Nguy cơ vỡ nợ ở Mỹ - hệ quả những toan tính chính trị
VOV.VN - Trước viễn cảnh này, nhiều nhà đầu tư lớn sẽ sử dụng những công cụ thanh toán bằng đồng franc Thụy Sĩ, bảng Anh, euro…
Trong khi cuộc khủng hoảng ngân sách liên bang đang làm đảo lộn mọi hoạt động của chính phủ, thì Mỹ phải đối mặt với một nguy cơ khác còn lớn hơn là vấn đề trần nợ công và có thể dẫn tới vỡ nợ. Trần nợ công là giới hạn tổng số tiền mà Chính phủ Mỹ được phép vay nợ do cơ quan lập pháp là Quốc hội Mỹ đặt ra.
Giới hạn đó áp dụng cho các khoản nợ những người mua trái phiếu của Mỹ cộng thêm các khoản nợ các quỹ ủy thác của Chính phủ liên bang như Quỹ An ninh xã hội và Y tế. Ngày 17/10 là thời điểm cuối cùng của việc quyết định vấn đề này, và nếu các nhà lập pháp vẫn không nhất trí được với nhau, thì sau thời điểm đó, Chính phủ Mỹ không còn khả năng thanh toán các khoản nợ phải trả. Điều đó kéo theo việc Mỹ không thể thu hút các khoản vay mới và như vậy buộc Mỹ phải chấp nhận và công bố vỡ nợ.
Vỡ nợ Mỹ nếu xảy ra sẽ là thảm họa đối với người dân Mỹ cũng như nền kinh tế thế giới (ảnh: independent.ie) |
Nếu như việc Mỹ vỡ nợ về mặt kỹ thuật xảy ra, tác động của nó đối với nước Mỹ và thế giới sẽ là những thảm họa. Trước hết, quy mô tác động của thảm họa này sẽ lớn và khốc liệt chưa từng thấy bởi chưa bao giờ tổng những khoản nợ và những khoản nợ đến hạn phải trả của Mỹ lại quá lớn như hiện nay. Cũng chưa bao giờ việc cần thu hút các khoản vay mới lại nhiều như hiện nay.
Không tránh được viễn cảnh vỡ nợ, thì không riêng gì nhiều công dân Mỹ mua trái phiếu Chính phủ mà rất nhiều người và nhiều quốc gia khác cũng phải liên đới. Từ đó sẽ dẫn tới khủng hoảng niềm tin đối với Mỹ và trực tiếp làm suy giảm uy thế của đồng USD. Nhiều nhà đầu tư lớn sẽ tìm sự an toàn bằng cách thay những công cụ thanh toán của mình bằng đồng tiền khác. Vì thế nhu cầu đối với đồng franc Thụy Sĩ, bảng Anh và euro sẽ tăng lên. Sự thay đổi đó tất yếu sẽ gây ra những biến động lớn tới thị trường tiền tệ thế giới và kéo theo nhiều hệ lụy về kinh tế - xã hội rộng lớn tại Mỹ cũng như trên bình diện quốc tế.
Các nền kinh tế trên thế giới đều quan tâm đến sự kiện trên, nhưng lo ngại nhất vẫn là hai nền kinh tế hàng đầu châu Á là Trung Quốc và Nhật Bản. Theo các số liệu chính thức, Trung Quốc hiện sở hữu 1.277 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ và Nhật Bản sở hữu ít hơn một chút là 1.135 tỷ USD.
Cả Trung Quốc và Nhật Bản đều phụ thuộc rất nhiều không chỉ ở khoản mua trái phiếu mà còn là hai nền kinh tế xuất khẩu bậc nhất vào thị trường Mỹ. Bất kể tác động nào về việc thanh quyết toán cũng như giá cả của đồng USD đều có thể gây phương hại tới sức cạnh tranh mậu dịch của hai nước.
Tiếp theo Trung Quốc và Nhật Bản, các quốc gia thuộc cộng đồng kinh tế châu Âu và Nga cũng đang hết sức lo ngại. Kinh tế các nước Tây Âu có quan hệ chằng chịt với kinh tế Mỹ về tài chính – ngân hàng, đầu tư và thương mại. Mỹ vỡ nợ, Nga cũng phải chịu những tác động nghiêm trọng và điều đó xảy ra làm cho giá dầu và tỷ giá đồng rouble giảm, làm cho hàng loạt việc kinh doanh của các doanh nghiệp bị đình trệ và người lao động cũng chịu ảnh hưởng.
Trước những nguy cơ đang đặt ra như thế, lại chứng kiến những thảm cảnh của việc khủng hoảng ngân sách trong những ngày qua, nhân dân Mỹ ngày càng phẫn nộ trước những toan tính chính trị ích kỷ của các nghị sĩ thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Sức ép mạnh mẽ của dư luận sẽ là yếu tố không thể xem thường để các nhà lập pháp Mỹ có những hành động thích hợp./.