Nhật Bản tìm Philippines và Ấn Độ để củng cố hợp tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
VOV.VN - Cả Philippines và Ấn Độ đều vướng vào những tranh chấp với Trung Quốc thời gian gần đây, trong đó mối quan hệ giữa Manila với Bắc Kinh gặp nhiều sóng gió với những bất đồng ở Biển Đông.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga dự kiến sẽ thăm Ấn Độ và Philippines ngay sau chuyến thăm tới Washington DC để gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden. Điều này được xem như nỗ lực củng cố các giải pháp của Nhật Bản trong việc đối phó với sự gây hấn của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ông Suga dự kiến có cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Biden vào ngày 16/4 tới và sẽ là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp tân tổng thống Mỹ tại Nhà Trắng.
Nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho biết ông Suga sau đó sẽ tới Manila gặp Tổng thống Rodrigo Duterte và tiếp đó tới New Delhi để thảo luận với Thủ tướng Narendra Modi. Thời điểm chính xác của cả 2 chuyến thăm này vẫn chưa được quyết định do tình hình dịch Covid-19.
Chuyến thăm dự kiến của ông Suga tới Manila và New Delhi diễn ra trong bối cảnh có nhiều lo ngại về sự gây hấn của Bắc Kinh trong khu vực.
Củng cố hợp tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Ấn Độ là một phần của Bộ Tứ (QUAD) cùng với Mỹ, Australia và Nhật Bản. Nhóm này được xem như đối trọng với sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc.
Ấn Độ và Nhật Bản đều đã xây dựng các mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ trong những năm qua. Tháng 9/2020, hai bên ký thỏa thuận cho phép tiếp cận các căn cứ quân sự của nhau.
“Ấn Độ và Philippines là 2 đối tác quan trọng nhất của Nhật Bản trong khu vực. Ấn Độ là một phần của nhóm an ninh Bộ Tứ, còn Philippines là đồng minh thân cận nhất của Nhật Bản ở Đông Nam Á. Thủ tướng Suga sẽ muốn thúc đẩy quan hệ với cả 2 nước này để có thêm hậu thuẫn trong việc kiềm chế sự nổi lên của Trung Quốc trong khu vực”, Yuko Ito, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học châu Á tại Tokyo cho biết.
Ấn Độ có tranh chấp biên giới với Trung Quốc kéo dài nhiều tháng, mới đây nhất là vụ đụng độ chết người ở Ladakh hồi tháng 5/2020. Dù căng thẳng đã hạ nhiệt sau khi 2 bên đã đạt được thỏa thuận rút khỏi khu vực ranh giới hồi tháng 2 năm nay, nhưng New Delhi vẫn tìm cách thắt chặt quan hệ với các đối tác QUAD.
Ấn Độ và Philippines lâu nay đều là những nước nhận viện trợ kinh tế của Nhật Bản. Bà Ito cho rằng, ông Suga có thể sẽ tận dụng chuyến thăm của mình để công bố các gói cứu trợ bổ sung, trong đó có cả trợ giúp về vaccine ngừa Covid-19. Philippines, hiện dựa chủ yếu vào nguồn cung cấp vaccine của Trung Quốc, và điều này khiến Manina chịu sức ép từ Bắc Kinh.
Tổng thống Duterte vẫn thường thể hiện sẵn sàng làm việc với chính phủ Trung Quốc, mặc dù mối quan hệ song phương những tuần gần đây trở nên căng thẳng sau sự xuất hiện của hàng trăm tàu Trung Quốc ở Biển Đông.
Những bất đồng hiện nay đặt Manila vào một vị thế khó khăn. Báo cáo gần đây của Viện nghiên cứu Đông Nam Á có trụ sở tại Singapore cho thấy 80% quan chức chính phủ và các học giả Philippines coi Trung Quốc là mối đe dọa an ninh quốc gia.
Xây dựng liên minh đối phó Trung Quốc
Stephen Nagy, một giáo sư liên kết về quan hệ quốc tế tại Tokyo cũng cho rằng, thời điểm ông Suga thăm Philippines – ngay sau khi trở về từ Washington – là điều đáng chú ý.
“Ông Suga sẽ truyền tải thông điệp tới Manila rằng, Nhật Bản sẽ bảo vệ và ủng hộ Philippines ở Biển Đông. Còn với Ấn Độ, Nhật Bản muốn nhấn mạnh rằng, New Delhi là một đồng minh, đối tác quan trọng và gần gũi nhất của Tokyo trong khu vực”, theo ông Nagy.
Nhật Bản nhấn mạnh rằng, nước này đang làm việc với các quốc gia “cùng chí hướng” trong khu vực để xây dựng một liên minh mà họ Tokyo cho là sẽ đem lại cơ hội tốt hơn để đối phó các hành động gây hấn của Bắc Kinh ở các khu vực tranh chấp.
Theo ông Nagy, hành động của Trung Quốc ở Đá Ba Đầu cũng được xem như lời cảnh báo tới Nhật Bản, bởi Bắc Kinh có thể dễ dàng điều hàng trăm tàu cá tới các vùng biển gần các khu vực tranh chấp ở biển Hoa Đông, trong đó có quần đảo Senkaku không có người ở do Nhật Bản quản lý mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.
Tháng trước, Đại sứ Nhật Bản tại Philippines Koshikawa Kazuhiko tuyên bố Nhật Bản phản đối bất cứ hành động nào làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông, đồng thời ủng hộ các nỗ lực quốc tế nhằm đảm bảo hòa bình trong khu vực./.