Nguy cơ tính toán sai lầm “rình rập” Trung Quốc và Nhật Bản trên biển Hoa Đông
VOV.VN - Tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku /Điếu Ngư trên biển Hoa Đông đang gây leo thang căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản, làm gia tăng nguy cơ xảy ra tính toán sai lầm có thể dẫn đến một cuộc xung đột trong khu vực.
Nhật Bản tìm cách gia tăng “đòn bẩy”
Mặc dù Nhật Bản chưa bao giờ thừa nhận các chính sách quốc phòng của nước này là nhằm mục đích chống lại các động thái ngày càng quyết liệt của Trung Quốc liên quan đến quần đảo tranh chấp nói trên, song Tokyo đang đầu tư nhiều hơn vào phát triển quân sự ở thời điểm mà Bắc Kinh tăng cường hoạt động của lực lượng không quân và lực lượng hải cảnh trong khu vực.
Trong năm 2020, có 1.157 lượt tàu Trung Quốc đã đi vào vùng tiếp giáp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, trong phạm vi từ 12 đến 24 hải lý, tăng hơn 5% so với năm 2019 và gấp 3 lần so với năm 2012.
Tháng 2 vừa qua, các quan chức Nhật Bản xác nhận rằng luật lệ hiện hành tại quốc gia này cho phép lực lượng tuần duyên bắn vào tàu nước ngoài cố tiếp cận quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư với cáo buộc gây bạo lực. Động thái nhằm phản ứng trước việc Trung Quốc thông qua luật mới cho phép lực lượng hải cảnh của nước này sử dụng vũ khí đối với tàu thuyền nước ngoài mà Bắc Kinh cho là “xâm phạm vùng biển của họ bất hợp pháp”. Quyết định của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Mỹ, Nhật Bản và cộng đồng quốc tế.
Theo trang mạng quốc phòng Janes, chính phủ Nhật Bản đã hợp tác với tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries phát triển hệ thống tên lửa siêu thanh – có thể bay với tốc độ nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh, cho Lực lượng phòng vệ (SDF) của nước này. Giai đoạn đầu tiên sẽ là tập trung phát triển động cơ scramjet - một loại động cơ phản lực đòi hỏi luồng tĩnh siêu thanh để duy trì quá trình đốt cháy nhiên liệu.
Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng tăng ngân sách quốc phòng lên mức kỷ lục gần 51 tỷ USD cho năm tài chính 2021, bắt đầu từ tháng 4, tập trung phát triển khí tài hiện đại. Đây là lần thứ 9 liên tiếp nước này tăng ngân sách quốc phòng.
Ông Timothy Heath, chuyên gia an ninh đến từ nhóm nghiên cứu chính sách toàn cầu Rand Corporation ở Mỹ cho rằng, các bước đi mới của Nhật Bản nên được xem như phản ứng trước những động thái gần đây của Trung Quốc nhằm bình thường hóa sự hiện diện và các hoạt động của nước này gần chuỗi đảo tranh chấp.
Ông Timothy Heath đánh giá: “Việc Trung Quốc quy định rõ những hành động mà lực lượng hải cảnh được phép thực hiện, trong đó có cả sử dụng vũ lực và liên tục tiến hành các biện pháp tăng cường sự hiện diện của tàu đánh cá và các tàu thuyền khác gần khu vực tranh chấp đã gây sức ép lớn đối với Nhật Bản”.
“Nhật Bản có thể ngồi im nhìn Trung Quốc dần dần củng cố quyền kiểm soát các nhóm đảo hoặc thực hiện những hành động mạnh mẽ hơn để tăng cường sự kiểm soát của mình. Sau khi cân nhắc các yếu tố rủi ro, quyết định của Tokyo tăng cường khả năng bảo vệ nhóm đảo là điều dễ hiểu”.
Bên cạnh việc tăng cường khả năng quốc phòng, Nhật Bản cũng xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn với Mỹ. Hai bên đã gia hạn thỏa thuận chi trả cho các lực lượng của Mỹ đồn trú tại Nhật Bản, hãng thông tấn Kyodo cho biết hồi tháng 2/2021.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, các hoạt động “bảo vệ tài sản” của nước này đã tăng từ 14 vào năm 2019 lên đến 25 vào năm 2020. 21 hoạt động trong số này liên quan đến việc bảo vệ máy bay Mỹ trong các cuộc tập trận chung giữa hai nước.
Ông Timothy Heath cho rằng, hợp tác giữa Mỹ và Nhật Bản là cách duy nhất để Tokyo bắt kịp với Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh đang chiếm ưu thế trên không lẫn trên biển, và khoảng cách này có thể ngày càng gia tăng trong tương lai.
Nguy cơ xảy ra những tính toán sai lầm
Tuy nhiên, chuyên gia này cảnh báo, sự hiện diện của nhiều tàu thuyền và máy bay gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư sẽ làm gia tăng nguy cơ xảy ra những tính toán sai lầm. “Điều quan trọng là các bên phải tăng cường nỗ lực ổn định tình hình bằng cách nhất trí những nguyên tắc chung và tiếp tục đối thoại để giảm thiểu các sự cố trên biển, đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người”.
Cùng chung quan điểm này, Raffaello Pantucci, nhà nghiên cứu tại Viện Royal United Services ở London, nhận xét, việc các bên tăng cường triển khai khí tài quân sự và tiếp tục những hành động gây leo thang căng thẳng tại khu vực tranh chấp sẽ làm tăng nguy cơ xung đột. Song ông Pantucci cho rằng: “Nhật Bản và Trung Quốc vẫn không ngừng cố gắng để tìm cách duy trì mối quan hệ hiệu quả. Hơn nữa, các bên đều được hưởng lợi từ các hoạt động giao thương và tình hình hòa bình giữa hai nước”.
Trong những năm gần đây, Nhật Bản và Trung Quốc đã tìm cách cải thiện quan hệ song phương sau nhiều thập kỷ rạn nứt vì tranh chấp lãnh thổ và các vấn đề lịch sử.
Tuy vậy, dư luận Nhật Bản đang tỏ ra bất bình trước sự lây lan của dịch Covid-19 mà nhiều người cho rằng có nguồn gốc từ Trung Quốc, giận dữ trước hành động của Bắc Kinh gần quần đảo tranh chấp và cách xử lý trong vấn đề Hong Kong. Căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản có thể leo thang hơn nữa nếu hai bên không kiềm chế và tìm kiếm biện pháp hóa giải mâu thuẫn./.