOV.VN - Cuộc chiến Nga - Ukraine đã tạo rất nhiều vấn đề lớn về an ninh quốc tế. Trong các nước châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc đã xuất hiện nhiều tiếng nói đòi tự phát triển kho vũ khí hạt nhân riêng để đối phó với các thách thức mới.
Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã đặt ra nhiều câu hỏi đối với hệ thống trật tự quốc tế. Hệ thống an ninh châu Âu phát triển từ sau khi Liên Xô sụp đổ đã tan vỡ.
Bên cạnh đó, hệ thống ngăn phổ biến vũ khí hạt nhân (hệ thống này có từ năm 1970) cũng gặp thách thức. Giác thư Budapest do Nga, Anh và Mỹ ký vào năm 1994 đã bị vi phạm.
Giác thư này bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine sau khi họ đồng ý từ bỏ kho vũ khí hạt nhân lớn còn lại trên lãnh thổ của họ sau sự tan rã của Liên Xô. Khi ký Giác thư đó, Nga cùng với Anh và Mỹ đồng ý không đe dọa Ukraine, Belarus và Kazakhstan bằng vũ lực quân sự hoặc cưỡng ép kinh tế. Ukraine, Belarus và Kazakhstan đã tham gia Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).
Tuy nhiên thực tế tại Ukraine đã khiến một số nước e ngại rằng NPT không còn giá trị nữa và có lẽ nên phát triển vũ khí hạt nhân để tránh số phận giống như Ukraine – bị Nga tấn công quân sự.
Nỗi lo lan sang châu Á
Nỗ lo sợ nói trên không dừng lại ở châu Âu. Các đồng minh châu Á của Mỹ đang băn khoăn về việc “răn đe mở rộng” (sự bảo vệ thông qua chiếc ô hạt nhân của Mỹ) còn hiệu quả đến đâu.
Các hoạt động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông - trong đó Trung Quốc đưa ra các yêu sách về biển không được pháp luật quốc tế chấp nhận - cũng gây ra những mối quan ngại lớn trong toàn khu vực. Ngoài ra, Nhật Bản và Trung Quốc cũng căng thẳng với nhau trong một số năm về một số vấn đề tranh chấp lãnh thổ, bao gồm cả vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Một mối quan ngại khác là chương trình hạt nhân của Triều Tiên và việc nước này đều đặn thử nghiệm tên lửa đạn đạo có năng lực mang đầu đạn hạt nhân với tầm xa có thể dễ dàng đe dọa cả Hàn Quốc lẫn Nhật Bản. Việc Bình Nhưỡng cố gắng phát triển khả năng phóng tên lửa tới lục địa Mỹ cũng thử thách bảo đảm an ninh của Mỹ ở châu Á.
Hàn Quốc sẽ hạt nhân hóa?
Bên trong Hàn Quốc hiện ngày càng có nhiều ý kiến ủng hộ phát triển năng lực răn đe hạt nhân của riêng nước này. Một cuộc khảo sát thực hiện trước đó (cũng trong năm 2022) cho thấy có tới 71% số người được hỏi ủng hộ Hàn Quốc phát triển vũ khí hạt nhân. Kết quả này cũng phù hợp với các cuộc điều tra xã hội tương tự trong các năm gần đây.
Mặc dù chính phủ của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeoul không ủng hộ chính sách hạt nhân như vậy và vẫn theo đuổi liên minh với Mỹ, đã có những tiếng nói nhất quán trong nội bộ Hàn Quốc ủng hộ việc chuyển đổi sang tự lực cánh sinh về vũ khí hạt nhân.
Còn nội bộ Nhật Bản cũng có áp lực đáng kể đòi từ bỏ “Hiến pháp Hòa bình” hậu chiến tranh. Hiến pháp này cấm Nhật Bản duy trì lực lượng quân sự mạnh hơn lực lượng phòng vệ. Nhưng Nhật Bản những năm gần đầy đã tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng.
Nhật Bản có năng lực công nghệ để phát triển nhanh chóng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, việc nước này hứng chịu 2 vụ tấn công của Mỹ bằng bom nguyên tử trong Thế chiến II vẫn là một rào cản lớn đối với Nhật Bản.
Vào tháng 3/2022, cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã kêu gọi Mỹ đặt vũ khí hạt nhân của họ trên lãnh thổ Nhật Bản, động thái được cho là nhằm răn đe cả Trung Quốc lẫn Triều Tiên. Tất nhiên lời kêu gọi này đã khiến Bắc Kinh tức giận và nhắc nhở Tokyo nhớ lại lịch sử.
An ninh mong manh
Hiện nay, bảo đảm hạt nhân của Mỹ vẫn còn uy tín trong con mắt của các đối tác châu Á của họ. Tình hình trên bán đảo Triều Tiên tạm ổn, dù có những vấn đề nêu ở phía trên. Thực tế ở Đông Á vẫn khác biệt nhiều với những gì đang diễn ra ở Ukraine. Mỹ đã bố trí quân trên bán đảo Triều Tiên và cam kết bảo vệ Hàn Quốc.
Triều Tiên ở vào thế yếu hơn so với Mỹ trong bất cứ kịch bản chiến tranh hạt nhân nào. Nếu Bình Nhưỡng mở một cuộc tấn công hạt nhân, họ sẽ đứng trước nguy cơ bị tấn công hạt nhân hủy diệt một cách nhanh chóng.
Dẫu vậy, Hàn Quốc vẫn kẹt trong thế tiến thoái lưỡng nan giống châu Âu. Lực lượng quy ước của Hàn Quốc có thể mạnh hơn đáng kể so với lực lượng tương ứng của Triều Tiên nhưng xét về khía cạnh hạt nhân, rõ ràng Hàn Quốc không phải là đối thủ của Triều Tiên. Trong khi đó, nếu Hàn Quốc quyết định tự phát triển vũ khí hạt nhân, điều này có thể khiến Mỹ rút hết quân và vũ khí khỏi Hàn Quốc.
Do vậy, Hàn Quốc vẫn sẽ cam kết theo đuổi NPT.
Nhưng thực tế này có thể thay đổi nếu môi trường an ninh ở châu Âu và châu Á tiếp tục xấu đi, đồng thời Nga và Trung Quốc ngày càng bị các nước như Hàn Quốc coi là mối đe dọa quân sự nghiêm trọng và thực tế.
Nếu sự bảo đảm an ninh của Mỹ dành cho Hàn Quốc và Nhật Bản suy yếu, điều đó có thể kéo theo sự xói mòn của việc triển khai NPT và làm cho mục tiêu phát triển kho vũ khí hạt nhân riêng trở nên quyến rũ khó cưỡng đối với nhiều nước ở Đông Á và Trung Đông. Đây là kịch bản các đại cường quốc đã nhọc công ngăn chặn kể từ năm 1945./.